Chống tham nhũng, cuộc chiến không ngừng nghỉ

Dường như, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa bao giờ quyết liệt như những năm gần đây. Càng làm càng có nhiều kinh nghiệm, kết hợp chặt chẽ giữa xử lý các vụ án, vụ việc với xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, chính sách quản lý kinh tế-xã hội, để không thể, không dám, không muốn tham nhũng. Tuy nhiên, đây vẫn là "căn bệnh" trầm kha. Điểm mới trong năm 2022 là cuộc chiến với thứ "giặc nội xâm" này đi vào chiều sâu hơn; đã quyết liệt càng quyết liệt hơn, không ngừng, không nghỉ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhiều lần khẳng định.
0:00 / 0:00
0:00
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Ảnh: TTXVN
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

Tấn công mạnh vào các điểm nóng, phức tạp, nhạy cảm

Những ngày đầu tháng 12/2022, việc ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ bị bắt tạm giam vì tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, được dư luận đặc biệt chú ý. Trước đó, ông Nguyễn Quang Linh cũng là Trợ lý Phó Thủ tướng bị bắt ngày 27/9, để điều tra về tội nhận hối lộ liên quan đến vụ án "chuyến bay giải cứu". Theo cơ quan Công an, ông Trịnh đã can thiệp, tác động các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tại Bộ Y tế để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước. Được biết, số tiền Việt Á chi "hoa hồng" cho các "đối tác" lên tới gần 800 tỷ đồng.

Tính đến trung tuần tháng 11, chỉ riêng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, cơ quan chức năng đã hoàn thành 8/13 cuộc kiểm tra; xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật 16 tổ chức đảng, 56 đảng viên, trong đó có ba Ủy viên Trung ương Đảng; yêu cầu tổ chức đảng xem xét, kỷ luật 5 tổ chức đảng, 18 đảng viên. Lợi dụng chủ trương, chính sách phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước, hàng trăm cán bộ từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có cả Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy đã có những sai phạm nghiêm trọng đến mức phải vướng vào lao lý; trong đó chủ yếu liên quan đến Việt Á và các chuyến bay đưa đồng bào ta từ các tâm dịch về nước.

Một trong những điểm mới năm 2022 là, các cơ quan tố tụng đã khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Điển hình như các vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), các Tập đoàn: FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC,... Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, tính từ tháng 10/2021 đến hết tháng 9/2022, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%. Trước đây, hầu hết các vụ án lớn thường do sai phạm trong quản lý kinh tế, nhưng năm nay số vụ tham nhũng, nhận hối lộ, đưa hối lộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không còn là con số ít.

Qua một số vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã, đang xử lý, cho thấy tình trạng tham nhũng ngày càng có tổ chức, lợi ích nhóm, can thiệp, thao túng của một số cán bộ có chức, có quyền; xảy ra trên nhiều lĩnh vực từ quản lý đất đai, tài chính, ngân hàng, đấu thầu đến chứng khoán, bất động sản, buôn lậu,... Điều đặc biệt nguy hiểm, đây không chỉ là hành vi tham nhũng mà còn là sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, trong đó có cả cán bộ cấp cao, những người được đào tạo cơ bản, được rèn luyện thử thách, được Đảng, Nhà nước tin cậy giao trọng trách lớn, thậm chí là đứng đầu địa phương, hoặc ngành quan trọng. Đây là hồi chuông cảnh báo đối với công tác cán bộ, nhiệm vụ then chốt của then chốt có nhiều vấn đề đặt ra.

Chặn từ cái gốc suy thoái về đạo đức, lối sống

Khi nói về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần lưu ý, chống tham nhũng mới chỉ là một vế, cần phải chống cả tiêu cực. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, nhưng không phải để trị ai, thù oán gì ai, mà hoàn toàn nhân văn. Xử một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm, không phải xử cho nhiều, cho nặng mới là nghiêm.

Tham nhũng và tiêu cực như "kẻ cắp bà già" cùng dắt tay đi trong bóng tối. Không có tiêu cực, chạy chọt, thì không có tham nhũng. Nếu ai cũng trong sáng, làm việc hết mình vì cái chung thì không có chuyện đút lót để riêng mình hưởng lợi. Vì thế phòng, chống tham nhũng phải đi liền với phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây cũng là tinh thần mới trong năm nay, đưa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đi vào chiều sâu, toàn diện hơn, kết hợp đồng bộ với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu. Vấn đề đạo đức và chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đang là nhiệm vụ nặng nề đối với các cấp ủy, tổ chức đảng. Không ngăn chặn được suy thoái đạo đức, lối sống thì nạn tham nhũng không thể đẩy lùi.

Để ngăn chặn tham nhũng từ gốc, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị. Đó là không chỉ có chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, mà chỉ đạo cả phòng, chống tiêu cực với trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý trong phạm vi cả nước. Nhiều nghị quyết, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ, tổ chức đảng, đảng viên được Trung ương triển khai quyết liệt, nhất là về miễn nhiệm, từ chức, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật,... Lần đầu tiên, tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương sau khi bị kỷ luật, đối với ba Ủy viên Trung ương là các đồng chí Nguyễn Thành Phong, nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Huỳnh Tấn Việt, nguyên Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Bùi Nhật Quang, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Tinh thần ấy cần được chuyển tải đến các cấp, các ngành, các địa phương; trước hết là ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kịp thời, hiệu quả.

Năm 2022, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra 15 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, gồm: bốn Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng và Bí thư Tỉnh ủy; bốn Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng và tương đương; hai nguyên Chủ tịch tỉnh; năm sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, có 25 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý hình sự.