Buồn vui theo vịt chạy đồng

Sau những cơn bão, ánh nắng bắt đầu le lói trên những cánh đồng. Đàn vịt chen chúc kiếm ăn khiến nhiều người nuôi vịt ở Quảng Bình và Quảng Trị càng có thêm động lực để lao động kiếm sống.

Cánh đồng Triệu Hòa (Triệu Phong, Quảng Trị) là nơi kiếm ăn của đàn vịt sau mùa mưa bão.
Cánh đồng Triệu Hòa (Triệu Phong, Quảng Trị) là nơi kiếm ăn của đàn vịt sau mùa mưa bão.

Gian nan nuôi vịt chạy đồng

Cánh đồng không rộng nhưng một năm cứ hai lần (tương đồng hai vụ nuôi vịt chạy đồng) anh Trương Quang Anh, sinh năm 1972 ở Xuân Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) phải ăn bờ, ngủ bụi, giãi nắng giầm sương nuôi 1.500 con vịt chạy suốt 40 ha ruộng lúa qua nhiều ngôi làng khác nhau.

Những cánh đồng nhỏ, chắp vá... gây khó khăn cho đàn vịt trong những lần kiếm ăn và làm cho anh Trương Quang Anh vất vả. “Nếu là những cánh đồng rộng lớn, đàn vịt có thể ăn từ ngày này qua ngày khác đỡ phải đi. Còn những cánh đồng nhỏ lẻ mỗi lần di chuyển đàn vịt cực lắm! Vịt đi tới mô thì người ở đó, cắm một vài cái que, lót tấm áo mưa, móc cái màn ngủ cho qua ngày. Phần lớn những hộ nông dân nuôi vịt chạy đồng ở đây là để bán thịt, những hộ nuôi vịt lấy trứng thì vất vả hơn nhiều. Nghề ni nỏ giàu mô, chỉ kiếm đủ tiền trang trải cho gia đình và lo cho con ăn học là tốt rồi. Mà nông dân mần được rứa còn chi bằng nữa”, anh bộc bạch.

Có tuổi nghề sau anh Trương Quang Anh, anh Nguyễn Văn Long nuôi vịt chạy đồng ba năm nay, lại nuôi vịt lấy trứng, bước đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nên hết sức gian nan. Nhớ lại, anh kể: “Ban đầu nuôi vịt gian nan đủ đường, thấy đàn vịt thì ưng nhưng thiếu kinh nghiệm nên tôi phải nhờ người quen giúp. Anh Quang Anh cũng đỡ đần tôi trong những ngày mới nuôi vịt. Nhờ có anh, tôi mới có kiến thức nuôi vịt từ lúc chúng mới bằng nửa nắm tay cho đến khi đẻ trứng”. Chia sẻ về những khó khăn, vất vả trong nghề này, anh Long nói: “Họ nuôi vịt lấy thịt còn đỡ, tôi nuôi vịt lấy trứng quanh năm suốt tháng ở ngoài đồng, lúc thì ở sông, lúc xuống ao, xuống hồ. Một mình với gần 2.000 con vịt vất vả đủ bề, nhất là những mùa mưa bão. Nhưng cái vui là mỗi sớm mai thức dậy, cầm trên tay những quả trứng vịt hồng hào lòng lại thấy vui và không muốn dứt cái nghề này nữa”.

Vịt chạy đồng phần lớn là giống vịt cỏ địa phương, thịt thơm ngon, là thực phẩm sạch nên thị trường ưa chuộng. Đầu ra ổn định nên người nuôi vịt không phải lo. Cái đáng nói là những gian nan người nuôi vịt trải qua, quanh năm suốt tháng sống xa gia đình. Anh Long tâm sự: “Có nhà đó nhưng mấy khi được ở. Mà lạ lắm, mỗi khi về nhà ngủ lại không ngon. Cứ nhớ cánh đồng chi lạ. Nhiều lúc nghiền mùi ruộng đồng, nghe tiếng vịt kêu mới ngủ ngon được…”.

