Ngược thượng nguồn

Chuyện bên Cù Lao Dung

Đi đò dọc trên sông Cồn Tròn (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) chạy từ cảng Trần Đề về chợ An Thạnh 3 và ngược lại, cảm giác cuộc đời mình bị đánh rơi xuống nước. Đôi bờ sông chỉ là rừng đước, cây bần... Nỗi sợ qua sông sâu làm tan vỡ giấc mơ bỏ phố về quê của chàng trai phố thị.
0:00 / 0:00
0:00
Sông Cồn Tròn là tuyến giao thông đi vào ruộng, rẫy.
Sông Cồn Tròn là tuyến giao thông đi vào ruộng, rẫy.

Viễn cảnh trên trồng chuối, dưới nuôi cá

Cao Tiến Đức, quê huyện Châu Thành (Sóc Trăng), làm việc trên Sài Gòn, tính: “Em muốn về quê thuê mấy ha đất, vun luống trồng chuối bên trên, bên dưới cho nước vào nuôi cá”.

Đức cũng vạch một kế hoạch hoàn hảo cho dự định, lá chuối, thân cây chuối nuôi cá trắm, nước trong mương dọc theo hàng chuối vừa là ao nuôi cá, vừa dùng để tưới cây trong mùa khô hạn. Vấn đề là tìm được đất để thuê, yêu cầu phải xa khu công nghiệp, dân cư không đông, nhiệt độ không cao, bảo đảm sự ổn định cho cây phát triển, cho con cá thở. “Nước trong cá mới khỏe”, Đức lý sự.

Tôi đưa Đức về Cù Lao Dung, đây là nơi tôi hay đến thăm con cháu, bạn bè vì có công trình xây dựng ở đó. Cù Lao Dung như một ốc đảo, chạy dài theo dòng sông, rộng phía bờ biển với nhiều nông trường. Đây là huyện nằm giữa dòng sông và chưa có cây cầu nào bắc ngang qua sông Hậu để về huyện nên mọi điểm đến đi đều phải qua phà hoặc đò. Thêm nữa, trong huyện lại có tới hai dòng sông chảy dọc theo dòng sông Hậu bảo đảm cho một cù lao luôn có nước trong mùa khô, thoát nước mùa mưa.

Huyện Cù Lao Dung như một mái chèo đặt nằm dọc dòng sông Hậu. Sông Cồn Tròn chảy dọc cù lao bên phía Sóc Trăng. Sông Cồn Cộc chảy dọc cù lao bên phía Trà Vinh. Hai dòng chảy song song, lấy nước từ sông Hậu lại trả nước về cho sông Hậu.

Tôi cũng rất bất ngờ với vẻ đẹp của các thiếu nữ ở đây, da sáng, dáng đẹp, họ đi xe đạp điện hay ngồi xe bus tới trường đều không thấy cái cảnh nói oang, cười to. Có lần tôi còn chứng kiến mười mấy chiếc xe Audi mầu trắng, loại bốn chỗ đỗ đậu bên bến phà Đại Ngải đón cô dâu bên Cù Lao Dung. Từ trải nghiệm, tôi nghĩ, chắc ngày xưa, cách trở đò giang nên cụ Vương Hồng Sển - nhà văn hóa Nam Bộ - chưa qua vùng này, vùng gái đẹp. Cái tên gọi Cù Lao Dung cũng khơi gợi, ở đó như một miền nhan sắc đầy sức sống nhưng không ham thi thố mà lặng lẽ cuối nguồn sông Hậu.

Vườn cây ăn trái ở đây khá mướt xanh, trĩu quả. Đây cũng là thủ phủ của cây mía cung cấp cho nhà máy đường bên tỉnh Hậu Giang. Và Đức về quê Châu Thành. Đức trách mình chưa một lần đến Cù Lao Dung, bởi Đức nghĩ bên đó ruộng rẫy xa lắc, qua lại đò phà lắm nỗi nhiêu khê.

Xe máy qua phà, Đức chở tôi chạy theo con đường huyện lộ HL6. Trên đường đi, có tạt qua tạt lại nhiều thôn, khảo sát đất ruộng, đất vườn. Chiều đó, chúng tôi dừng lại chợ xã An Thạnh 3, mỗi người ăn vài tấm bánh rồi tìm đường xuống đò trên một nhánh sông nhỏ bên chợ, nhánh sông này thông ra sông Cồn Tròn, từ đó đò dọc sông Cồn Tròn chạy mải miết tới cửa Ba Thắc, băng qua sông Hậu về bên cảng Trần Đề.

Đò dọc sông Cồn Tròn vừa là đò xe bus, đò chợ, đò hàng cũng là đò chở xe máy như xe khách đường dài. Người lái đò nắm chắc, thuộc làu dòng sông để cho khách xuống, đón khách lên, người xuống chỗ cây sung, người ghé bến cây bần, khách đón đò cầy tre, khách qua ghe chỗ cầu sắt... Trên đò, có người đem gánh trái cây sang bên Trần Đề, người bán vé số sáng lên ở cảng Trần Đề, chiều về bên Trần Đề trả lại vé bán ế. Con đò như một cửa hàng nhỏ, ai thích mua bán cứ gọi cho nhau.

Chuyện bên Cù Lao Dung ảnh 1

Đóng đáy trên sông Cồn Tròn.

