Cuộc gặp sau ba tuần
Sau ba tuần giãn cách, ông Staven (người Canada) mới đưa con chó của mình ra biển. Ông ngồi ngắm nó chơi, bơi biển, chạy dọc bờ cát. Không còn chỗ ngồi tốt như trước, mọi dịch vụ hầu như chưa mở, cũng không có khách nào, những chiếc ghế dài gác lên, đệm đã được tháo đi.
Từ một hướng khác, phía một khách sạn ven biển An Bàng, ông Robert (người Anh) đang đi ngược lại. Trước khi giãn cách xã hội, vợ chồng ông Robert và ông Staven hay gặp nhau vào mỗi chủ nhật, cùng ngồi một quán cà-phê. Câu chuyện của những người ngoại quốc xa nhà được kết nối qua một chú chó. Vợ Robert rất thích chơi với chú chó của Staven. Nhưng lần này, Robert ra biển chỉ có một mình.
Đến gần ông Staven, ông Robert vẫn giữ khoảng cách hai mét... chào nhau. “Ông là người đầu tiên tôi gặp. Đừng đứng đó nữa”, ông Staven nói, gõ tay xuống mặt ghế, ra hiệu cho ông Robert ngồi cạnh mình, “Vợ ông đâu?”. Ông Robert khẽ thở dài, nói: “Vợ tôi đã mất hai tuần tại Bệnh viện Đà Nẵng. Tôi chờ chuyến bay sắp tới, đưa bà về quê”.
Trước sự kinh ngạc của người bạn, ông Robert trầm, buồn: “Vợ tôi mất do căn bệnh nhiễm trùng huyết (sepsis). Bà ấy đã sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài. Tuổi của bà ấy cũng đã cao. Thi thể của bà đã được hỏa táng. Khi có chuyến bay về nước, tôi sẽ đem tro cốt của bà về Anh”.
Ông Robert cùng vợ đến Hội An ngày 12-2. Kỳ nghỉ mà ông bà xác định chỉ trong ba tháng. Nhưng chuyện không may đã xảy ra, dịch Covid-19 càng ngày càng lan rộng, mọi chuyến bay đến - đi đều bị đóng. Ngay khi vợ trở bệnh, một tuần trước khi giãn cách xã hội, ông đã tìm chuyến bay về nước nhưng quá khó khăn. Sự nhỡ nhàng đó khiến bà đã trút hơi thở cuối cùng trong chuyến du lịch xa nhà.
Tính đến nay, ông Robert ở đây cũng được hơn mười tuần: “Những tuần đầu tiên vẫn đông. Nhưng rồi mỗi ngày một vắng người”. Hai tuần sau khi vợ mất, ông Robert cảm thấy cần phải ra khỏi nhà để gặp ai đó. “Đã lâu, khách sạn tôi ở không có người mới đến. Vắng lặng. Tôi đã nhớ ra ông ở bờ biển này. Tôi không muốn nói câu chuyện buồn của tôi. Nhưng vì ông đã hỏi... Mọi việc với tôi giờ đã ổn? Tôi rất ổn”, ông Robert nói với ông Staven.
Vắng khách, những cửa hàng vẫn chưa mở lại.
Mọi ngã ba đều có ba điểm
Sau ba tuần giãn cách xã hội, các quán cà-phê, nhà hàng ven biển An Bàng vẫn chưa xác định mở trở lại. Chưa có khách du lịch mới. Ông Staven nói: “Mỗi sáng nhìn con số thống kê bệnh nhân của dịch Covid-19 trên thế giới lại khiến tôi bất an”.
Mẹ ông đã gọi ông trở về nước. “Tôi đã rất lúng túng về chuyện đó. Tôi có con chó ở đây. Tôi mua thức ăn để trong tủ lạnh. Tôi đã chuẩn bị tươm tất. Tôi nói mẹ tôi rằng, tôi giữ khoảng cách, bà cũng phải giữ khoảng cách. Nhưng bà nghĩ rằng, y tế Việt Nam không tốt bằng Canada. Bà lo lắng rất nhiều”, ông Staven thừa nhận.
Việc ở Việt Nam cuối cùng lại là một điều an lành. “Khi mới đến đây ở, tôi cũng nghĩ như mẹ tôi. Nhưng khí hậu ở đây tốt. Người dân cũng niềm nở. Chúng tôi có những kết nối với người các nước, người dân địa phương nên mỗi ngày thêm suy nghĩ gắn bó”.