Nhọc nhằn ngày mưa bão

Cánh đồng lúa của khu phố 6, phường Đông Giang (TP Đông Hà, Quảng Trị) nằm kề thành phố. Mỗi mùa gặt xong là có đến 10 hộ nuôi vịt chạy đồng. Nghề này chỉ cần chịu khó và có kinh nghiệm. Bỏ nghề thầu khoán xây dựng nhà, bảy năm nay anh Hoàng Văn Dưỡng đi nuôi vịt vì “tiếc lúa”. Anh tâm sự với chúng tôi: “Chưa nói đến chuyện thiệt hơn giữa nghề xây dựng và nghề nuôi vịt chạy đồng. Nhà tôi cũng làm nông nghiệp, cứ mỗi mùa gặt thấy lúa rơi vãi và lúa chét sau mùa là tôi thấy tiếc. Người quê miềng hay gọi lúa là hạt ngọc nhà trời, bỏ đáng tội. Cứ nghĩ làm răng tận dụng được nguồn lương thực rơi vãi này. Và giữa ruộng có vô số loài làm thức ăn cho vịt, chỉ thấy thôi đã thích. Lúc tôi quyết định bỏ nghề xây dựng sang nuôi vịt cả nhà cũng ái ngại lắm! Bữa đó có biết chi về vịt mô, nhưng vừa làm vừa học, thực tế là bài học hay nhất”.

Chia sẻ kỷ niệm nghề nuôi vịt, anh Dưỡng cho hay: “Bão tới là những lúc khó khăn nhất. Cơn bão số 10 mới đây, mới từ chiều đã lao vô nên cả nhà bốn người ra sức lùa gần 1.000 con vịt về chuồng trại. Bốn người ngập ngụa giữa cánh đồng, mưa tơi bời tới tấp, lũ vịt nghe gió vần càng dáo dác. Đêm đó mọi người như kiệt sức, giờ nghĩ lại còn ớn! Nhưng đàn vịt được an toàn coi như niềm hạnh phúc của cả gia đình”.

Gần chục năm nuôi vịt, chứng kiến hàng chục cơn bão đi qua giữa cánh đồng, anh Trần Văn Minh (Lệ Thủy, Quảng Bình) chia sẻ: “Khi bão vô, cái chòi bị gió bốc đi, tôi lùa vịt về hàng tre gần làng. Rồi người và vịt ngồi thu lu, suốt đêm tôi ngồi bên gốc tre, người và vịt cách nhà 12 km, nếu có về đó thì cũng hết bão rồi. Mà dễ chi lùa được đàn vịt 2.000 con giữa mưa gió. Tôi đành ở lại, thỉnh thoảng gió lùa mạnh là đàn vịt lại dáo dác”. Theo anh Minh, lúc đầu nuôi vịt thấy cơ cực, mưa bão suốt thành quen. Người nuôi vịt thường chia đồng ra để nuôi, thành thử gặp khi mưa bão muốn giúp đỡ nhau cũng khó. Giờ có nhiều kinh nghiệm để ứng phó, nhất là phải bình tĩnh khi giữa cánh đồng trơ trọi chỉ một bóng người với lũ vịt loi nhoi.

Những cơn bão đi qua cánh đồng không đáng sợ bằng cơn bão... dịch bệnh. Thông thường đàn vịt được tiêm phòng dịch bệnh cẩn thận trong 25 ngày đầu tiên nhưng từ cánh đồng này qua cánh đồng khác, từ môi trường này đến môi trường kia cũng lắm lúc vịt lăn ra chết. Nhất là mùa đông, mùa của dịch bệnh, hễ thấy vịt có triệu chứng ốm là người nuôi vịt héo hắt. Anh Hoàng Văn Dưỡng (phường Đông Giang, Đông Hà, Quảng Trị) cho biết, ban đầu lũ vịt mới mua về, người nuôi cho ăn bột và một số thứ như cám ngô, chất dinh dưỡng khác và tiêm phòng trong 25 ngày đầu. Sau đó lùa vịt ra đồng, đây là thời gian sinh trưởng mạnh, lũ vịt có thể tự kiếm thức ăn trên đồng mà không phải lo thêm thức ăn phụ. Có tiêm phòng rồi nhưng có lúc nó vẫn bị nhiễm bệnh, chết cả đàn. Mùa mưa nuôi vịt đỡ thức ăn nhưng rủi ro, gian nan cũng không kém.

