Chính sách tín dụng chuyên biệt sau bão

Nhiều ngân hàng thực hiện miễn giảm lãi vay, cơ cấu nợ, hỗ trợ khách hàng vay mới bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 nhằm giúp người dân và doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Các ngân hàng thương mại đồng loạt đưa ra chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do bão. Ảnh: NGUYỆT ANH
Các ngân hàng thương mại đồng loạt đưa ra chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do bão. Ảnh: NGUYỆT ANH

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão quét qua 26 tỉnh, thành phố phía bắc và Thanh Hóa ngày 7/9 gây nhiều thiệt hại về người, tài sản. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thống kê từ 20 địa phương, số dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 80.000 tỷ đồng. Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 11.700 khách hàng bị ảnh hưởng, với dư nợ khoảng 23.100 tỷ đồng.

Ngân hàng chung tay hỗ trợ khách hàng

Ngay sau khi cơn bão đi qua, ngày 9/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, yêu cầu việc xem xét miễn giảm lãi vay, cơ cấu nợ, hỗ trợ khách hàng vay mới bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Theo đó, người dân, doanh nghiệp tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái...) sẽ được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và tiếp tục cho vay mới.

Sau yêu cầu của NHNN, các ngân hàng thương mại đồng loạt đưa ra chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão. Trong khối ngân hàng có vốn Nhà nước, Vietcombank giảm 0,5% lãi suất cho các khách hàng vay vốn sản xuất, kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão, từ ngày 6/9 đến hết năm nay. Chính sách này áp dụng cho dư nợ hiện hữu và vay mới. Ngân hàng này ước tính gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ 130.000 tỷ đồng được hạ lãi suất, tương ứng mức hỗ trợ 100 tỷ đồng.

Đến ngày 18/9, nhiều ngân hàng trong khối tư nhân cũng đã đưa ra chính sách giảm lãi vay từ 0,5 -2%/năm cho cá nhân, hộ kinh doanh ở khu vực phía bắc. VPBank giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu và tài sản bảo đảm. Các khoản vay trung và dài hạn sẽ được giảm 1%, ngắn hạn hạ 0,5%. Chính sách này áp dụng từ ngày 13/9 đến hết năm nay tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái...

TPBank cũng giảm tối đa 50% số tiền lãi cho khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng bão, lũ đến hết tháng 1/2025. Chương trình có hạn mức tối đa 2.000 tỷ đồng và ngân hàng nhận đề nghị hỗ trợ từ khách hàng tới hết tháng 10. BVBank cũng gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc cơ cấu lại nợ cho các khách hàng hiện hữu thiệt hại do bão lũ. Đồng thời, tùy vào mức độ thiệt hại do bão lũ, ngân hàng giảm lãi vay đến 2%/năm, tối đa 3 tháng cho các khách hàng đang vay vốn tại ngân hàng. Với khách vay mới, ngân hàng này áp dụng mức giảm 0,5%, tối đa 3 tháng so với lãi vay thông thường. Từ nay đến hết năm, MSB cũng giảm lãi suất 1% cho khách hàng là hộ kinh doanh đang vay vốn tại ngân hàng này, thời gian vay lên đến 60 tháng.

Hiện tại, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng dao động từ 6,3-7,8%. Với mức giảm 0,5-2% lãi vay một năm từ phía các ngân hàng, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 có nguồn lực phục hồi sản xuất, làm ăn, từ đó có nguồn tiền hoàn trả lại ngân hàng.

Trở thành “chỗ dựa” cho người dân

Bão, lũ đã khiến nhiều gia đình, hộ kinh doanh mất trắng tài sản. Để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc vay vốn là rất cần thiết. Song khi không còn tài sản, khoản nợ cũ lại vẫn còn thì đồng nghĩa với việc người dân rất khó tiếp cận vốn vay nếu không có chính sách chuyên biệt sau bão, lũ.

Miễn giảm lãi, giãn hoãn nợ và trên hết là vay vốn mới để tạo dựng lại cơ nghiệp là những gì mà người dân đang rất cần vào lúc này.

Chị Ngô Thị Thúy (khu phố Thống Nhất 2, xã Tân An, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) cho biết, sau trận bão vừa qua, chị cũng như nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở đây đều bị thiệt hại rất nặng nề, hầu như không còn gì để cầm cố. "Nếu như muốn khôi phục lại cần rất nhiều nguồn vốn. Chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì 2 năm thôi, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng", chị Thúy khẳng định.

Tại cuộc họp diễn ra vào tuần trước, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, lúc này "ngân hàng không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, trở thành "chỗ dựa" cho doanh nghiệp". Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Trong đó cũng yêu cầu ngành ngân hàng xây dựng các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Theo đó, NHNN căn cứ khoản 4 Điều 147 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.