Củng cố và phát triển bền vững thị trường tài chính

Thời gian qua, Việt Nam đã chứng tỏ là một nền kinh tế sôi động và phát triển nhanh. Cùng với nền kinh tế, thị trường tài chính cũng không ngừng phát triển và hoàn thiện. Tuy nhiên, hệ thống tài chính cũng bộc lộ những điểm yếu cần khắc phục để tăng trưởng một cách bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Các hoạt động tài chính đã đạt được nhiều tiến bộ. Ảnh: NGUYỆT ANH
Các hoạt động tài chính đã đạt được nhiều tiến bộ. Ảnh: NGUYỆT ANH

Khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, thị trường tài chính cũng đã trải qua những thay đổi, cải cách để củng cố nền tảng và phát triển. Nhưng qua một số sự kiện trong năm 2022 và 2023 cho thấy thị trường tài chính Việt Nam xuất hiện một số bất cập như thị trường trong nước chưa kết nối một cách phù hợp với thị trường tài chính quốc tế, thiếu những chế định chặt chẽ khiến cho thị trường trái phiếu còn non trẻ gặp khó khăn. Nhìn chung, những chỉ số như Phát triển tài chính (Financial Development Index - FDI) của Quỹ Tiền tệ quốc tế, và Năng lực cạnh tranh trung tâm tài chính (Global Financial Centres Index - GFCI) đánh giá một cách tương đối chính xác và khách quan hiện trạng của thị trường tài chính Việt Nam.

Chỉ số FDI của đánh giá toàn diện sự phát triển và ổn định của hệ thống tài chính ở các nước trên thế giới. Phân tích dữ liệu FDI trong khu vực ASEAN tập trung vào Việt Nam thì FDI dao động từ 0,27 đến 0,45 (trị số 1 là phát triển hoàn hảo) từ năm 1993 đến năm 2020 và có xu hướng tăng. Điều này cho thấy hệ thống tài chính không ngừng phát triển và hoàn thiện. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng GDP thì mức tăng này không đáng kể. Nhìn chung, giá trị FDI của Việt Nam tương đối ổn định, có biến động nhẹ qua các năm, cho thấy Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc phát triển hệ thống tài chính.

Chỉ số GFCI phản ánh mức độ phát triển tài chính của một quốc gia. Nó là thước đo năng lực cạnh tranh của trung tâm tài chính của đất nước với các thủ đô tài chính thế giới. GFCI được tính toán dựa trên đánh giá của 29.000 trung tâm tài chính lớn trên toàn cầu, cộng với 138 chỉ số từ các tổ chức uy tín như Ngân hàng Thế giới (WB), OECD, Cơ quan Tình báo kinh tế EIU. TP Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính đại diện cho Việt Nam, có chỉ số GFCI tương đối kém so với các thành phố Jakarta, Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore (đứng đầu khu vực). Trên phạm vi toàn cầu, TP Hồ Chí Minh xếp thứ 112/120. Điều này cho thấy năng lực cạnh tranh về tài chính của Việt Nam so với thế giới vẫn còn rất hạn chế.

Còn có một số chỉ số khác cũng đánh giá Việt Nam có sự cải thiện chung từ năm 1996 đến nay, như chỉ số quản trị toàn cầu, chỉ số tự do kinh tế, hiệu quả tư pháp và áp dụng chế định... Tuy nhiên, những thành tích này vẫn ở mức thấp. Và để thị trường tài chính Việt Nam tăng trưởng một cách an toàn và bền vững cần phải có những biện pháp quản lý thị trường thông qua các chế định chặt chẽ.

Thứ nhất là bảo đảm mọi người đều có quyền và phải chịu những chế định một cách bình đẳng. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ để hợp lý hóa các quy trình, giảm thủ tục giấy tờ và tăng hiệu quả tổng thể có thể nâng cao hiệu quả của hệ thống tư pháp. Bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng rất quan trọng, với các quy trình và cơ chế pháp lý dễ tiếp cận để giải quyết các hành vi sai trái. Một yếu tố khác có thể cải thiện các chế định là sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng, vì nó có thể thúc đẩy niềm tin và sự hiểu biết về hệ thống pháp luật. Đồng thời, hợp tác quốc tế với các tổ chức hoặc các quốc gia đi đầu về pháp quyền có thể tạo cơ hội học hỏi và hợp tác về các vấn đề pháp lý toàn cầu.

Thứ hai là phát triển các khu vực tài chính. Trong khi các định chế là nền tảng cơ bản cho sự phát triển của khu vực tài chính, việc xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, thúc đẩy các sáng kiến fintech và củng cố khu vực ngân hàng có thể nâng cao niềm tin vào thị trường tài chính và thu hút đầu tư. Ngoài những điều trên, nâng cao hiểu biết về tài chính và bảo vệ người tiêu dùng cũng là một ưu tiên quan trọng. Bằng cách giáo dục công chúng về các sản phẩm và rủi ro tài chính, đồng thời áp dụng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ, người dân có thể sáng suốt hơn trong các lựa chọn của mình, góp phần tạo nên một hệ sinh thái tài chính lành mạnh và linh hoạt hơn.

Thứ ba là thúc đẩy hợp tác công và tư. Đây là điều cần thiết để thúc đẩy sự đổi mới và tính toàn diện trong lĩnh vực tài chính. Quan hệ đối tác có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các giải pháp đổi mới, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tổng thể.

Thứ tư là giáo dục tài chính. Bằng cách giáo dục và bảo đảm cho công chúng về hoạt động cơ bản của nền kinh tế và khu vực tài chính, các nhà đầu tư (tư nhân) Việt Nam có thể được cung cấp những công cụ quan trọng. Điều này có thể trao quyền cho họ đánh giá các quyết định đầu tư và đánh giá tốt hơn các giao dịch tài chính và rủi ro của chúng. Về lâu dài, điều này có thể cải thiện chi phí giao dịch trong hệ thống tài chính Việt Nam và hứa hẹn phân bổ nguồn vốn tài chính tốt hơn.

Cuối cùng, việc thực hiện khung pháp lý hợp lý và bảo đảm giám sát hiệu quả là rất quan trọng để duy trì sự ổn định tài chính và giảm rủi ro hệ thống. Một hệ thống tài chính được quản lý tốt có thể nâng cao niềm tin của nhà đầu tư và các bên liên quan, đồng thời thúc đẩy một khu vực tài chính năng động và linh hoạt có thể hỗ trợ đất nước phát triển.

Nhìn chung, việc hoàn thiện các chế định có thể giúp Việt Nam trở thành một trung tâm tài chính trong tương lai. Hơn nữa, tác động tích cực của các chế định chặt chẽ không chỉ giới hạn ở lĩnh vực tài chính mà nó có thể thúc đẩy sự phát triển của tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội.