Cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng

Dự báo khả năng phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ tiếp tục gặp nhiều rào cản khi tình hình kinh tế thế giới chuyển biến chậm hơn kỳ vọng. Những giải pháp về thuế, tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt khó, từ đó đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các bộ, ngành cần thường xuyên rà soát, sửa đổi quy định để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp. Ảnh: NAM ANH
Các bộ, ngành cần thường xuyên rà soát, sửa đổi quy định để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp. Ảnh: NAM ANH

Gia tăng áp lực cải cách

Nhìn lại năm 2023, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh chia sẻ, có lẽ chưa bao giờ doanh nghiệp gặp phải bộn bề khó khăn như vậy. Lần đầu tiên, trong ba quý đầu năm, ngành lương thực, thực phẩm của TP Hồ Chí Minh xuất hiện tăng trưởng âm khi cầu tiêu dùng sụt giảm rất mạnh. Nhưng điều mà bà Chi trăn trở là trong khi doanh nghiệp gặp khó thì lại có rất nhiều rào cản đến từ thủ tục hành chính. Lấy thí dụ quy định “muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” (áp dụng từ ngày 15/3/2017).

Sau 5 năm với nhiều lần kiến nghị bãi bỏ, năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 chỉ đạo Bộ Y tế “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo hướng bãi bỏ quy định trên, thay vào đó chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng”. “Nhưng cho đến nay những doanh nghiệp thực phẩm vẫn loay hoay chưa tìm được sự đồng thuận với cơ quan quản lý nhà nước. Việc chậm trễ trong việc giải quyết thỏa đáng nhu cầu của doanh nghiệp khiến họ đã khó lại càng khó hơn”, bà Chi bày tỏ.

Đề cập về những khó khăn của các nhà thầu xây dựng hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đang cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Theo ông, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng quy chuẩn liên quan đến PCCC tại QCVN 06:2022/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình) lại cao hơn những quốc gia phát triển nhất thế giới. Doanh nghiệp xây dựng, bất động sản chưa kịp tiếp cận tiêu chuẩn cũ thì lại có tiêu chuẩn mới. “Nhiều công trình, dự án dù đã xây dựng xong nhưng chỉ vì chưa hoàn thiện quy định PCCC mà chậm đi vào hoạt động đến cả năm. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp”.

Đánh giá về quá trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, TS Nguyễn Minh Thảo cho rằng, sau 9 năm ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được tiến bộ về cải cách với nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm trở lại đây, quá trình cải thiện môi trường kinh doanh đang bị chững lại. Nhiều điều kiện, rào cản mới đang phát sinh gây khó cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo TS Nguyễn Minh Thảo: “Sự chững lại của quá trình cải cách cải thiện môi trường kinh doanh thể hiện rất rõ nét ở việc chậm trễ giải quyết vướng mắc về các quy định hành chính. Dù điều kiện kinh doanh được cắt giảm về số lượng, nhưng cách thức thực hiện vẫn còn rất nặng nề khi những giấy phép con vẫn còn rất nhiều”.

Cộng đồng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2023 con số này là 172,6 nghìn, tăng 20,5% so với năm 2022. Bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đặc biệt, con số này cao hơn con số doanh nghiệp thành lập mới.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), những con số này chỉ phản ánh phần nào bức tranh doanh nghiệp năm 2023. Với những khó khăn dai dẳng từ thị trường, cộng thêm những chi phí phát sinh trong việc tuân thủ các quy định, thủ tục hành chính, phần đông những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ở trạng thái ít có cơ hội phục hồi.

TS Nguyễn Minh Thảo chia sẻ: “Doanh nghiệp rất cần sự thay đổi về thể chế, tăng cường hiệu quả thực thi cải cách để tạo cho họ niềm tin rằng, trong khó khăn có sự đồng hành của Chính phủ. Từ đó mạnh dạn và sáng tạo tìm kiếm cơ hội kinh doanh vượt qua khó khăn. Doanh nghiệp đang có tâm lý trông chờ vào những phản ứng chính sách của Chính phủ. Trông chờ vào những điều kiện mới, ràng buộc mới hay những cải cách có thật sự diễn ra hay không để có thể triển khai các hoạt động kinh doanh mới.

Khôi phục niềm tin vào môi trường kinh doanh

Để có được một được đơn hàng xuất khẩu, những doanh nghiệp thủy sản phải rất nỗ lực. Nhưng ngay cả khi có đơn hàng, doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn để hoàn thành đầy đủ những giấy tờ, thủ tục ở trong nước. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, gần chục năm qua, Chính phủ đã rất quyết liệt cải cách nhưng quá trình nội luật hóa của Việt Nam rất chậm. Trong khi doanh nghiệp xuất khẩu đã đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe từ nước ngoài thì họ vẫn gặp khó khăn để thỏa mãn các quy định ở trong nước.

Những vướng mắc trong quá trình kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam đã được đề xuất tới Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Nhưng việc chậm trễ trong giải quyết đã khiến không ít doanh nghiệp nản lòng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không quyết liệt thúc đẩy tinh thần cải cách mạnh mẽ trong giai đoạn này, Việt Nam có thể mất đi cơ hội phục hồi và cơ hội canh tranh trong thu hút đầu tư.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, giai đoạn trước đây khi cắt giảm được khoảng 50% các điều kiện kinh doanh, nhiều bộ, ngành và địa phương đã hài lòng. Nhưng thực tế, sau giai đoạn tập trung chống dịch Covid-19, tinh thần cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam cần được khơi dậy mạnh mẽ và quyết liệt hơn. “Những điều kiện phát sinh mới đòi hỏi các bộ, ngành cần liên tục rà soát sửa đổi để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó thúc đẩy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhìn nhận.

Ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng để duy trì niềm tin của các doanh nghiệp. Niềm tin này cùng với việc cải thiện các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... được duy trì tốt thì Việt Nam mới có cơ hội sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao”. Ông Bình đề xuất, thay vì chỉ hô hào, doanh nghiệp chờ đợi những hành động thực chất và quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sát cánh tháo gỡ những vướng mắc đã và đang tồn tại gây ra những áp lực cho doanh nghiệp.

Nhiều đánh giá cho thấy, năm 2024, dự báo tình hình doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi thị trường phục hồi chậm, chưa đạt như kỳ vọng. Do đó những giải pháp để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là trọng tâm để cải thiện và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực lấy ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để kiến nghị tới Chính phủ về các giải pháp để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh. Bộ cũng đề xuất Chính phủ xây dựng một nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh như trước đây. Đồng thời kiến nghị việc nghiên cứu xem xét thành lập Tổ công tác thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh và có thể coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy hiệu quả quá trình cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.