Đây là lần thứ ba Hồ sơ di cư Việt Nam được công bố nhằm cung cấp những thông tin chính thức và phân tích về các dòng di cư từ Việt Nam đi các nước và từ các nước đến Việt Nam; chính sách, pháp luật liên quan di cư quốc tế. Hai phiên bản được công bố trước đó lần lượt vào năm 2011 và 2016. Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 do Cục Lãnh sự chủ trì biên soạn với sự tham gia của IOM và những tổ chức liên quan, đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao từ các cơ quan chức năng, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, đánh giá Hồ sơ di cư Việt Nam 2023 đã đạt được những bước tiến nổi bật so hai phiên bản trước. Đây là lần đầu hồ sơ được bổ sung số liệu về dòng di cư của người nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời đã thu nhập, đánh giá đầy đủ hơn về chính sách và thực tiễn bảo đảm quyền của phụ nữ trong quá trình di cư. Hồ sơ cho thấy, dòng di cư của người nước ngoài vào Việt Nam được đánh giá tương đối đa dạng, đặc biệt là di cư lao động, với 475.198 người nước ngoài được cấp phép lao động từ năm 2017 đến 2022.
Bà Mitsue Pembroke, quyền Trưởng đại diện phái đoàn IOM nhận định, hồ sơ góp phần làm rõ hơn bức tranh tổng quan về những xu hướng di cư, trong đó có di cư lao động, việc làm..., qua đó đánh giá cao vai trò của người di cư trong thúc đẩy phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam và quốc gia có liên quan. Bà cho biết: “Hồ sơ di cư là cẩm nang giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các xu hướng cũng như nắm bắt được các thách thức còn tồn tại chung quanh vấn đề này”.
Các dữ liệu được tổng hợp đã chỉ ra rằng, di cư quốc tế nếu được quản lý hiệu quả sẽ là nhân tố thúc đẩy bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho mỗi quốc gia, địa phương, cộng đồng và chính bản thân người di cư.