Chòng chành qua sông sâu

Rồi đò chạy bến Rạch Tráng - Kinh Ba, lái đò đổi cho lơ đò lái. Dọc bờ sông là mênh mông rừng ngập nước, anh lái đò Lê Văn Tam uống hớp nước trò chuyện. Anh Tam nói: “Khi đò chạy trong sông cập bến, có người lên, có hàng lên, có người xuống, có hàng xuống. Cần một người trẻ khỏe đỡ nâng, dìu khách lên xuống an toàn”.

Đôi bờ là khoảng rừng với những loài cây ngâm thân trong nước. Nước đang triều cường, ngập mênh mang. Thỉnh thoảng bắt gặp nhóm người đóng đáy bè, đáy sao trên sông. Họ ở xa con đò và hình như không quan tâm đến chuyện ai ngược, ai xuôi, ai đang đi qua họ, ai tìm cơ hội nơi này?

Anh Tam nói: “Tui có đã có 30 năm lái đò trên sông này. Năm 24 tuổi, đoạn tuyệt kiếp trai lông bông, tui về phụ ba trên dòng sông này. Rồi cứ theo hoài, theo miết, rồi an phận mình với con đò, dòng sông khúc này khúc kia, khi êm đềm, khi sóng nổi. Hề chi”.

Đi đò, Đức cũng đã chập chờn với ý tưởng của mình, rằng làm nông không phụ thuộc vào ai. Với tấm bằng đại học Bách khoa mà Đức không được làm đúng nghề mà phải đi bán các mặt hàng dược phẩm, máy đo huyết áp, đôi khi còn bán cả sim rừng qua mạng... nên Đức muốn chuyển đổi sang một công việc khác, chủ động thời gian nhiều hơn, nhưng…

Đò gần ra cửa sông, bên hạ lưu, cánh rừng ngập nước mênh mông, bên thượng lưu thấp thoáng có lều canh, chòi canh, hẳn bên trong đó có dân cư ở.

Chuyến đò đã rung lắc chao đảo, một cơn mưa sầm sập đổ xuống. Phía trước chúng tôi, sóng cao hơn thuyền. Tôi chỉ mong con đò quay lại sông để chúng tôi có thể lên bờ, chạy xe máy, dù xa vẫn có thể nói nó an toàn hơn. Con thuyền như cái nôi trong dòng nước mênh mông sóng vỗ, tôi nhìn Đức và Đức nhìn tôi, cùng bao nhiêu người, nửa co ro cúm rúm, nửa cầu nguyện trong khoang. Sóng sông Hậu, nơi cửa biển đẩy vào, nhìn vào bờ nào cũng thấy xa lơ lắc.

Ông Tam hô hoán mọi người mặc áo phao, rồi nói với phụ đò đánh lái cho mũi thuyền theo hướng này, hướng khác. Chỉ còn lại hai con người trên đò là can đảm, một điều khiển con đò, một nhìn sóng chỉ huy. Còn lại ai cũng lo sợ, người ôm bụng, người bấu tay vào đò. Tôi và Đức nắm tay nhau, không biết, không thuộc một câu cầu nguyện nào, nhưng chúng tôi hình như cũng đang cầu nguyện.

Ông Tam đi về phía lái đò chỉ hướng đi, kinh nghiệm thoát sóng. Cậu lái đò còn trẻ, không cãi lời thầy, cứ vậy, con đò lần lần qua sông.

Rồi đò cập cảng, chúng tôi lại nhìn thấy những con đò khác rời cảng, đò về Nông trường 30/4, đò về Nông trường Rạng Đông... tất cả đều ở bên kia, bên huyện Cù Lao Dung.

Rời con đò, chúng tôi vào quán cà-phê nghỉ ngơi, lấy lại hồn vía. Khi ông Tam và cậu lơ đò đã buộc đò vững chắc bên bến, tôi ra đò cảm ơn ông Tam vì kinh nghiệm của ông đã đưa chúng tôi qua sông an toàn. Ông Tam cười lành như thể đó là việc của ông. Ông Tam nói: “Đây chỉ là cơn sóng thường thôi, nhiều lần sóng còn dữ lắm. Nhưng tụi tui quen rồi, người này dạy người kia cách nhìn sóng, lắng hướng gió mà vê lái, chuyển hướng đò cho thuận. Đó là lựa chọn tuy hẹp, nhưng an toàn. Kinh nghiệm sông nước là điều học được và phải nằm lòng nó”.

Đức cũng thán phục người lái đò và cũng lắc đầu về một dự định làm nông nghiệp. Chưa nói đến chuyện vốn liếng bỏ ra, kinh nghiệm chăm sóc vật nuôi, cây trồng mà chỉ chuyện qua sông thôi, nó đơn giản, nó là sự chấp nhận của người này nhưng lại không phải là của người khác. Đức là một người khác, chỉ quen cày đường nhựa mà thôi.

Sông Hậu khi chảy qua cồn Song Phụng (huyện Long Phú, Sóc Trăng) tạo ra hai nhánh, hình thành nên một cù lao với diện tích 23 nghìn ha và mỗi năm lại bồi lấn thêm về phía biển, đó là Cù Lao Dung. Trong Cù Lao Dung, sông Hậu lại tạo nên hai con sông nhỏ, sông Cồn Tròn và sông Cồn Cộc chảy song song nhau, lấy nước từ sông Hậu rồi cũng trả lại nước cho sông Hậu.

Sông Cồn Tròn khởi nguồn từ rạch Bình Linh kết hợp với nước từ rạch Già tại xã An Thạnh Đông của huyện tạo nên dòng chảy dọc dài theo huyện và đổ vào sông Hậu tại cửa Ba Thắc.