Công bằng thực thi pháp luật quản lý thuế

Được xây dựng trên nguyên tắc thể hiện quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc quản lý thuế, đặc biệt là công tác quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, Nghị định 132/2020/NĐ-CP (NĐ 132) cơ bản bảo đảm đủ cơ sở pháp lý, phù hợp thông lệ quốc tế, không có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp (DN) trong nước và DN nước ngoài.

Việc quản lý thuế không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Ảnh: NAM ANH
Việc quản lý thuế không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Ảnh: NAM ANH

Phát biểu ý kiến tại buổi họp báo chuyên đề quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, NĐ 132 vừa được Chính phủ ban hành ngày 5-11-2020 được xây dựng trên nguyên tắc thể hiện quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc quản lý thuế, trong đó có nội dung quản lý thuế đối với giao dịch liên kết. Cụ thể, tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị có nêu: “Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá”; “hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế... để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá”. Điểm mới đáng chú ý của NĐ 132, đó là đã mở rộng thêm đối tượng loại trừ như: các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các DN vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật, trong đó có Luật Quản lý thuế số 38, Luật Thuế thu nhập DN số 14/2008/QH12 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN…, Bộ Tài chính đã tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành NĐ 132.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, để bảo đảm thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế trong triển khai thực hiện cũng như nâng cao tính pháp lý, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, xây dựng để chuyển các nội dung hướng dẫn tại Thông tư 41/2017/TT-BTC hướng dẫn nghị định lên tầm NĐ, do đó không có thông tư hướng dẫn. Về nội dung, NĐ 132 kế thừa quy định tại NĐ số 68/2020/NĐ-CP ngày 24-6-2020 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 NĐ 20/2017/NĐ-CP (NĐ 20). Cụ thể, tại NĐ 132, mức khống chế trần chi phí lãi vay đã được nâng từ 20% lên 30%; cho phép khống chế chi phí lãi vay sau khi đã trừ lãi tiền gửi, tiền vay và mở rộng đối tượng được miễn áp dụng quy định khống chế. Ngoài ra, NĐ 132 đã được bổ sung một số nội dung mới. Đó là đã mở rộng đối tượng loại trừ áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN.

Liên quan quy định nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, quy định về nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia bảo đảm thuận lợi cho người nộp thuế (NNT) và cam kết của Việt Nam khi tham gia diễn đàn BEPS của OECD, phù hợp điều kiện bối cảnh của Việt Nam.

Theo NĐ 132, thời điểm lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia có sự thay đổi. Nếu như NĐ 20 trước đây quy định NNT tại Việt Nam có công ty mẹ tại nước ngoài có nghĩa vụ lưu trữ và cung cấp cho cơ quan thuế báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ và cùng thời điểm nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập DN, thì NĐ 132 quy định mới theo thông lệ quốc tế bảo đảm phù hợp cam kết khi tham gia diễn đàn BEPS, đó là báo cáo lợi nhuận liên quốc gia nhận được qua hình thức trao đổi thông tin tự động nếu cơ quan có thẩm quyền của hai nước có ký thỏa thuận. NNT chỉ phải cung cấp cho cơ quan thuế trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền của hai nước không ký thỏa thuận.

Về việc NĐ 132 áp dụng cả với DN trong nước và DN nước ngoài có bảo đảm công bằng không? Đây cũng là ý kiến đại biểu Quốc hội (QH) Bùi Thanh Tùng (đoàn đại biểu QH TP Hải Phòng) nêu trên diễn đàn QH. Theo ông Bùi Thanh Tùng, việc áp trần lãi vay chỉ nên áp dụng với các DN nước ngoài. Các DN có công ty mẹ - công ty con cùng hoạt động ở Việt Nam thì không phải là đối tượng của hoạt động chống chuyển giá.

Ông Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện Việt Nam đã ký hơn 80 hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các quốc gia trên thế giới. Tại Điều 24 của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần quy định: “không phân biệt đối xử giữa DN trong nước và DN ngoài nước”. Hơn thế, theo cam kết WTO cũng có và nhất quán nguyên tắc: “cấm phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong nước về thuế”. Đây là nguyên tắc đối xử công bằng được dẫn chiếu tại Điều 17 Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATT), Điều 3 của Hiệp định GATT về các khía cạnh liên quan thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Bản thân các DN trong nước hiện nay cũng có hoạt động liên kết và đầu tư ra nước ngoài, do đó DN trong nước cũng phải chịu sự quản lý về thuế đối với các hoạt động liên kết và chống chuyển giá. Tính đến cuối năm 2019, Tổng cục Thuế thống kê có khoảng 16.500 DN kê khai có quan hệ liên kết, trong đó có hơn 8.000 DN có hoạt động, giao dịch liên kết. Ngay cả bản thân các DN trong nước cũng có sự chuyển giá lẫn nhau. Trong chín tháng năm 2020, ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 263 DN (trong đó, 177 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 86 DN trong nước) có hoạt động, giao dịch liên kết, qua đó truy thu, truy hoàn khoảng 525 tỷ đồng (DN nước ngoài là 442 tỷ đồng). Chưa kể, nhiều DN trong nước sử dụng mối liên hệ liên kết để thực hiện các khoản vay, đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực rủi ro. Do vậy, cần phải có sự điều chỉnh đối với các đối tượng DN này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định, chính vì vậy, việc xây dựng chính sách pháp luật nói chung và quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết nói riêng đều phải nhất quán và bảo đảm nguyên tắc “không phân biệt đối xử giữa DN trong nước và DN ngoài nước”.