Nỗi lo lắng đã chuyển lo lắng về quê nhà Staven. Mẹ ông đã yên tâm về ông, nhưng đến lượt ông không yên tâm về mẹ: “Mỗi tuần có người đến dọn nhà cho mẹ tôi hai lần. Có người đưa thức ăn đến nhà. Đó là những tiếp xúc quá gần”. Đến nay, tại Canada, số người nhiễm dịch đã lên hơn 60 nghìn người. Ở Việt Nam chưa đến 300 người. “Đó là con số, chỉ là con số. Nhưng mọi thứ đang được nới lỏng ở đây. Còn ở Canada đang tăng thêm thời gian giãn cách xã hội”, ông Staven nói.
“Hiện tại, tôi đã thấy an toàn. Đã một tháng, tôi không gặp những người bạn nước ngoài khác dù chúng tôi chỉ ở cách một cánh đồng nhỏ xíu”.
Staven ở Việt Nam đã hai năm. Ông có nhiều người bạn cả Việt Nam và nước ngoài ở đây. Họ từng có những cuộc gặp gỡ rất vui vẻ: “Tôi đã ăn được nhiều món ăn địa phương. Thỉnh thoảng, chúng tôi mở tiệc BBQ tại nhà, đón những người bạn”. Staven nói hai năm qua cách nhìn về Việt Nam ông đã dần biến đổi, đặc biệt sau lần dịch bệnh này.
Khi Covid-19 diễn ra, Staven nói cả ông và những người bạn cũng đều từng nhận được lời khuyên quay về nhà, nhưng họ quyết định ở lại: “Chúng tôi muốn được ở lại đây, nơi ấm áp này”.
Bà Silvia, người Mỹ có chồng là người châu Á cũng nói: “Ở đây, tôi chỉ có cuốn sách du lịch Việt Nam. Nhưng, giờ đây, tôi ở đây với cát, với biển, với người yêu thương”. Sáng nào cũng vậy, ông bà ra biển, ngồi dưới cái ô bỏ không từ lúc gần trưa cho đến chiều tàn, từ thời gian chưa giãn cách, cho đến lúc giãn cách xong, họ vẫn ra biển.
“Chúng tôi đến đây để nghỉ ngơi. Chúng tôi từng đếm thời gian ngược cho chuyến trở về. Nhưng bây giờ chúng tôi không đếm thời gian nữa”, bà Silvia nói.
Còn một lý do để ở lại, là nếu trở về, bà Silvia sẽ phải xa chồng vì mỗi người sẽ về quốc gia của mình: “Thà cứ ngồi bên biển này mỗi ngày. Tôi cũng vậy, anh ấy cũng vậy. Chúng tôi không thích cuộc đời trôi xa mãi”. Việt Nam đã thành nơi gắn kết họ trong mùa dịch.
“Chúng tôi không nghĩ rằng ở lại tức là bị đặt trong tình thế khó khăn. Việt Nam, chúng tôi còn có nhau”. Hai vợ chồng nói sẽ chờ những thay đổi tiếp theo, miễn sao họ được về cùng nhau.
“Mọi ngã ba đều có ba điểm. Một người được trở lại. Một người ở đây hay trở về trên một chuyến bay khác. Rất khó lựa chọn. Tôi và bạn tôi đều đã già rồi. Chúng tôi cần bên nhau”, bà Silvia khẽ nói.
Ở An Bàng, những người nước ngoài vô tình bị kẹt lại không nhiều. Nhưng hầu hết đều đang thích ứng với cuộc sống mới. Dịch bệnh cũng dần ổn định.
“Tôi không dám đọc những bài báo về nạn dịch, không dám nhìn bảng thống kê Covid-19. Tôi có cảm giác mệt mỏi về những thông tin đó. Tôi cần phải loại nó khỏi đời sống hằng ngày”, ông Staven nói với tôi, “Chúng tôi cần ít thông tin thôi. Tôi chỉ cần chụp ảnh con chó, vườn hoa... gửi về nhà. Mẹ tôi cũng viết nhiều email cho tôi mỗi ngày. Email cứ lặp đi, lặp lại…”.
Với những người nước ngoài ở lại An Bàng, như vậy là đủ để bình yên qua mùa dịch bệnh, dù là trên mảnh đất xa lạ.