1/Vụ việc 11 em học sinh ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) mới đây bị công an bắt giữ vì liên quan đến hành vi tự chế và tàng trữ pháo nổ là một thí dụ. Tạng vật của vụ án là hơn 31 kg pháo dây tép và 700 quả pháo bướm mà các em đã tự chế.
Một em trong số này đã kể lại cách tự chế pháo: “Cháu mua trên mạng TikTok gồm lưu huỳnh và kali clorat, sau đó trộn với than củi giã ra để làm thuốc pháo”. Cơ quan công an nhận định, những video clip dạy làm pháo tràn lan trên các mạng xã hội đã khiến tình trạng học sinh học theo rồi tự chế pháo trái phép diễn biến phức tạp. Rất đáng lo ngại khi trong số này nhiều video được đăng tải khá lâu nhưng đến nay vẫn tồn tại với lượt xem, lượt tham gia bình luận, cổ súy ngày càng tăng mà vẫn chưa bị các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn.
Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng đã bắt quả tang ba đối tượng sản xuất, buôn bán hàng cấm là pháo nổ. Các đối tượng khai nhận, biết thời điểm gần Tết, nhu cầu người mua pháo nổ nhiều nên đã lên YouTube xem cách dạy làm pháo nổ và lên mạng mua nguyên liệu về tự chế để bán kiếm lời. Điều đáng nói, các đối tượng này đều là học sinh. Theo lực lượng chức năng, các nguyên liệu pha trộn thuốc pháo rất dễ mua ở trên mạng, các video hướng dẫn ở trên mạng xã hội đều rất tỉ mỉ và chi tiết mà không đề cập đến vấn đề bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ. Các em tuổi mới lớn lại đang rất tò mò, hiếu động nên chỉ xem trên mạng và làm theo nên nguy cơ xảy ra tai nạn thương tâm là rất lớn.
Trước đó, Công an quận Hai Bà Trưng cũng đã bắt giữ hai đối tượng có hành vi sản xuất tương tự và cũng đều là học sinh. Tang vật thu giữ được gồm hơn 16 kg pháo nổ các loại, hơn 20 kg các loại tiền chất sử dụng để sản xuất pháo nổ và một máy sản xuất pháo. Tại cơ quan công an, mẹ của một đối tượng cho biết: “Hai vợ chồng chúng tôi lúc nào cũng đi làm từ 4 giờ sáng. Trưa mãi 12 giờ mới về, ăn cơm xong, ngủ trưa một chút rồi lại đi làm. Không biết cháu làm gì ở nhà. Một mình cháu một phòng cứ đóng kín cửa, không vào được”.
2/Chưa thể thống kê chính xác bao nhiêu học sinh bị thương tật vì tự chế pháo nổ nhưng thời gian gần đây, càng sát Tết Nguyên đán, tại các bệnh viện lớn của Hà Nội như Việt Đức hay 108 thường xuyên tiếp nhận những ca cấp cứu do tự chế pháo nổ. Chủ yếu các nạn nhân ở độ tuổi dưới 20, có những trường hợp phải chịu thương tổn suốt đời như cụt tay, bỏng nặng ở vùng mặt, mất thị lực…, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo Bộ Công an, trong năm 2023, toàn quốc phát hiện hơn 26 nghìn vụ việc, thu giữ hơn 27 tấn pháo, bắt giữ hơn 3.400 đối tượng vi phạm về pháo, trong số này hầu hết là thanh thiếu niên, học sinh. Theo lực lượng chức năng, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kết hợp tuyên truyền, vận động người dân không buôn bán vận chuyển, chế tạo pháo nổ đã được cơ quan quản lý nhà nước triển khai quyết liệt, đồng bộ. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là phải có sự theo dõi sát sao hơn nữa của xã hội, nhà trường, đặc biệt là gia đình trong quản lý, giáo dục con em.
Một phụ huynh học sinh chia sẻ: “Để tránh những tai nạn đáng tiếc do tự chế pháo nổ, cha mẹ học sinh cần bớt chút thời gian để quan sát con hằng ngày xem diễn biến con mình có gì bất thường hay không hay nội dung con mình xem trên mạng có liên quan đến học làm pháo tự chế hay không, từ đó, cha mẹ có cảnh báo con mình”.
PGS, TS Đào Hữu Dân, Trường đại học Phòng cháy chữa cháy cho biết, để chế tạo được một quả pháo nổ sẽ “rất nguy hiểm”, bởi sẽ phải cần đến thuốc pháo, chứa các thành phần chính gồm KNO3, bột than, lưu huỳnh... được trộn theo tỷ lệ nhất định. Trong quá trình thực hiện chế pháo, các em làm theo các clip trên mạng nhưng lại không biết được những đặc tính nguy hiểm của thuốc nổ. Thí dụ như trong quá trình trộn các hóa chất với nhau để tạo ra thuốc nổ thì một va chạm mạnh hay ma sát là lập tức phát cháy sẽ tạo ra vụ nổ, gây hệ lụy rất kinh khủng.