Ngược thượng nguồn

Bức tranh Ba Chẽ

Chảy trong lòng huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), sông Ba Chẽ đổ ra biển ở bờ tây huyện đảo Vân Đồn. Dòng chảy mang theo chuyện cũ, tích cũ, đền miếu cũ... với cảm thức “hồn thiêng sông núi”.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều khúc sông Ba Chẽ như bờ bến lạ. Ảnh: NGUYỄN HẢI DUY
Nhiều khúc sông Ba Chẽ như bờ bến lạ. Ảnh: NGUYỄN HẢI DUY

Nhiều lúc, tôi ước ao mình có năng khiếu vẽ sông Ba Chẽ với những khúc cua dòng, mùa nắng xanh trong, mùa đông sương mờ liêu trai, kỳ bí sẽ là nguồn “tài nguyên” trong tranh của tôi.

Nhưng tôi không đa tài. Tôi chỉ là người bình thường, nhặt những điều bình thường bên sông.

Những điều bình thường bên sông

Tôi nhớ hồi còn học sinh đã đọc tiểu thuyết “Ngược rừng Ba Chẽ” của nhà văn Cao Tiến Lê. Nhớ tiểu thuyết nhà văn có đề cập đến một dòng sông mang tên Ba Chẽ. Mỗi lần đi về thượng nguồn, luôn là cảm xúc rất riêng nặng nề, lặn lội. Khi đi khỏi Ba Chẽ ngoái nhìn thị trấn heo hút chỉ có vài tòa nhà công vụ của huyện, các thôn, làng còn nghèo lắm.

Chợ phiên Đạp Thanh nằm bên bờ sông Ba Chẽ, nhộn nhịp cá biển, cá sông. Ông Vi Văn Lình, mua một chiếc chài mới, cười tươi, khoe quê hương của mình: “Ba Chẽ được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nên đã nhanh chóng thoát nghèo rồi. Mua tấm chài này không phải để kiếm miếng ăn, mà chiều ra sông quăng quật tắm mát thôi”.

Và vì thế, giao thông đường bộ đã phát triển, nên việc đi, đến Ba Chẽ, trong nỗi niềm xa ngái khó khăn chỉ còn là ký ức xa vời. Cô cán bộ văn hóa huyện Vi Thị Tuyến, dân tộc Tày đã tâm sự với tôi: “Ba Chẽ của em ngày xưa khổ lắm, mỗi lần về tỉnh họp là biết bao khó khăn vì đường đi vòng vèo ba núi, bảy sông. Giờ thì không còn cảnh đó, nhưng nghĩ lại vẫn là những ký ức rất… ngại ngùng!”.

Sông Ba Chẽ bắt đầu từ thượng nguồn khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn-Kỳ Thượng và nhiều dòng suối nhỏ chảy từ huyện Đình Lập (Lạng Sơn). Suối góp nước thành sông. Sông đầu nguồn đổ dốc, nhiều đoạn hẹp tạo điểm nhìn vượt thoát của dòng chảy. Ơi nhọc nhằn con sông cũng đến lúc thư thả trong lòng. Tính từ thị trấn Ba Chẽ, lòng sông mở rộng. Trước, dòng sông Ba Chẽ là con đường giao thông chính của bà con nơi đây, thuyền bè ra vào tấp nập.

Du khảo dọc dòng sông, tại làng Mới (Nam Sơn, Ba Chẽ) có một lò sứ cổ phát hiện từ năm 2009. Theo các nhà khảo cổ, lò gốm sứ này đã trải qua hơn 200 năm, hiện vật tại phế tích, còn 18 bầu lò gần như nguyên trạng, các bể chứa lọc nguyên liệu khi sản xuất gốm. Trong khu lò còn nhiều mảnh bát đĩa sứ, bát đĩa cốt trắng, men mầu ngọc giống với loại gốm sứ từng được phát hiện tại các bến cảng cổ ở vùng Móng Cái, Vân Đồn.

Nằm cách lò sứ cổ không xa là khu di tích miếu Ông-miếu Bà nổi tiếng được xây dựng từ thế kỷ 13, 14. Hai ngôi miếu nằm đối diện nhau ở hai bên bờ sông Ba Chẽ. Hai ngôi miếu trên thường được các thương lái hay cư dân khi đi qua khúc sông này đều thắp hương cầu mong để họ có được những chuyến đi thuận buồm xuôi gió, làm ăn thuận lợi.

Và những chiều êm ả. Đứng lại bên sông, thả hồn. Bóng núi non soi xuống mặt nước như một bức tranh thủy mặc đẹp đến diễm lệ.

Và “đắm” mình với niềm vui nhỏ nhoi

Sông Ba Chẽ nhiều cá tôm. Núi đồi Ba Chẽ, lâm thổ sản nức tiếng Vân Đồn. Gỗ lim Ba Chẽ có “tiếng” từ ngày xưa, nơi đây từng có rừng nguyên sinh và giờ thì do nhu cầu sử dụng lớn, nên mỗi năm những cánh rừng đó cũng chỉ còn thưa thoáng mà thôi. Ai có dịp đến thượng nguồn hẻo lánh này, chắc chắn sẽ được chủ nhà mời chén rượu nấm lim rừng Ba Chẽ một cách trịnh trọng.

Ông Vi Văn Lình cười, khoe: “Sông Ba Chẽ cho cư dân khá nhiều tôm cá, đặc biệt là có loài cà ra mà chỉ ở vùng này mới có”. Phác tay vào không gian, ông Lình miêu tả con cá, cho người nghe hình dung: “Nó giống như cua, to hơn một chút, nhưng không phải mùa nào cũng có”.

Đây là loài cá tôi biết, tôi đã từng ăn. Nó có giá trị cao khi thủy hải sản mỗi ngày một cạn kiệt. Nên khi đến cữ mùa hè mà có thì nếu người dân ở đây mà có được vài cân thì chỉ gọi nhau để uống rượu và cho nhau chứ nhà hàng cũng không thu mua được.

Ba Chẽ có nhiều dân tộc anh em cư ngụ như Tày, Dao, Sán Chay, Sán Chỉ... nhưng họ chủ yếu cư ngụ trên các triền núi, rừng sâu của Ba Chẽ. Nhưng cũng ở đó, họ đã lập nên lò gốm còn lại chứng tích như đã nói ở trên. Dòng sông khu lò bát ấy, chắc chắn là một khu dân cư sầm uất của hơn 200 năm trước, một thị tứ trên bến dưới thuyền sầm uất bên dòng trong xanh giữa rừng già.

Tôi chưa có dịp đến các vùng lò gốm ở nơi khác, nhưng nhìn phế tích khu lò gốm sứ ở Ba Chẽ, thấy dòng Ba Chẽ thật giàu có ban tặng cho cư dân khi họ bám dọc dòng sông để sinh tồn. Dù thời gian có thay đổi, dù bây giờ sự sầm uất của một lò gốm sứ xưa đã chỉ còn là phế tích, nhưng quả thật, dòng sông đã cho con người vô vàn của nả, tôi chợt nghĩ có lẽ, dòng sông luôn là vòng tay mát lành ấm êm như vòng tay người mẹ sông vĩ đại đã luôn chở che cho con người vĩnh cửu, không có sông thì con người sẽ cô đơn và vô vị biết bao.

Dòng sông còn là bộ mặt của làng quê đó. Là biết bao ấm lạnh của cư dân truyền kiếp sáng sáng họ soi mình bên dòng sông để hát những câu hát của nguồn cội, những bài ca về tình yêu, về công việc hằng ngày. Những giọt nước từ sông bồi đắp làm nên họ, những vụm phù sa tạo nên họ bằng chính những sản phẩm mà họ khéo léo làm ra là cái bát để ăn cơm, cái chén để uống nước, là cái lọ đựng tương cà, mắm muối và là những cái chum to để chứa nước ăn mỗi ngày.

Sông Ba Chẽ bây giờ vẫn thế, cứ diễm lệ như bức tranh mùa thu và lại cứ cuồn cuộn dâng nước khi mùa lũ về, nhưng sau tất cả lại trở về bình lặng, theo dòng trôi ra cửa biển. Ba Chẽ đi rồi đến và trở thành ký ức không phai cho mỗi ai đã qua vùng đất này.

Sông Ba Chẽ có chiều dài hơn 80km, sông Ba Chẽ có nhiều nhánh, vùng thượng lưu tính từ đỉnh Thiên Sơn cao hơn 1.200m, phía nam xã Đồn Đạc. Nếu tính từ nhánh qua rừng quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng phía tây xã Lương Mông thì sông Ba Chẽ dài 150km. Các đoạn sông thượng nguồn dốc đứng, tạo nhiều điểm thác đẹp. Sông Ba Chẽ là con sông lớn chảy trong tỉnh Quảng Ninh. Sông Ba Chẽ, theo hướng tây bắc-đông nam đổ ra cửa Voi Lớn (Vân Đồn, Quảng Ninh).