Cần “cú huých” cho xe điện

Hiện chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng trong việc khuyến khích loại xe điện phát triển, trong khi, hạ tầng giao thông tại một số thành phố lớn vẫn còn nhiều hạn chế để xe điện có thể hoạt động thuận lợi.
0:00 / 0:00
0:00
VinFast giới thiệu xe điện tại triển lãm "Vì tương lai xanh". Ảnh: HẢI NAM
VinFast giới thiệu xe điện tại triển lãm "Vì tương lai xanh". Ảnh: HẢI NAM

Xu thế sử dụng xe điện ngày càng nhiều

Sau 10 tuần triển khai tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và được mở rộng tại Huế, Nha Trang và Đà Nẵng thì vừa qua hãng Taxi Xanh SM đã cán mốc thực hiện 1 triệu chuyến đi. Con số này thể hiện nhu cầu rất lớn của người dân sử dụng các loại xe điện làm phương tiện tham gia giao thông công cộng.

Theo ông Nguyễn Văn Than, Tổng giám đốc Công ty cổ phần di chuyển xanh và thông minh(GSM): “Trước sự kỳ vọng và nhu cầu của người dùng trên khắp cả nước, Xanh SM quyết định sẽ phủ xanh ít nhất 27 tỉnh, thành phố ngay trong năm 2023. Bên cạnh đó, hãng cũng sẽ cung cấp thêm các sản phẩm, dịch vụ mới như di chuyển bằng xe máy điện, qua đó tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái di chuyển xanh và thông minh tại Việt Nam”. Hãng taxi Xanh SM được sử dụng 100% xe điện, đang góp phần giảm từ 89,17 đến 166 gram CO2 thải ra môi trường trên mỗi km di chuyển, theo ước tính của Liên đoàn Giao thông và Môi trường châu Âu (European Federation for Transport & Environment). Theo đó, chỉ cần đi 1km ô-tô điện sẽ góp phần giảm lượng CO2 tương đương mức hấp thụ của gần ba cây xanh trong một ngày.

Đây cũng là lần đầu tiên các thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng có một hãng taxi sử dụng toàn bộ ô-tô điện phục vụ hành khách. “Ưu điểm của xe taxi chạy bằng điện là không nghe tiếng ồn, không nghe mùi xăng dầu, vận hành êm ái, khoang nội thất rộng rãi”, khách hàng Lâm Thị Minh Nguyệt (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ. Còn theo lái xe taxi điện Lê Chí Tường (ngụ Quận 12), trong quá trình chạy taxi điện đôi lúc cũng gặp một số sự cố nhỏ như pin, lỗi kỹ thuật, cách thức vận hành, nhưng được nhân viên kỹ thuật của công ty có mặt khắc phục một cách nhanh chóng. Còn về trạm sạc không gặp trở ngại lớn khi các trạm sạc của VinFast được đầu tư khắp các trung tâm thương mại, khu dân cư của VinFast.

Thực tế, phương tiện công cộng sử dụng bằng điện được Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động đầu tiên vào tháng 3/2022, tuyến xe bus điện mang số hiệu D4 (khu dân cư Vinhomes Grand Park - Bến xe bus Sài Gòn), đến nay đã trở thành phương tiện quen thuộc của người dân thành phố trong việc di chuyển hằng ngày. “5 ngày trong 1 tuần, tôi đều đi lượt đi và về trên tuyến bus điện D4 vào trung tâm thành phố làm việc. Mong rằng, thành phố sẽ mở thêm nhiều tuyến xe bus điện hơn”, chị Trần Thùy Hương (sống tại khu dân cư Vinhomes Grand Park, TP Thủ Đức) phấn khởi nói.

Ngoài tuyến trên, Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus đang đề xuất thí điểm bốn tuyến xe bus điện tại Thành phố Hồ Chí Minh, gồm: Vinhomes Grand Park - Trung tâm thương mại Emart; Vinhomes Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất; Vinhomes Grand Park - Bến xe miền Đông mới; Bến xe miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia.

Trong khi đó, mới đây Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất lộ trình kế hoạch phủ xe điện và theo đó đến năm 2025 phủ kín xe điện 100% tại huyện Cần Giờ và một số khu vực trung tâm. Theo Sở GTVT, thành phố đang xin Quốc hội cho phép cơ chế HĐND thành phố quyết định hỗ trợ ngân sách để thu mua, hỗ trợ chuyển đổi từ xe năng lượng hóa thạch sang xe điện. Cùng với đó là đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi xe taxi, xe bus, ô-tô mua sắm công của các cơ quan nhà nước sang xe điện.

Cũng trong xu thế đó, mới đây, đề án thí điểm sử dụng phương tiện xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách tham quan, du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh được Công ty TNHH Saigon Public Transport (đơn vị đề xuất) hoàn chỉnh, bổ sung một số nội dung để trình UBND thành phố thông qua. Nếu thuận lợi, năm 2023 sẽ có thêm nhiều xe điện hoạt động tại trung tâm thành phố.

Một trong những dự án trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh tuyến bus nhanh (BRT) số 1 thuộc dự án phát triển giao thông xanh cũng đang được Sở GTVT đề xuất UBND thành phố xem xét chọn xe bus điện cho tuyến này.

