Khơi dậy sức mạnh văn hóa: Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)

Bước chân danh nhân trên đường phố Hà Nội (Kỳ 2)

Kỳ 2: Tự hào bên những biểu tượng văn hóa, lịch sử
Phan Đình Phùng, một trong những phố đẹp nhất Thủ đô. Ảnh: SƠN ĐOÀN
Phan Đình Phùng, một trong những phố đẹp nhất Thủ đô. Ảnh: SƠN ĐOÀN

Mỗi con đường mang tên một danh nhân là minh chứng cho lịch sử và những giá trị không thể phai mờ. Khi nhắc đến những cái tên như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng…, ta không thể không nhớ về những chiến công lẫy lừng và sự nghiệp to lớn đã gắn bó với những con người ấy. Làm sao để những tên đường, tên phố góp thêm ký ức và tri thức văn hóa, lịch sử cho những người dân nơi đây.

Thường trực niềm tự hào dân tộc

Theo tư liệu từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, năm 1945, Hà Nội được trao cho người Việt quản lý về mặt hành chính, bác sĩ Trần Văn Lai (1894-1975), khi ấy là Đốc lý Hà Nội, chính ông đã cho đổi tên đường phố và các công viên ở Hà Nội từ tiếng Pháp trở lại thành tiếng Việt, lấy tên các danh nhân Việt Nam, các lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp, các nhà yêu nước… Sau năm 1945, các tên phố nhiều lần có sự thay đổi do sự chuyển giao quyền lực mãi cho đến năm 1954, bác sĩ Trần Duy Hưng (1912-1988) trở lại với chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, các tên đường mới được “ổn định” từ đó. Song nguyên tắc đặt tên của bác sĩ Trần Văn Lai hay bác sĩ Trần Duy Hưng vẫn được giữ đến nay: các danh nhân có ảnh hưởng lớn được đặt tên cho các phố lớn như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt; các tên phố có mối quan hệ với nhau được đặt gần nhau như phố Trần Nhật Duật gần Hàm Tử Quan, Hoàng Diệu gần thành Hà Nội…

Khi mỗi cái tên được đọc lên, đó cũng là lúc lịch sử sống dậy, hiện hữu và gần gũi với đời sống hiện tại. Tìm đến nhiều người dân gắn bó với những con phố danh nhân lâu năm, mỗi người lại có một câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ. Trên con phố mang tên Bà Triệu anh hùng, ông Phạm Minh Chung (89 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể lại: “trước đây, phố có tên Lê Lợi, sau Cách mạng Tháng Tám thì mới đổi tên thành phố Bà Triệu để tưởng nhớ công lao của bà”. Ông Chung xúc động: “Phố Bà Triệu hiện nay là thuộc trung tâm của Thủ đô. Con đường này cũng là trục chính của khu trung tâm, sống ở đây tôi rất tự hào, bởi phố mang tên vị anh hùng dân tộc nổi tiếng. Vì có những phố trước đây chưa được đặt tên như thế, mà chỉ mang tên số, thí dụ như phố 325 trước kia đổi thành phố Thể Giao, phố 356 nay là phố Thanh Bảo...

Năm 2006, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 7 nêu: “Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài được chọn đặt tên đường, phố và công trình công cộng ở Hà Nội phải là người tiêu biểu trong những người nổi tiếng, có đức, có tài, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và thành phố hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”. Việc đặt tên danh nhân cho đường phố như một bài học lịch sử sống động mà mỗi người dân đều có thể tiếp cận hằng ngày. Đối với nhiều người dân, sinh sống, làm việc và học tập trên những con phố mang tên danh nhân là một niềm hãnh diện. Đường phố mang tên danh nhân là sự biết ơn và trân trọng những giá trị lịch sử, mang những nét đẹp văn hóa tinh thần vào đời sống, là hành trang thời đại trên con đường tiến tới tương lai. Đây còn là một cách để quảng bá, giới thiệu về lịch sử Việt Nam với du khách nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Kim Cúc (52 tuổi, phố Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Những con đường mang tên các danh nhân như một lời nhắc nhở rằng, chúng ta đang sống và bước trên di sản của cha ông để lại. Điều đó thật đáng tự hào và cũng là trách nhiệm lớn để chúng ta tiếp tục giữ gìn và phát huy”.

