Phóng viên (PV): Theo bà, nội dung các tác phẩm cho thiếu nhi những năm gần đây đã có sự thay đổi như thế nào?
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên (VTQL): Thị hiếu đọc của các em đang thay đổi rất nhiều. Nhiều em còn quan tâm các vấn đề chính trị, tâm lý được chuyển tải trong tác phẩm. Điều này ở mảng sách, truyện nước ngoài họ làm rất tốt, ở nước ta còn khá thiếu vắng. Tuy nhiên, các tác giả Việt có thế mạnh là có thể tạo dựng những câu chuyện rất gần gũi, gắn bó cuộc sống của người Việt. Như tính chất vùng miền trong tác phẩm “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm” của Cao Khải An (tác phẩm đoạt Giải Khát vọng Dế Mèn lần thứ nhất năm 2020), đậm đặc ngôn ngữ miền Tây, rất duyên dáng và hài hước… Các yếu tố này không thể nào tìm thấy trong các tác phẩm nước ngoài. Cùng với những cuốn truyện thiếu nhi kinh điển như: “Quê nội” (Võ Quảng), “Đất rừng Phương Nam” (Đoàn Giỏi)… sẽ khơi gợi trong tâm hồn các em tình yêu quê hương, yêu tiếng Việt.
Gần đây đang có nhiều bạn trẻ rất nỗ lực làm mới những tác phẩm của mình như trong lĩnh vực thơ. Đây là thể loại kén độc giả, thì nay những cuốn thơ cũng đã rút ngắn được khoảng cách với độc giả nhí, như là cuốn “Ra vườn nhặt nắng” của Nguyễn Thế Hoàng Linh, “Gõ cửa nhà trời” của Bảo Ngọc, “Gia tài của bố” của Đức Phạm… bên cạnh những tác phẩm thơ quen thuộc “Ai dậy sớm” của nhà thơ Võ Quảng, “Góc sân và khoảng trời” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Còn về truyện, nổi bật có “Xóm bờ giậu” của nhà văn Trần Đức Tiến, “Cúc dại và tia nắng” của Dy Duyên. Các tác phẩm thuộc dòng sách pop-up, manga-comic…
PV: Xu hướng đọc của nhiều bạn nhỏ là thích yếu tố phiêu lưu, trinh thám, kỳ ảo… Nhưng dường như những yếu tố này lại khá thiếu vắng trong nhiều tác phẩm văn học dành cho các em?
VTQL: Trong khoảng 5 năm trở lại đây lượng sách có khai thác yếu tố kỳ ảo đúng là đếm được trên đầu ngón tay. Chúng tôi cũng đã xuất bản bộ truyện “Công chúa Kem Dâu” và “Kem Dâu trúng lời nguyền” của Vân Vũ, “Trẻ thượng nguồn” của Bùi Cẩm Linh… Đây là những tác giả rất trẻ, đã khai thác tốt yếu tố kỳ ảo để tạo dựng tác phẩm hấp dẫn bạn nhỏ. Tuy nhiên, xét đối trọng với mảng sách nước ngoài khi khai thác các yếu tố này thì còn rất thiếu. Chúng ta đã có thời gian dài quen với dạng văn miêu tả, kể chuyện trường lớp, bạn bè, thầy cô, chuyện sinh hoạt… Vậy nên để tiếp cận một hình thức mới thì rõ ràng các nhà văn cần phải có thời gian để thẩm thấu.
Ở nước ngoài viết lách được xem là một ngành, rất đề cao yếu tố sáng tạo và thay đổi liên tục theo nhu cầu của độc giả. Thí dụ như truyện kỳ ảo không còn dừng lại trong thế giới phù thủy phép thuật hay là khoa học viễn tưởng nữa, mà bây giờ họ đã vươn tới vấn đề về hậu tận thế… Việc thay đổi là yêu cầu khẩn thiết, nhưng tôi nghĩ rằng các độc giả nhí cũng phải dành thời gian cho các tác giả trong nước, để họ làm quen dần với yếu tố mới.
PV: Được biết, NXB Kim Đồng đã nối dài cánh tay tới các tác giả ở các Hội văn học nghệ thuật cả nước và những người viết uy tín để vận động họ quay trở lại viết cho thiếu nhi?
VTQL: Chúng tôi đã phải tới các Hội trong cả nước để tìm kiếm, trao đổi trực tiếp với tác giả. Khi tác giả gửi bản thảo đến, thay vì thụ động tiếp nhận thì chúng tôi cũng đã có sự góp ý trao đổi để làm sao vẫn tôn trọng phong cách sáng tác của tác giả, mà chất lượng thì được nâng lên.
Người viết luôn có những lựa chọn chủ đề để sáng tác. Có thể đề tài người lớn luôn hấp dẫn, nhiều tư liệu, tung tẩy trong sáng tạo. Còn viết cho thiếu nhi thì nhiều chi tiết đã quá xa thời của họ rồi. Hy vọng, với vai trò cầu nối, chúng tôi sẽ giúp các nhà văn tìm lại được cảm hứng khi sáng tác cho thiếu nhi.
PV: Xin cảm ơn bà!
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên: Chúng tôi thấy rất vui khi Hội Nhà văn Việt Nam quyết tâm đưa văn học thiếu nhi trở thành mảng trọng điểm, cũng như việc thay đổi một số thành viên trong Ban Văn học thiếu nhi của Hội, với những gương mặt sáng giá đã có những thành tựu nhất định trong sáng tác dành cho thiếu nhi. Điều này sẽ góp phần nâng cao vị thế, giá trị của sáng tác văn học Việt Nam dành cho thiếu nhi trong thời gian tới.