Cắt giảm lãi suất hỗ trợ phục hồi kinh tế

Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có những chính sách thiết thực thúc đẩy nền kinh tế phục hồi, thể hiện qua bốn lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành.
0:00 / 0:00
0:00
Cắt giảm lãi suất sẽ giúp giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Ảnh: NAM ANH
Cắt giảm lãi suất sẽ giúp giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Ảnh: NAM ANH

Ngày 17/6 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã tái khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ trong báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”.

Báo cáo nêu trên xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính, với ba tiêu chí: Thặng dư thương mại song phương với Mỹ; thặng dư cán cân vãng lai; can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài. Việt Nam vượt ngưỡng một tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hóa và dịch vụ với Mỹ, do đó Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục không đưa Việt Nam vào danh sách giám sát.

Nhưng có bảy nền kinh tế khác bị đưa vào danh sách, bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Thụy Sĩ và Đài Loan (Trung Quốc). Đồng thời, Bộ Tài chính Mỹ kết luận không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ thao túng tiền tệ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 12/2022.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã đánh giá cao việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giúp ổn định thị trường tài chính tiền tệ cũng như kinh tế vĩ mô trong bối cảnh khó khăn, thách thức toàn cầu.

Trong những cuộc họp song phương, NHNN cũng khẳng định đang nỗ lực từng bước hiện đại hóa và minh bạch khung khổ chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá; điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt; không sử dụng chính sách tỷ giá nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng; bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ...

Thực tế, trong thời gian vừa qua NHNN đã có những chính sách thiết thực thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Báo cáo mới nhất của ngân hàng HSBC “The State Bank of Vietnam: Third Time’s a Charm” - tạm dịch: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Lần thứ ba là sự quyến rũ”, dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi đáng kể, bắt đầu từ quý IV/2023, sau ba lần cắt giảm 50 điểm cơ bản liên tiếp đối với lãi suất điều hành của NHNN.

HSBC nhấn mạnh sự cấp bách của NHNN trong việc thúc đẩy tăng trưởng thông qua kênh tín dụng, việc cắt giảm lãi suất sẽ tiếp tục giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, từ đó kích thích đầu tư kinh doanh và củng cố tâm lý người tiêu dùng.

Sau lần thứ 3 cắt giảm lãi suất điều hành, vào ngày 19/6 vừa qua, NHNN đã có quyết định cắt giảm lần thứ tư liên tiếp một loạt các loại lãi suất chủ chốt từ 0,25-0,5%. Quyết định này được các doanh nghiệp hoan nghênh khi họ sẽ được tiếp cận vốn với lãi suất thấp hơn.

Bốn lý do chính đằng sau quyết định này là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kết thúc tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp, xu hướng lạm phát giảm đáng kể từ tháng 2, nhu cầu nội tệ ổn định và thanh khoản hệ thống ngân hàng mạnh hơn, xuất khẩu và đầu tư giảm trong sản xuất công nghiệp vào tháng 5.

Động thái khả thi này có thể đưa lãi suất điều hành về 4%, phản ánh việc cắt giảm lãi suất trong thời kỳ đại dịch và chống lại các biện pháp thắt chặt vào năm 2022. Tỷ lệ này có thể sẽ trở lại mức của năm 2019 với tốc độ giảm thần tốc được chứng kiến ​​trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, có thể không cần thiết phải cắt giảm thêm nếu tăng trưởng chạm đáy sớm hơn dự kiến. Mặc dù phải đối mặt với những cơn gió ngược về thương mại, Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi, với việc VND vẫn ổn định so với USD do sự năng động của tài khoản vãng lai được cải thiện.

Nhưng hành động của NHNN cũng nhấn mạnh sự lạc quan về lạm phát sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Điều này được chứng minh bằng tỷ lệ lạm phát hạ nhiệt, gần đây giảm xuống dưới 3% cùng kỳ năm, thấp hơn đáng kể so với mức trần 4,5%. Xu hướng này cho phép điều chỉnh dự báo lạm phát năm 2023 xuống 2,6% từ mức 4%.

HSBC nhìn nhận năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với kinh tế Việt Nam sau khi tăng trưởng giảm mạnh xuống còn 3,3% so với cùng kỳ quý I/2022. Tuy nhiên, dự đoán sự phục hồi sẽ diễn ra mạnh mẽ trong quý IV/2023 với những chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa. HSBC dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ đạt 5% vào năm 2023.

Những chính sách của NHNN đã giúp nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực. Nhưng một số chuyên gia cũng cho rằng, cần phải có các chính sách tài khóa mạnh mẽ hơn để khuyến khích tiêu dùng và sản xuất, đồng thời thúc đẩy đầu tư công.