Cuộc đua ưu đãi thị thực

Indonesia đang giới thiệu chương trình “thị thực vàng” để thu hút các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều nước trên thế giới cũng đã triển khai các biện pháp tương tự nhằm nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
CEO Sam Altman của OpenAI là một trong những người đầu tiên nhận thị thực vàng của Indonesia. Ảnh: CNN
CEO Sam Altman của OpenAI là một trong những người đầu tiên nhận thị thực vàng của Indonesia. Ảnh: CNN

Chương trình thị thực vàng

Indonesia đang giới thiệu chương trình thị thực vàng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài chất lượng, có giá trị ròng cao. Theo chương trình thị thực mới này, các nhà đầu tư nước ngoài có thể nhận được giấy phép cư trú từ 5 đến 10 năm, tùy thuộc vào giá trị đầu tư của họ.

Theo Reuters, các nhà đầu tư cá nhân phải thành lập một công ty ở Indonesia trị giá từ 2,5 triệu USD để nhận được thị thực 5 năm, hoặc khoản đầu tư hơn 5 triệu USD cho thị thực 10 năm. Ngoài ra, những người không muốn thành lập công ty có thể đầu tư ít nhất 350.000 USD vào cổ phiếu của một công ty đại chúng niêm yết ở địa phương, hoặc mở tài khoản tiền gửi, tiết kiệm hay mua trái phiếu Chính phủ Indonesia để đủ điều kiện xin thị thực 5 năm hoặc 700.000 USD cho 10 năm. Đồng thời, giám đốc hay người ủy quyền hợp pháp của doanh nghiệp đó cũng có thể được cấp thị thực 5 năm nếu công ty của họ đầu tư ít nhất 25 triệu USD và ở mức 50 triệu USD cho thị thực 10 năm.

Chương trình nhập cư ưu đãi của Indonesia đã thông báo Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Sam Altman của Công ty công nghệ OpenAI sở hữu công cụ ChatGPT đình đám, trở thành một trong những nhà đầu tư đầu tiên nhận được ưu đãi thị thực vàng của quốc gia Đông Nam Á. Ông chủ của công ty công nghệ này sẽ được hưởng thời gian lưu trú dài hạn ở trong nước, cũng như một số ưu tiên tại sân bay và các thủ tục khác.

Thông cáo báo chí của Cục Nhập cư, Bộ Pháp luật và Nhân quyền Indonesia cho biết, CEO của OpenAI có “danh tiếng quốc tế và có thể mang lại lợi ích cho Indonesia”. Đại diện cơ quan này cũng cho biết, đất nước đang “trải thảm đỏ” cho các CEO công nghệ để đổi lấy những nguồn lực tiềm năng của họ. Trước đó, vào tháng 6, Sam Altman đã đến thăm Thủ đô Jakarta của Indonesia để thảo luận về việc phát triển AI, nhưng không rõ liệu CEO này đã nộp đơn xin thị thực hay đầu tư vào nước này hay chưa. Theo thông cáo, một số loại thị thực vàng không dựa trên số vốn đầu tư, mà có thể được cấp cho những người có danh tiếng quốc tế có thể mang lại lợi ích cho đất nước.

Trước đây, nhiều quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Ireland, New Zealand, Tây Ban Nha… đã giới thiệu các chương trình thị thực vàng tương tự dành cho các nhà đầu tư nhằm tìm cách thu hút vốn và cư dân khởi nghiệp. Tuy nhiên, các nước cũng đang phải đối mặt sự cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng, cũng như chạy đua nâng cấp thị thực để gia tăng khách du lịch quốc tế nhằm vực dậy ngành công nghiệp không khói sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cuộc đua ưu đãi thị thực ảnh 1

Thailand chào đón các nhà đầu tư nước ngoài bằng chính sách ưu đãi nhà ở lâu năm. Ảnh: GETTY

Cơ hội thu hút nhân lực chất lượng

Gần đây, nhiều quốc gia đã nới lỏng chính sách visa nhằm thu hút cư dân quốc tế. Chẳng hạn như Thailand đã công bố nhiều ưu đãi vào năm 2022 nhằm thu hút người nghỉ hưu, nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài. Những người nộp đơn đủ điều kiện có thể nhận được thị thực cư trú dài hạn 10 năm để sống ở Thailand, bao gồm cả vợ hoặc chồng và con cái của họ. Những người nộp đơn đủ điều kiện cũng sẽ được cấp giấy phép làm việc tự động, có thể xem xét được hưởng mức thuế thu nhập tương tự như công dân Thailand, cũng như được miễn thuế đối với thu nhập kiếm được ở nước ngoài… Đây là loại thị thực mới chưa từng áp dụng ở Thailand trước đây.

Các ưu đãi trên của Chính phủ Thailand dành cho người có thu nhập cao (80.000 USD/năm) và tài sản ít nhất 1 triệu USD, những người hưu trí với mức lương hưu ổn định ít nhất 40.000 USD mỗi năm và từ 50 tuổi trở lên, cũng như các chuyên gia tay nghề cao có thu nhập ở mức trung bình 40.000 USD mỗi năm trong các ngành như cơ sở hạ tầng hoặc công nghệ kỹ thuật số. Theo Asean Briefing, kể từ khi bắt đầu vào tháng 9/2022 đến tháng 6/2023, chương trình đã nhận được 4.200 đơn đăng ký và Chính phủ Thailand nhắm tới 1 triệu cư dân nước ngoài theo diện này trong vòng 5 năm tới.

Malaysia cũng giới thiệu chương trình visa cao cấp (PVIP) từ năm 2022 nhằm thu hút những nhà đầu tư nước ngoài giàu có đến đầu tư và cư trú tại quốc gia này trong thời gian lên tới 20 năm. Ngoài ra, người có thị thực này có thể học tập và mua bất động sản nhà ở hoặc thương mại. Người nộp đơn phải đáp ứng một số yêu cầu về tài chính để đủ điều kiện tham gia PVIP, đồng thời phải gửi đơn đăng ký thông qua một cơ quan có thẩm quyền do Cục Di trú Malaysia chỉ định. Trước đó, quốc gia Đông Nam Á này cũng đã áp dụng chương trình thị thực khác có tên là “Ngôi nhà thứ hai của tôi ở Malaysia”, với phí đăng ký rất ưu đãi.

Đặc biệt, nước này đã đưa vào triển khai “thị thực du mục kỹ thuật số” đầu tiên trong khu vực vào năm 2022. Chương trình có tên là “De Rantau”, nhằm chào đón các nhà sáng tạo nội dung kỹ thuật số, chuyên gia công nghệ thông tin và người làm việc online có thể chứng minh mức thu nhập ổn định với thời gian lưu trú lên tới 12 tháng. Chính phủ hy vọng chương trình này có thể biến Malaysia thành một trung tâm dành cho những “người du mục kỹ thuật số” trong khu vực, đồng thời thúc đẩy lộ trình số hóa trên toàn quốc. Thông qua De Rantau, giới chức Malaysia đang đặt mục tiêu 80.000 công dân “du mục kỹ thuật số” tới đây vào năm 2025.

Cũng trong khu vực, chương trình “Nhà đầu tư toàn cầu” của Singapore được giới thiệu vào năm 2004, là một trong những chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và gia đình họ để được cấp phép thường trú tại Singapore. Cơ quan điều hành chương trình là Ban Phát triển Kinh tế (EDB), từ tháng 3/2023 đã nâng một số tiêu chí nhằm yêu cầu cam kết đầu tư cao hơn, chẳng hạn như đầu tư ít nhất 10 triệu dollar Singapore (7,4 triệu USD) vào một doanh nghiệp mới hoặc hiện có ở Singapore; đầu tư 25 triệu dollar Singapore (18,5 triệu USD) vào quỹ đã đăng ký với EDB để đầu tư vào các doanh nghiệp Singapore... Chính phủ Singapore chưa công bố dữ liệu về tổng số người nộp đơn thành công kể từ khi tăng tiêu chí đầu tư đủ điều kiện, nhưng họ đang hướng tới thu hút các nhà đầu tư và cá nhân chất lượng cao hơn. Thông qua việc thực hiện các chương trình ưu đãi thị thực, quốc đảo này đặt mục tiêu trở thành một điểm đến hấp dẫn cho những nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới, đồng thời thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tới đây lưu trú và làm việc.

Nhiều nước như Na Uy, Bồ Đào Nha, Romania, New Zealand, Saudi Arabia... cũng đều có các chính sách đãi ngộ tương tự. Tính đến cuối năm 2022, có khoảng hơn 50 quốc gia đã triển khai các chương trình thị thực dành cho nhóm đối tượng “du mục kỹ thuật số”. Họ là những người thường xuyên xê dịch, làm việc từ xa qua các thiết bị công nghệ và không phụ thuộc vào địa điểm cố định, nhiều người trong số họ là chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định và có thu nhập cao.

Ước tính, việc thu hút nhóm “du mục kỹ thuật số” mang lại nguồn ngoại tệ và lợi ích kinh tế không nhỏ. Theo trang thống kê Statista.com, một nghiên cứu vào tháng 3/2023 cho thấy, 36% những “du mục kỹ thuật số” được khảo sát có thu nhập hằng năm từ 100 đến 250 nghìn USD, chỉ có 6% cho biết, họ kiếm được ít hơn

25 nghìn USD một năm. Trong 10 điểm đến phổ biến nhất của giới “du mục kỹ thuật số” được trang iVisa đánh giá, có đến bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Thailand, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Cùng với nới lỏng thị thực, cơ quan chức năng các nước cũng đề cao hợp tác, nâng cao chất lượng thẩm định đơn xin xét duyệt nhằm bảo đảm an ninh và minh bạch, giúp cho những chính sách mới này thật sự phát huy hiệu quả.