Canh chua khoai môn cá tràu

NDO - Khoai môn nấu với cá tràu Húp chưa khỏi cổ, gật đầu khen ngon.

Người dân Quảng Nam không ai không biết cá tràu. Cá tràu hay còn gọi là cá lóc, cá quả, là loài cá sống tự nhiên ở ao hồ, sông suối... cá tràu có thể chế biến thành nhiều món ăn nhưng riêng tôi thích nhất là món canh chua nấu với khoai môn.

Quê tôi, vùng Hồ Phú Ninh nhiều kênh suối, sau những trận mưa đầu mùa, tôi thường theo cha ra đồng bắt cá. Dụng cụ bắt cá là những chiếc đó, lờ được cha đan từ những cây tre già sau nhà. Sau một buổi dầm mưa ướt đẫm, cha con tôi trở về nhà với xâu cá tràu nặng trịch trên tay.

Cá tràu sau khi được cắt bỏ vây, làm ruột thật sạch thì đem ướp với gia vị thật lâu cho ngấm. Có thể nấu với măng chua, khoai môn và nếu muốn ngon hơn thì tìm thêm các loại lá chua trong tự nhiên.

Khoai môn nấu canh là loại khoai mịn, trồng ở những vồng đất ráo... Nhổ bụi khoai cả củ lẫn rễ non, cắt bỏ một phần ba cọng phía trên, đem rửa sạch, dùng dao cạo qua lớp vỏ lụa của củ, thái từng lát. Cọng khoai thì tước bỏ lớp ngoài rồi cắt thành đoạn dài bằng ngón tay.

Lá chua nên ngắt những lá rau chua không quá non cũng không quá già; bởi lá non thì chưa đủ độ chua còn lá già thì vị chua sẽ át mất mùi của cá. Khi cá gần chín dùng chiếc đũa xới cơm quay mấy vòng cho khoai, cá, tấm nhuyễn nhừ nhưng không nên quay nhiều vì như vậy cá sẽ nát, mất ngon. Nồi canh khoai môn như thế, ăn vẫn chưa đủ vị, cần phải có bát mắm nêm, loại mắm cá nục, đã nhuyễn. Cho ớt chỉ thiên vừa chín tới vào bát mắm, rồi đặt giữa mâm ăn. Thêm đĩa rau ngổ điếc hoặc rau thơm nữa là đủ vị. Trời mưa, cả nhà quây quần, ấm áp vừa ăn vừa thưởng thức. Củ khoai bùi bùi. Rễ khoai dai dai. Cọng khoai trôi vào cổ, kéo theo cái béo ngầy ngậy của tấm gạo nếp, cái thơm nưng nức của mắm cá nục. Thỉnh thoảng lại có một mẩu thịt cá tràu mềm mềm, nhân nhẫn chạm vào đầu lưỡi...

Ðối với người nông dân đó là những món quà đặc biệt mà thiên nhiên luôn ưu ái cho họ trong thời gian rảnh rỗi sau những tháng ngày vất vả.