Không những vậy, mới đây, hãng Gojek đã hợp tác với Dat Bike đưa xe máy điện vào vận chuyển hành khách. Theo Gojek, ngoài dịch vụ xe ôm công nghệ thì GoFood (giao thức ăn) và GoSend (giao hàng) cũng sẽ được thí điểm sử dụng xe máy điện, để phục vụ các nhu cầu giao hàng, giao đồ ăn của người dùng. Còn CEO Dat Bike Nguyễn Bá Cảnh Sơn cho biết, sẽ cung cấp cho các lái xe Gojek dòng xe Dat Bike Weaver + để thực hiện các dịch vụ chở khách, giao đồ ăn và giao hàng tại Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn thông qua thí điểm sẽ hướng nhiều người dùng hơn nữa, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phương tiện xanh, vì một môi trường trong lành hơn”, ông Sơn chia sẻ.

Cần “cú huých” cho xe điện ảnh 1

Taxi điện đã được đưa vào hoạt động tại nhiều thành phố. Ảnh: SƠN NAM

Tháo gỡ những điểm nghẽn

Theo Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2025, 100% xe bus thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh với tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại thành phố đạt 25%. Từ năm 2030, tỷ lệ xe sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe bus, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô hành khách Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trung Tính cho rằng, việc dần chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh, trong đó, phương tiện sử dụng bằng điện không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao chất lượng các phương tiện vận tải công cộng. Tuy nhiên, để xe điện có thể phát triển ngày một sâu rộng, ông Lê Trung Tính cho rằng, thành phố cần có chính sách hỗ trợ người dân một cách cụ thể. Song song đó, cần tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu và đồng hành. “Thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu kỹ để xây dựng chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện mới, làm sao hiệu quả, công bằng, minh bạch. Vì vậy, thành phố cần khảo sát để đầu tư hệ thống trạm sạc thuận tiện nhất là việc không thể xem nhẹ”, ông Tính góp ý.

Theo Giám đốc Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, thành phố đang xin Quốc hội cho phép cơ chế HĐND thành phố quyết định hỗ trợ ngân sách để thu mua, hỗ trợ chuyển đổi từ xe năng lượng hóa thạch sang xe điện. Đặc biệt, ngành GTVT thành phố đang xây dựng một kế hoạch tổng thể về phát triển xe điện và dự kiến tháng 7 tới mới hoàn thành để trình lãnh đạo thường trực UBND thành phố xem xét và cho ý kiến chỉ đạo tiếp theo. Trước mắt, ngành giao thông đang bắt tay làm xe bus điện, taxi điện. Đồng thời, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển thành phố họp về kế hoạch chuyển đổi xe mô-tô điện ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn, trong đó có các doanh nghiệp giao nhận vận tải đang hoạt động trên địa bàn như Lazada, Grab, Baemin, Be, DHL, Viettel Post, Sagawa,… đang rất mong muốn triển khai.

Theo dự thảo Nghị quyết, HĐND thành phố ban hành chính sách, dùng ngân sách để khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi và lộ trình để cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang xe điện. Cụ thể, thành phố sẽ chi ngân sách để thu mua, đổi xe cũ sang xe mới sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường và sử dụng xe công cộng nhằm giảm ùn tắc giao thông. Song song đó sẽ phân vùng khu vực hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp không chấp hành theo quy định.

Trước việc nhiều doanh nghiệp băn khoăn về nguồn điện có đáp ứng đủ nhu cầu hay không, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) Nguyễn Văn Thanh cho biết, ngành điện lực thành phố khẳng định đáp ứng đủ nguồn điện để phát triển các trạm sạc pin trên địa bàn thành phố. Thực tế, cách đây hơn 1 năm, nắm bắt xu hướng thành phố sẽ phát triển phương tiện giao thông chạy bằng điện, doanh nghiệp đã chủ động làm việc với VinFast để nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng hạ tầng điện cho xe điện. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có khoảng 400 trạm sạc… “Đây là bước khởi đầu quan trọng để tích lũy năng lực, kiến thức và kinh nghiệm cho quá trình phát triển theo chiều sâu trong thời gian tới với dự kiến sẽ xây tăng lên 1.000 trạm sạc”, ông Nguyễn Văn Thanh thông tin.

Về vấn đề phát triển hệ thống trạm sạc, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết: Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm phát triển hệ thống trạm sạc trên mạng lưới đường bộ mà Bộ GTVT quản lý như đường quốc lộ, đường cao tốc còn đường địa phương, đường đô thị sẽ do các địa phương chịu trách nhiệm.

Ðể khuyến khích, phát triển hơn các loại hình xe điện, xe sử dụng năng lượng sạch, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh) Ðỗ Ngọc Hải cho biết, thành phố sẽ xây dựng cơ chế, chính sách, chẳng hạn như sớm có định mức kinh tế kỹ thuật, cơ chế khuyến khích đầu tư trạm sạc, xây dựng nơi bảo trì hoặc chính sách hỗ trợ khi người dân mua sắm xe điện hoặc đổi xe đang đi sang sử dụng xe điện. Những việc này sẽ được thành phố nghiên cứu kỹ trước khi triển khai.

Hiện, Bộ GTVT đã được Chính phủ phê duyệt Quyết định 1454 về mạng lưới đường bộ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 và tiếp tục thực hiện Luật Quy hoạch.

“Để triển khai phê duyệt mạng lưới đường bộ theo Quyết định 1454, chúng tôi đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho mạng lưới quốc lộ, trong đó coi trạm sạc là một kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặt trạm sạc trên quốc lộ và đường cao tốc”, ông Tô Nam Toàn thông tin.

Theo kinh nghiệm quốc tế, đối với quốc lộ, xe có thể dễ dàng tiếp cận hai bên đường còn trên đường cao tốc thì không dễ, chỉ có thể tiếp cận ở các trạm dừng nghỉ.

Dự kiến tháng 9/2023, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ hoàn thành quy hoạch này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.