Anh Phạm Văn My (Đông Giang, Đông Hà, Quảng Trị) chia sẻ thêm: “Mỗi khi vịt trúng gió là thấy mình như chết giấc. Nuôi vịt hơn 10 năm, vịt bị dịch bệnh cũng nhiều nhưng mỗi lần vịt chết là tôi thấy mình cũng như... sắp chết, nồi cơm của cả gia đình nằm vô lũ vịt chớ mô”.

Nguồn sống…

Không ngẫu nhiên mà anh Hoàng Văn Dưỡng, anh Phạm Văn My (phường Đông Giang) hay anh Trương Quang Anh, Trần Văn Trung (Xuân Ninh) gắn bó với nghề nuôi vịt gần chục năm nay. Điểm mấu chốt trong nghề nuôi vịt là trong thời gian ngắn có thể cho thu nhập, có lúc thu nhập cao. Nuôi vịt khó nhất là mùa giá vịt bán “được”, nhất là sau những mùa gặt. Ngoài ra là chi phí cho đàn vịt từ lúc đầu cho tới khi chúng hai tuần tuổi. Thời kỳ lùa vịt ra đồng kiếm thức ăn tự nhiên thì đỡ vất vả. Trên những cánh đồng thức ăn phong phú lại giàu chất dinh dưỡng cho nên vịt chóng lớn.

Anh Dưỡng tâm sự: “Trung bình mỗi vụ tôi nuôi từ 600 - 1.000 con vịt, sau 60 ngày chăn thả, vịt có trọng lượng gần 2 kg. Mỗi năm trung bình gia đình tôi nuôi bốn lứa tầm hơn 3.500 con vịt, tính xong chi phí lãi bình quân 15 - 20 nghìn đồng/con, mùa nuôi chạy đồng lãi khoảng 30 nghìn đồng/con. Năm rồi tính xong chi phí cũng còn lãi được 60 triệu đồng, đó là số tiền không phải nghề nông nào cũng mang lại được”.

Nghề nuôi vịt cũng không đòi hỏi nhiều vốn liếng. Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, mỗi con vịt giống trên thị trường dao động từ 10 - 12 nghìn đồng/con. Nếu nuôi đàn 1.000 con thì tiền giống khoảng 10 - 12 triệu đồng. Đây là nguồn kinh phí người nông dân có thể tự chủ được khi tham gia nuôi vịt. Cái còn lại là sự chịu khó, kiến thức chăn nuôi và sức lực để bươn chải trên đồng. Hầu hết người nuôi vịt chạy đồng đều sống được nhờ đàn vịt. Anh Trương Quang Anh hồ hởi kể: “Vụ vừa rồi gia đình tôi nuôi 2.500 con vịt chạy đồng, tính tiền vốn mua vịt với thức ăn và tiền thuê đồng tầm hơn 50 triệu đồng. Nhưng khi bán gia đình tôi thu lại được 120 triệu đồng. Chỉ trong thời gian gần ba tháng đã có thu nhập 70 triệu đồng, đó là công sức của hai anh em tôi. Như rứa cũng xứng đáng”.

Trên các cánh đồng với những gốc rạ tàn rữa, lại ẩn bên dưới đó những hạt thóc, con tép, con tôm... làm thức ăn vịt. Và chúng là cuộc sống, là niềm hy vọng của những người nông dân như anh Dưỡng, anh My, anh Long... và nhiều người nuôi vịt trên hành trình chúng tôi đi qua.