Vốn tín dụng: Chưa bao giờ đủ?
Theo ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), do đặc thù kinh tế Việt Nam, các nhu cầu vốn phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, kênh tín dụng là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế, có tốc độ tăng rất nhanh. Giai đoạn 2007-2010, tín dụng tăng bình quân hơn 36%, tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng rất nhanh, kéo theo các cuộc đua lãi suất, dẫn đến lãi suất cho vay tăng nhanh, nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao.
Từ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng căn cứ vào năng lực tài chính, quản trị, điều hành của từng đơn vị. Tổng kết quá trình triển khai biện pháp phân bổ tăng trưởng tín dụng từ năm 2011 đến nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống giảm mạnh từ 30%/năm (cá biệt có năm lên tới 53,8%) xuống chỉ còn 12-14% những năm gần đây. Ở mức này, theo các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hay các tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu vẫn cảnh báo tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam lên đến hơn 124% và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đang ở mức 187%. Điều này cho thấy đòn bẩy tài chính rất lớn, nếu nới thêm tín dụng sẽ tăng rủi ro cho hệ thống tài chính trong tương lai. Trong khoảng 10 năm trở lại đây tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, trong khi quy mô nền kinh tế tăng bình quân 2,7 lần thì tín dụng tăng 4,4 lần, tức là tỷ lệ tín dụng/GDP tăng từ 80% lên hơn 124%.
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức 14%/năm, được cho là phù hợp trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch và đã tăng cao hơn so với năm trước. Thế nhưng, đến ngày 16/9/2022, tăng trưởng tín dụng đã ở mức 10,47% so cuối năm 2021 và tăng 17,19% so cùng kỳ năm 2021. Việc các ngân hàng thương mại chậm được cấp thêm room tín dụng khiến cơn khát vốn trở nên gay gắt hơn. Không chỉ doanh nghiệp mà bản thân các ngân hàng thương mại cũng phải tìm cách xoay xở để giải cơn khát vốn. Tuy nhiên, quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, lạm phát toàn cầu tăng, cần kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, không để tăng trưởng tín dụng quá cao, gây thêm áp lực lên lạm phát và dẫn đến rủi ro an toàn hệ thống khi tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng.
Ngành Ngân hàng cho rằng, vốn đầu tư cho nền kinh tế, nhất là vốn trung và dài hạn không thể cứ phụ thuộc mãi vào vốn tín dụng ngân hàng. Vốn đầu tư cho nền kinh tế cần được san sẻ bởi nhiều nguồn khác như thị trường vốn, đầu tư công, vốn đầu tư nước ngoài... Việc phụ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng như hiện nay dẫn đến nguy cơ rủi ro cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, nhiều năm qua, bản thân doanh nghiệp đã tìm cách giảm dần vốn vay, nhưng xem ra tình hình không mấy cải thiện.
Kéo giảm chi phí vốn vay
Năm 2017, cả nước có hơn 561 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 97% là các doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Năm 2019, con số doanh nghiệp đang hoạt động ở mức 668,5 nghìn doanh nghiệp.
Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người. Năm 2021, có 116,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 nghìn tỷ đồng; giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký so với năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so năm 2020. Trong tám tháng năm 2022, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động gần 149,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 31,1% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 11,2 tỷ đồng, giảm 19,3% so cùng kỳ năm 2021.
Những con số thống kê này cho thấy quy mô vốn đầu tư của doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi. Tình trạng hoạt động kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặc” vẫn khá phổ biến. Các doanh nghiệp đã, đang phụ thuộc quá lớn vào vốn vay, cho dù việc vay vốn tín dụng đang ngày một khó khăn hơn; và doanh nghiệp phải chi nhiều hơn các khoản chi phí không chính thức khi muốn huy động vốn.
Để giảm vay vốn ngân hàng và huy động được vốn cho đầu tư dài hạn, doanh nghiệp có thể tìm đến các kênh khác như phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu, huy động vốn từ đối tác… Yêu cầu chung khi doanh nghiệp muốn huy động vốn đều có điều kiện cơ bản như: dự án sản xuất, kinh doanh khả thi; thông tin tài chính, kế toán minh bạch. Nhưng thực tế không như vậy!
Năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ khi giá trị phát hành cả năm lên đến 623,6 nghìn tỷ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ lên đến 93,5%. Song, nhiều doanh nghiệp công bố thông tin phát hành không đúng sự thật, báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán sai lệch quá lớn; sử dụng vốn huy động sai mục đích... Ngoài vụ Tân Hoàng Minh, các chuyên gia dự báo sẽ còn nhiều doanh nghiệp khó có khả năng thanh toán đúng hạn lượng lớn trái phiếu mà họ đã phát hành với lãi suất cao như vừa qua. Những bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua cho thấy, không ít doanh nghiệp vẫn có tư duy làm ăn theo kiểu chụp giật, làm mất lòng tin của nhà đầu tư. Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp vừa được ban hành đã có thêm nhiều quy định theo hướng siết chặt hơn đối với cả bên mua và bán trái phiếu doanh nghiệp.
Khi kỷ luật thị trường được tuân thủ tốt, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ thuận lợi hơn trong huy động vốn; và nếu thông tin tài chính của doanh nghiệp tốt thì mức lãi suất huy động sẽ không cao như hiện nay. Chi phí vốn vay giảm là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp, doanh nhân cải thiện doanh thu, lợi nhuận, cải thiện được vị thế của mình ở các kỳ huy động vốn tiếp theo.