Thách thức trước đổi thay

Tuy nhiên, có một thực tế là không phải ai cũng có những cảm nhận hay hiểu hết ý nghĩa của những tên đường, tên phố, nhất là một bộ phận những người trẻ. Chị Trần Khánh Vân (35 tuổi), cư dân phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ rằng, dù đã sống ở đây nhiều năm nhưng chị không biết nhiều về nhân vật lịch sử Nguyễn Thị Minh Khai. “Thường thì sẽ ấn tượng với những nhân vật lịch sử lớn hoặc những nhà văn, nhà thơ được học trong chương trình học”, chị thừa nhận.

Hay như tâm sự của anh Phan Quang Huy (32 tuổi, trú tại đường Võ Chí Công, quận Cầu Giấy), thì có những tên phố danh nhân còn ít được người dân để tâm, trừ những ai nghiên cứu hoặc biết trước đó nhờ đi học như các vị anh hùng Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo… “Một lần khi đọc tên đường này có ý nghĩa gì thì mình mới tìm hiểu ra”, anh Huy bộc bạch.

Tình trạng thiếu hiểu biết về danh nhân được đặt cho tên phố không phải là trường hợp cá biệt. Nếu thiếu sự giáo dục và truyền thông đúng đắn thì sẽ giảm đi ý nghĩa tốt đẹp của việc đặt tên danh nhân cho các phố, các đường và các địa bàn dân cư, đơn vị hành chính. Chính vì vậy, phải xây dựng ý thức về việc gìn giữ và phát huy những giá trị mà các danh nhân đã để lại. Điều này đòi hỏi sự kết hợp từ giáo dục, truyền thông và các hoạt động văn hóa cộng đồng, để tên phố, tên đường trở thành biểu tượng văn hóa, nơi lịch sử được khắc ghi và tôn vinh.

Thời gian qua, một số quận nội thành Hà Nội đã triển khai những cách làm sáng tạo như gắn mã QR trên biển tên đường, giúp cung cấp thông tin chi tiết về kỹ thuật và ý nghĩa của tên đường, góp phần nâng cao nhận thức văn hóa và lịch sử cho cộng đồng; kết hợp với truyền thông để đưa câu chuyện danh nhân đến gần hơn với người dân. Theo đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong việc tôn vinh và phát huy giá trị các tên đường, phố, đặc biệt là đường, phố mang tên danh nhân, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều hoạt động nổi bật. Nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật đã được tổ chức trên các tuyến phố mới, như phố đi bộ Trịnh Công Sơn ở quận Tây Hồ hay phố đi bộ Trần Nhân Tông ở quận Hai Bà Trưng, thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân và góp phần phát triển du lịch, văn hóa địa phương. Tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò - phố Hỏa Lò, chương trình “Đêm thiêng liêng” tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã tạo dấu ấn mạnh mẽ, thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi và tham gia. Các biện pháp tuyên truyền mới mẻ này đã góp phần giúp người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa của các tuyến đường, tuyến phố mang tên danh nhân, nâng cao nhận thức và sự trân trọng đối với lịch sử và văn hóa.

Bên cạnh đó, có thể thấy các chương trình truyền hình về văn hóa, lịch sử và các danh nhân ngày càng được xây dựng và phát triển phong phú, có nhấn mạnh đến việc đã đặt tên danh nhân đó cho con phố, tuyến đường ở địa bàn nào. Đây là một hướng đi tích cực, bởi lịch sử và văn hóa không chỉ dừng lại trong sách vở mà cần được phổ biến rộng rãi qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt mạng xã hội - một phương tiện gần gũi với giới trẻ ngày nay. Qua đó, song hành với giải trí, thưởng thức, người xem có cơ hội khám phá, tìm hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa, lịch sử đáng tự hào của dân tộc. Nhìn sâu xa nữa, việc tuyên truyền văn hóa, lịch sử qua những tên phố danh nhân không chỉ giúp mọi người hiểu thêm về quá khứ mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng bản sắc và giá trị của con người hiện tại.

Được biết, với mỗi kỳ đặt tên đường, tên phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có xây dựng phim tư liệu và phối hợp các cơ quan báo chí để tuyên truyền. Các quận, huyện đều tổ chức lễ gắn biển tên trang trọng và truyền thông đến người dân thông qua các hoạt động ở địa phương và một số dịp kỷ niệm các sự kiện lớn. Trong hoạt động giáo dục, việc giảng dạy lịch sử địa phương cũng có lồng ghép nội dung về các danh nhân được đặt tên đường.

Bước chân danh nhân trên đường phố Hà Nội (Kỳ 1)