Còn vướng kênh tiêu thụ sản phẩm hữu cơ

Canh tác nông nghiệp hữu cơ đã có hành trình 16 năm và được coi là giải pháp phát triển bền vững. Nhưng cũng ngần ấy thời gian là cuộc “đôi co” âm thầm giữa canh tác hóa học và canh tác hữu cơ.
0:00 / 0:00
0:00
Canh tác hữu cơ tại làng rau Trà Quế (Hội An).
Canh tác hữu cơ tại làng rau Trà Quế (Hội An).

Băn khoăn đầu tư thấp, sản lượng thấp…

Qua thôn khác cắt cỏ cho bò, bà Cao Thị Sen, thôn Thanh Đông (xã Cẩm Nam, Hội An, Quảng Nam) tần ngần nhìn luống rau cải, rau muống, rau húng… mơn mởn theo cách canh tác cũ, tức là canh tác hóa học. Bà Sen cho hay: “Tôi cũng muốn canh tác rau theo cách này, nó lớn nhanh, dễ bán. Nhưng ở thôn tôi, họ cứ bắt làm rau hữu cơ, nó lớn chậm, kém xanh, giá thành cũng không cao hơn là bao so rau canh tác thông thường”.

Về việc canh tác hữu cơ luôn phải đưa ra cam kết cùng đồng hành, tránh tình trạng canh tác hóa học đan xen canh tác hữu cơ. Cách làm này nhằm tránh tình trạng xâm lấn hóa chất từ canh tác hóa học nhiễm vào canh tác hữu cơ. Đây là ràng buộc chặt chẽ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng, nhưng người dân đã quen với canh tác cũ nên khi canh tác hữu cơ, họ luôn có cảm giác chán nản.

Nhiều người trồng trọt, chăn nuôi theo cách cũ - dùng chất hóa học trồng trọt, dùng thức ăn tăng trưởng cho chăn nuôi, cho rằng nông nghiệp hữu cơ là nông nghiệp đầu tư thấp, sản lượng thấp. Tâm lý tiêu cực như bà Sen không phải là cá biệt. Ông Lương Duy Hà ở thôn Đập (xã Yên Thọ, Như Thanh, Thanh Hóa) cho hay: “Tôi có 4 ha đồi, trước chỉ trồng keo nhưng gần đây tôi chuyển sang trồng bưởi Diễn và đăng ký canh tác hữu cơ. Việc không được chăm bón phân hóa học, bơm hóa chất diệt cỏ và côn trùng, tôi chấp hành. Nhưng bên dự án, họ nói không được cắt cành bưởi, không được bón vôi bột vào gốc cây. Quy định vậy có máy móc, nhiêu khê không?”.

“Tôi nghĩ cành bưởi có dấu hiệu héo khô thì cũng nên cắt bỏ. Bón vôi bột vào gốc chống sâu luỵ trong rễ, chống rêu tảo bám quanh gốc cây. Trái bưởi ra mấy mùa rồi mà vẫn không được to như trồng theo phương pháp tự do. Giá bưởi canh tác hữu cơ cũng không bằng giá bưởi bình thường vì trái nhỏ. Tôi cũng nản lòng”, ông Hà bộc bạch.

Chuỗi nông nghiệp hữu cơ không phải là thành quả trước mắt mà nó có giá trị lâu dài, đầu tiên là người trồng trọt không phải tiếp xúc với phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, không ảnh hưởng vào hơi thở của người làm nông nghiệp và không khuếch tán hóa chất chất vào môi trường không khí. Cây trồng theo canh tác hữu cơ sinh trưởng không nhanh nhưng chất lượng của sản phẩm luôn đạt độ giòn, ngọt, thơm và sạch, không bị dư lượng hóa chất tồn dư trong thực phẩm.

Người trồng lẫn người mua cùng nóng ruột

TS sinh học Vũ Thị Đào cho biết: “Canh tác hữu cơ trên những vùng đất trước đây đã từng canh tác hóa học sẽ xảy ra tình trạng trong những năm đầu năng suất giảm và gặp khó khăn trong phòng chống sâu bệnh”.

“Cộng thêm với tâm lý trước đây, thấy rau lớn nhanh, gà vịt tăng trọng rõ rệt từng ngày, nay chuyển sang nuôi trồng hữu cơ thấy nó phát triển chậm. Thí dụ như thời tiết sương muối, mưa rào sẽ làm vàng lá rau. Nếu là canh tác cũ, người ta cho ít phân đạm, vài ngày là xanh mướt. Nhưng đã canh tác hữu cơ là không được phép làm nên họ cũng có tâm lý nóng ruột”, chị Đào phân tích.

Về việc sử dụng phân bón hóa học, khoảng 50% lượng phân bón được cây trồng sử dụng, còn lại sẽ bị rửa trôi, thẩm thấu xuống nguồn nước hoặc bay hơi gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, hàng triệu tấn rơm rạ, ngô, mía, phân gia súc, gia cầm... đã bị người dân từ bỏ.

Đánh giá về canh tác hữu cơ trong những năm tiếp theo, TS Đào cho rằng: “Về lâu về dài, khi đất bảo đảm độ mùn xốp cộng với môi trường không thuốc trừ sâu, một số loại chim ăn sâu, sinh vật ăn bướm như thằn lằn, thạch sùng… sẽ về trên cánh đồng. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho những mùa sau. Cần phải tuyên truyền cho những người canh tác hữu cơ hiểu rõ”.

Nhiều người canh tác hữu cơ, thí dụ trồng bưởi, họ dùng máy cắt cỏ hoặc nuôi gà vịt, nuôi ong trong vườn bưởi, gà vịt ăn cỏ tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tại làng rau hữu cơ Trà Quế (Cẩm An, Hội An) đã có truyền thống lâu đời canh tác hữu cơ, rau Trà Quế không những chỉ nức tiếng sạch mà còn thơm ngon.

Tuy nhiên, nhiều người bước vào cửa hàng rau hữu cơ đều lắc đầu vì giá quá cao. Khảo sát các cửa hàng rau hữu cơ cũng phải giật mình, không những chỉ có rau ăn lá bán với giá cao và rất cao, mà quả chanh, quả bí… cũng bán giá cao khiến cho người mua lắc đầu. Lý do mà người tiêu dùng đưa ra là quả chanh, quả bí đều trồng trọt giống nhau nhưng ngoài chợ chỉ bằng nửa giá, theo đó họ đánh đồng rau hữu cơ với rau chợ là một. Đây là một trở ngại trong việc nhân rộng canh tác hữu cơ.

Việt Nam là một trong 170 quốc gia trên thế giới có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu và vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn. Đó là: các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ còn yếu; nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế. Do đó, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.