Chính sách dàn trải không thúc đẩy được kinh tế tập thể

Việc kịp thời sửa đổi toàn diện Luật Hợp tác xã là vô cùng cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi, để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu trong phiên thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sáng 10/11. Ảnh: MỸ HÀ
Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu trong phiên thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sáng 10/11. Ảnh: MỸ HÀ

Băn khoăn giữ hay đổi tên?

Tại Tờ trình về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chính phủ nêu hai phương án xin ý kiến Quốc hội. Theo đó, phương án một là đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, và phương án hai là giữ tên Luật Hợp tác xã.

Lựa chọn phương án một, Chính phủ nêu quan điểm, tên này phù hợp tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần "hợp tác" giữa các thành viên của Liên minh Hợp tác xã quốc tế; thống nhất với thuật ngữ quốc tế về các mô hình kinh tế hợp tác. Phù hợp quy định về "sở hữu" của Bộ luật Dân sự năm 2015. Đây là cách tiếp cận phù hợp, phản ánh đúng bản chất, mối quan hệ của mô hình kinh tế này. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Bây giờ chúng ta đã có bốn loại hình tổ chức kinh tế hợp tác. Chính vì vậy, tên gọi tổ chức kinh tế hợp tác là chính xác, và điều đó cũng là một nguyên tắc của lập pháp và lập quy. Tức là có bao nhiêu đối tượng điều chỉnh thì tên gọi nó phải đủ để bao trùm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chia sẻ: Việc đổi tên như Tờ trình của Chính phủ sẽ tạo sự khác biệt rõ ràng giữa tên gọi chung của các loại hình thể, tổ chức này và các tổ chức kinh tế hợp tác; Trong phạm vi điều chỉnh không chỉ có hợp tác xã mà còn có tổ hợp tác, liên minh hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã. Theo ông, đây là các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, nên việc đổi tên gọi là phù hợp.

Tuy nhiên, có nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với quan điểm, khái niệm hợp tác xã đã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam. Việc giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã một mặt vẫn bao quát, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với loại hình hợp tác xã. Mặt khác, tên gọi này từ lâu đã được sử dụng trong công tác tuyên truyền, vận động. Việc giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã sẽ tránh xáo trộn và bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Nhất trí với việc giữ tên là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, song, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) nhấn mạnh: "Tên gọi có quan trọng không, theo tôi rất quan trọng, nhưng không phải quyết định tất cả. Quan trọng nhất vẫn phải là nội dung, làm sao các quy định phải tạo được động lực để hợp tác xã phát triển".

Thể chế hóa chính sách còn chung chung

Là một nội dung mới, nhưng theo các đại biểu, việc đưa nội dung kiểm toán hợp tác xã vào luật là phù hợp xu hướng của nền kinh tế thị trường, bảo đảm được đòi hỏi về tính minh bạch. Tuy nhiên, với vấn đề mới khác là liên đoàn hợp tác xã, hầu hết các đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra là chưa có đủ pháp lý và thực tiễn để tổ chức này được điều chỉnh trong luật. Cần có các mô hình thí điểm xem mô hình này hoạt động ra sao, quy mô vùng, quy mô cấp với quốc gia để có sự thuyết phục.

Về số lượng thành viên hợp tác xã, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) chia sẻ: Thực tế thời gian qua cho thấy, phần lớn hợp tác xã, nhất là hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là quy mô siêu nhỏ. Một số hợp tác xã được thành lập mang tính chất gia đình, chưa phát huy đúng vai trò hỗ trợ thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng bản chất của hợp tác xã. Nếu giảm số lượng thành viên tự nguyện thành lập sẽ tạo điều kiện cho nhiều hợp tác xã quy mô dưới siêu nhỏ ra đời.

Cho biết, trong dự thảo luật, tại Điều 19, có tới 39 nhóm chính sách, tăng hơn gấp đôi so với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng như vậy là quá dàn trải. Nhấn mạnh nhiều chính sách chưa hẳn là tốt, có khi tạo sức ỳ cho hợp tác xã, đại biểu này đề nghị nên rà soát lại và tập trung để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách của luật năm 2012 hướng đến hợp tác xã dễ tiếp cận nhất, thúc đẩy phát triển hoạt động của hợp tác xã.

"Cần tập trung vào các nhóm chính sách về phát triển nguồn nhân lực, đổi mới mô hình quản trị hợp tác xã. Tháo gỡ chính sách về đất đai; tháo gỡ chính sách về tín dụng để các tổ chức hợp tác, nhất là hợp tác xã tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn tín dụng; chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chính sách về thuế, phí, lệ phí nên quy định theo hai nhóm đối với hợp tác xã nông nghiệp và nhóm đối với hợp tác xã phi nông nghiệp", đại biểu Mai Văn Hải đề xuất.

Về phía cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: Cơ bản, các nội dung của tám chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW đã được thể chế hóa tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc thể chế hóa các chính sách này còn chung chung, chưa cụ thể.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tiếp tục cụ thể hóa các chính sách, bảo đảm quy định thống nhất với các luật có liên quan, nhất là các chính sách về đất đai và tín dụng. Các chính sách về thuế cần được đề xuất cụ thể để kiến nghị sửa đổi, bổ sung tại các luật về thuế trong thời gian tới. Đặc biệt, bổ sung quy định về nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ cụ thể, xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách, bảo đảm chính sách sau khi ban hành sớm đi vào cuộc sống. Tránh tình trạng hỗ trợ tràn lan, không có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp theo đúng chủ trương đã được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW…