Bok Tới đẩy mạnh phát triển nông thôn mới

Nhờ cú huých từ các Chương trình 135, 134… cùng nỗ lực vượt bậc của chính quyền và nhân dân địa phương, cuộc sống của người dân Bok Tới, huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) từng bước được cải thiện, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Đời sống của người dân Bok Tới ngày càng khởi sắc.
Đời sống của người dân Bok Tới ngày càng khởi sắc.

1/Bok Tới là xã vùng cao của huyện Hoài Ân, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp, trong đó trồng rừng là chủ yếu, thu nhập bình quân đầu người ước đạt khoảng 20 triệu đồng/người/năm. Cuối năm 2023, xã cấp con giống heo đen (heo bản địa) cho 14 hộ nghèo trên địa bàn để phát triển chăn nuôi, mỗi hộ được cấp ba con giống. Được biết, 42 con heo giống hoàn toàn là heo cái, có trọng lượng từ 12-15 kg/con, hình dáng đều nhau tăm tắp, được Công ty TNHH Tổng hợp Việt Tiến (thôn Phú Hữu 1, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân) chọn mua và hướng dẫn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Tổng hợp Việt Tiến cho biết, tiêu chuẩn chọn heo giống phải là heo cái để bà con phát triển đàn vật nuôi. Vì thế, heo có trọng lượng, độ đồng đều cao, đúng chuẩn heo đen bản địa. Hiện ba xã vùng cao của huyện Hoài Ân gồm Bok Tới, Đăk Mang và Ân Sơn có khoảng vài trăm hộ nuôi heo đen nên dễ mua heo giống. Điều này giúp bà con dễ chăm sóc vì chúng đã quen với khí hậu, thổ nhưỡng chứ mua heo nơi khác về dễ bị sốc nước, lại lo dịch bệnh, ông Tiến chia sẻ.

Một hộ dân ở thôn T4 (xã Bok Tới) được cấp heo đợt này cho biết, nhà rất nghèo, không biết dựa vào đâu để làm ăn nên khi được Nhà nước cấp heo giống nuôi, chúng tôi rất vui mừng. Bởi từ đây, ngoài trồng rừng, trồng lúa còn có thêm vật nuôi để làm kinh tế. Hy vọng chúng sẽ sống khỏe mạnh và sau vài năm có thể nhân giống thêm nhiều con nữa.

Chủ tịch UBND xã Bok Tới Đinh Giang Sang cho biết, nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thành các tiêu chí của xã nông thôn mới, xã đang tập trung ưu tiên các nguồn lực phát triển sản xuất, văn hóa, xã hội, cảnh quan, môi trường nông thôn, an ninh trật tự, từ đó nâng cao thu nhập và thay đổi diện mạo đời sống nông thôn. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn với trọng tâm là liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ, tạo mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp bền vững để nâng tầm thương hiệu và giá trị nông sản của bà con nhân dân.

Nhìn nét mặt mừng vui của những người đến nhận, mới biết họ trông chờ “chiếc cần câu” này như thế nào. Có thể ba con heo giống không phải là điều quá lớn lao, nhưng ở một xã miền núi còn khó khăn như Bok Tới, việc được cấp những vật nuôi như vậy đủ khiến cuộc sống của rất nhiều đồng bào thay đổi. Bởi từ đây, sinh kế của người dân đã được mở ra để họ có thể dựa vào đó mà vươn lên thoát nghèo. Có thể thấy, chính sách “trao cần câu, không trao con cá” đã được vận dụng linh hoạt và thiết thực ở mảnh đất này.

2/Bok Tới là một trong những xã nghèo của huyện Hoài Ân, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Toàn xã Bok Tới hiện có năm thôn gồm T1, T2, T4, T5, T6 với 531 hộ dân/1.830 nhân khẩu. Là xã nghèo, đời sống người dân lại phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp nhưng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi còn hạn chế, do đó năng suất cây trồng cũng như hiệu quả kinh tế đạt được không cao. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi còn khó khăn, giao thông cách trở… nên dù đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng so mặt bằng chung, thu nhập bình quân của người dân xã Bok Tới vẫn còn thấp. Vì thế, việc xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, cũng như hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất… còn gặp nhiều trở ngại.

Hiện nay, việc xây dựng nông thôn mới hiện tại xã chỉ mới đạt 8/19 tiêu chí, song song với đó, xã cũng đang thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia nữa đó là giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là hai chương trình hỗ trợ đáng kể trong phát triển sản xuất, sinh kế, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề… trong những năm gần đây. “Thời gian tới, xã Bok Tới sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, tiềm lực kinh tế của địa phương để bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân. Qua đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện chương trình OCOP, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn…”, Chủ tịch UBND xã Bok Tới Đinh Giang Sang nhấn mạnh.

Những năm qua, huyện Hoài Ân luôn cố gắng thực hiện tốt công tác huy động vốn để đầu tư các công trình dân sinh, phúc lợi. Đồng thời xác định cơ sở hạ tầng giao thông là “bà đỡ”, tạo sức bật cho các địa phương phát triển kinh tế, nhất là đối với ba xã vùng cao Đăk Mang, Bok Tới, Ân Sơn. Đặc biệt là việc huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ, đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, nhất là những địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, cần tăng cường thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động dân tộc thiểu số được tiếp cận, vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp địa phương, từ đó đẩy nhanh quá trình hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.