Cơ hội cho nông sản xuất khẩu

Lạm phát kỷ lục đang bao trùm nền kinh tế của các nước lớn tại châu Âu. Xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá của không chỉ các mặt hàng năng lượng tăng, mà nhiều loại lương thực, thực phẩm cũng tăng giá rất mạnh. Diễn biến này đang tạo cơ hội cho nông sản các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng tăng xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Song, muốn tiến đến các thị trường xa cần đầu tư vào công nghệ chế biến…
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến thanh long tại Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Lương Gia. Ảnh: NGUYỄN VĂN VIỆT
Chế biến thanh long tại Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Lương Gia. Ảnh: NGUYỄN VĂN VIỆT

Giá nông sản tăng vọt

Báo cáo của Cơ quan thống kê dữ liệu Eurostat của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, tại EU, trong lĩnh vực thực phẩm, bột mì tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước, lên 52,3%. Nhiều loại thực phẩm khác giá cũng tăng cao, như: giá sữa tăng 31,3%, đường tăng 25%, trứng tăng 14,2%, thịt lợn tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong sáu tháng đầu năm nay, nhóm mặt hàng lương thực tăng 8,9%, cho thấy lạm phát đang lan rộng trong khu vực đồng euro. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, thủy sản tại châu Âu đang tăng giá do xung đột giữa Nga và Ukraine cùng những đòn cấm vận thương mại gần đây gây ra tình trạng gián đoạn, thậm chí đứt gãy nhiều tuyến thương mại quan trọng của châu Âu.

Theo VASEP, giá cá ngừ tại thị trường châu Âu cũng tăng vọt do giá xăng, dầu tăng mạnh đã làm tăng chi phí hoạt động của tàu khai thác và vận chuyển cá ngừ. Giá tôm, giá cá hồi đang tiếp tục tăng kể từ đầu năm 2022 nhờ thị trường phục hồi trong khi nguồn cung hạn hẹp.

“Nếu trước đây, giá cá tra bình quân xuất khẩu đi châu Âu chỉ đạt 2,7 USD/kg, thì trong sáu tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu sang khu vực này đạt bình quân 3,45 USD/kg. Giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ còn tăng mạnh hơn, đã lên tới mức 4,5 USD/kg, cao nhất từ trước tới nay, trong khi trước đây cá tra xuất khẩu vào Mỹ thường chỉ đạt 2,9 - 3,1 USD/kg…”, đại diện VASEP nói và cho rằng, nhờ đó, đã giúp xuất khẩu thủy sản của cả nước mang về hơn 5,76 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước.

VASEP nhận định, việc thiếu hụt nguồn cung các loại thủy sản ở EU đang tạo “cơ hội vàng” để sản phẩm cá tra Việt Nam tăng thị phần ở thị trường này. “Châu Âu là một thị trường quan trọng, tiềm năng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tại châu Âu đang tăng rất mạnh, do khan hiếm nguồn cung, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang châu Âu”, ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu nhấn mạnh.

Mặt hàng nào có dư địa lớn nhất?, theo vị Tham tán, rau củ quả là nhóm hàng có dư địa lớn nhất. Bởi, mỗi năm, thị trường châu Âu nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Ngoài ra, các sản phẩm nước ép trái cây, nước ép đông lạnh đang được ưa chuộng tại châu Âu, bởi người dân khu vực này đang có xu hướng tiêu dùng xanh và có nhu cầu cao với thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, sản phẩm thực vật để thay thế sản phẩm động vật.

Cơ hội cho nông sản xuất khẩu ảnh 1

Chế biến cá ngừ xuất khẩu. Ảnh: NAM ANH

Cần đầu tư vào công nghệ chế biến

Dù cơ hội lớn, song hiện kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang châu Âu chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với thị phần châu Âu đang nhập khẩu. Hoàng Xuân Khang, đại diện Công ty International Fresh Group, một đơn vị phân phối các mặt hàng nông sản tại EU cho biết, khó khăn nhất khi xuất khẩu vào thị trường này là những yêu cầu khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. “Trong sáu tháng đầu năm, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. So với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoảng 9%. EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô”, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nói và cho biết, phía Việt Nam đã có buổi làm việc với EU về vấn đề trên, phía bạn cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường thông tin, cũng như thống nhất các biện pháp kiểm soát, thông báo, nhằm thúc đẩy giao thương nông sản...

Do đó, theo ông Nam, doanh nghiệp Việt Nam muốn tiến đến các thị trường xa cần đầu tư vào công nghệ chế biến. Thực tế, báo cáo từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, sản lượng quả, trái cây cả nước hơn 11,6 triệu tấn/năm, sản lượng rau, đậu gần 19,3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ rau quả chế biến mới chỉ đạt khoảng 12-17% trong tổng sản lượng. “Hiện tại, hơn 76% lượng rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch rất cao, tỷ lệ hư hỏng trên đường vận chuyển và khi tiêu thụ rất lớn. Do bảo quản sau thu hoạch kém, thiếu thiết bị (điện, nước, kho lạnh...), dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%, ông Ngô Quang Tú, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay.

Đề cập nguyên nhân chế biến rau quả chiếm tỷ trọng thấp, ông Ngô Quang Tú cho rằng, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau quả, nhưng do thiếu vốn sản xuất, quy mô vốn rất nhỏ (hơn 80% số cơ sở quy mô dưới hai tỷ đồng), nên chỉ đầu tư chế biến quy mô nhỏ, trang thiết bị đơn giản. Tuy nhiên, PGS, TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch lại cho rằng, trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh trái cây, đối tượng quy mô nhỏ, vừa chiếm 97%, do vậy định hướng cho phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp quy mô nhỏ và vừa là điều cần thiết.

PGS, TS Phạm Anh Tuấn cũng nêu ra bốn nhóm sản phẩm chế biến phù hợp với quy mô nhỏ và vừa là, trái cây sấy khô, trái cây đông lạnh, trái cây đóng hộp, nước trái cây. Các công nghệ phù hợp trong chế biến rau quả mà các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ nên đầu tư như, sấy nhiệt, sấy thăng hoa, cấp đông, muối chua…“Nếu chúng ta quan tâm đến khối doanh nghiệp nhỏ, vừa và hợp tác xã thì chúng ta có thể nâng cao tỷ lệ chế biến và có thể đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến. Để nâng sản lượng rau quả chế biến lên gấp đôi trong những năm tới, cần đầu tư và công nghệ phù hợp”, ông Tuấn khẳng định.