Cần xử lý quyết liệt vi phạm đất đai tại Vĩnh Phúc

Bốn năm qua tỉnh Vĩnh Phúc đã xử lý, giải quyết được 13.670 trường hợp vi phạm đất đai, một con số rất lớn. Liên quan đến việc này, nhiều cán bộ bị kỷ luật, cách chức; một số cán bộ và người dân bị truy tố.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng huyện Tam Dương tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên núi Đinh tháng 7/2024.
Lực lượng chức năng huyện Tam Dương tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên núi Đinh tháng 7/2024.

Đấu tranh căng thẳng và quyết liệt

Kế hoạch ngày 16/3/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai được nhiều người biết vì tháng nào, quý nào các huyện, xã cũng phải báo cáo kết quả xử lý vi phạm.

Để giảm số lượng vi phạm đất đai, hàng năm, tỉnh giao chỉ tiêu cho huyện xử lý dứt điểm 20% vụ việc tồn đọng và vi phạm, huyện gây áp lực lên xã khiến cán bộ “mất ăn mất ngủ”. Nhiều cán bộ, công chức nản lòng vì người vi phạm ra sức chống đối, không hợp tác, gây khó khăn trong việc xác minh, đo đạc hiện trạng. Sợ vướng vòng lao lý, một số chủ tịch UBND xã xin chuyển công tác sang khối Đảng cho “an toàn”. Nhiều công chức địa chính - xây dựng ở các xã, phường, thị trấn muốn chuyển sang làm việc khác vì “nguy cơ bị kỷ luật rất cao”.

Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ những khó khăn phát sinh trong quá trình xử lý các trường hợp tồn tại, vi phạm đất đai. Bên cạnh những vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, cán bộ cấp xã còn vướng anh em, họ hàng, làng xóm. Các trường hợp tồn tại, vi phạm xảy ra đã lâu, chưa có cơ chế xử lý đối với các trường hợp đã thu tiền nhưng chưa giao đất. Nhiều người dân cố tình vi phạm vì ham lợi.

Hiệu quả của việc gây áp lực là công tác xử lý vi phạm ngày càng quyết liệt, dứt khoát. Thái độ của cán bộ, công chức đối với vi phạm đất đai là dứt khoát, phân minh. Nhiều cán bộ xã không quản ngại khó khăn đêm hôm đi kiểm tra việc xây dựng, khai thác đất trái phép.

Theo báo cáo của ngành tài nguyên và môi trường, số vụ việc tồn tại, vi phạm tại thời điểm ngày 16/3/2020 là 17.353 trường hợp, diện tích 608,3 ha. Số trường hợp vi phạm phát sinh sau ngày 16/3/2020 là 501 trường hợp, diện tích 23,73 ha.

Tính đến tháng 8/2024, toàn tỉnh đã xử lý, giải quyết được 13.670 trường hợp tồn tại, vi phạm với diện tích 435,03 ha.

Sai phạm đất đai vẫn thách thức chính quyền

Đến tháng 8/2024, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn 4.184 trường hợp tồn tại, vi phạm về đất đai với diện tích 193,1 ha chưa được xử lý, giải quyết xong dứt điểm. Những trường hợp này đều khó giải quyết do lịch sử đất đai phức tạp và người vi phạm bất hợp tác. Nhiều trường hợp đã bị xử lý hành chính, yêu cầu tự tháo dỡ nhưng không chấp hành. Nhiều công trình xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại ở khu vực núi Đinh, núi Đúng, trên diện tích đất của Công ty TNHH Kim Long, Công ty VinEco. Mãi đến tháng 7/2024, huyện Tam Dương và thành phố Vĩnh Yên mới cưỡng chế tháo dỡ một số công trình vi phạm trên núi Đinh, núi Đúng.

Tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, trường hợp Trần Ngọc Quang xây dựng nhiều công trình trái phép vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Xã Ngọc Thanh không đo đạc toàn bộ diện tích vi phạm, chưa phá dỡ bờ tường xây dựng trái phép và các công trình làm biến đổi đất của ông Quang, có tâm lý e ngại đối tượng vi phạm. Tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên có những trường hợp xây dựng nhiều phòng trọ, nhà ở trên đất không được phép. Điển hình là các ông Trương Văn Tư, Trương Văn Bảy tự ý xây dựng 3 dãy nhà trọ trên đất rừng sản xuất tại thôn Tam Hà, xã Thiện Kế vào khoảng tháng 8/2016. Ông Trương Văn Tư không ký biên bản, gây khó khăn cho chính quyền trong quá trình xử lý vi phạm. Những nhà trọ trái phép vẫn hoạt động bình thường.

Tại thành phố Vĩnh Yên, hơn ba năm nay, 99 trường hợp xây dựng nhà trái phép trên diện tích trước đây giao cho Công ty TNHH Kim Long đã thiết lập hồ sơ đầy đủ, song tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa cho phép cưỡng chế tháo dỡ. Có trường hợp người dân lấn chiếm trái phép đất ven hồ Đầm Vạc tại phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên, nhưng chính quyền sở tại không hay biết. Khi bắt tay vào xử lý thì rất lúng túng. Tại các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Sông Lô, Bình Xuyên, nhiều trang trại lợn, gà xây dựng trên đất không được phép, gây ô nhiễm môi trường mới bị xử phạt vì vi phạm về môi trường. Nhiều huyện chưa chấm dứt hoạt động của các trang trại xây dựng trái phép.

Có thể thấy, công tác quản lý đất đai tại Vĩnh Phúc rất phức tạp. Nhiều đơn vị chưa làm hết trách nhiệm của mình, hiệu quả xử lý còn thấp. Vi phạm đất đai đang là yếu tố tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Đăng kiến nghị: Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cần tiếp tục chủ động, kịp thời, quyết liệt hơn nữa trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai; bảo đảm tất cả các trường hợp vi phạm về đất đai đều được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, đúng pháp luật.