Kỳ 1: Một thị trường cạnh tranh khốc liệt
Sự phát triển nhanh chóng của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cần được giải quyết để bảo vệ và phát triển sản phẩm trong nước, cũng như xây dựng một môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh... Nếu không, chấp nhận cuộc thua ngay trên “sân nhà” là điều khó tránh khỏi.
“Chủ nhà” chỉ còn thị phần hẹp
Theo số liệu từ MarketingAI, trong nửa đầu năm 2024, thị phần của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam có sự phân chia rõ rệt giữa các nền tảng lớn, trong đó: Shopee đang dẫn đầu thị trường với khoảng 45% thị phần nhờ vào các chương trình khuyến mãi lớn và dịch vụ giao hàng nhanh; TikTok Shop đứng thứ 2 với 25% thị phần, đang tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào mô hình kết hợp giữa mua sắm và giải trí; Lazada đứng thứ 3 chiếm khoảng 15% thị phần, mặc dù có sự cạnh tranh gay gắt nhưng vẫn giữ được vị trí quan trọng trên thị trường; Tiki đứng thứ 4, với khoảng 10% thị phần; Sendo đang đứng ở vị trí thứ 5, chiếm 5% thị phần và đang gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn.
Trong 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trên thì hai sàn Tiki và Sendo có yếu tố Việt Nam. Hiện tại, Tiki đang tập trung xây dựng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng với các sản phẩm chính hãng. Tuy nhiên, dù được thành lập từ năm 2010 nhưng Tiki đang cho thấy mình "đuối sức" hơn trong cuộc đua thị phần với các đối thủ TMĐT khác, thị phần trên thị trường đã giảm từ 12% của năm 2023 xuống 10% năm 2024. Bức tranh kinh doanh của Tiki phần nào được thể hiện qua số liệu đưa ra tại báo cáo tài chính của VNG - "kỳ lân" công nghệ Việt Nam. Trong hồ sơ gửi cho Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) năm 2023, VNG đã thể hiện cơ cấu cổ đông hiện hữu. Theo đó, VNG Limited - tổ chức nước ngoài có trụ sở tại quần đảo Cayman, nắm 49% cổ phần trực tiếp trong VNG Corporation - công ty đang hoạt động tại Việt Nam sở hữu các nền tảng như Zalo, Zing MP3…
Sendo thành lập năm 2012, là dự án TMĐT của Công ty CP Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online). Tuy nhiên, đến nay FPT không sở hữu đa số phần vốn tại Sendo. Hiện tại, cổ đông nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu sở hữu của Sendo, với các nhà đầu tư từ Singapore, Nhật Bản và các quốc gia khác.
Như vậy, về bản chất, việc xuất hiện của cổ đông Việt trong các sàn trên chỉ mang tính đại diện. Thực tế, các sàn TMĐT giờ đã trở thành “miếng bánh” của nhiều “ông lớn” chuyên kinh doanh công nghệ và thương mại điện tử của nước ngoài.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, giá rẻ ở trên các sàn TMĐT như Temu, Shein chưa hẳn do sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, quy trình sản xuất khiến giá thành hạ, mà có thể do phía nhà bán hàng không phải chịu các loại thuế, hay nói cách khác là trốn thuế.
“Tay chơi” mới nổi
Temu là một “tay chơi” mới nổi trên thị trường TMĐT Việt Nam, nhờ vào chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Temu chưa đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và đang tận dụng sự phát triển nhanh chóng của thị trường TMĐT Việt Nam để mở rộng hoạt động.
Ngày 22/10, Temu mở đăng ký chương trình tiếp thị liên kết (affiliate) cho người dùng trong nước. Một số sản phẩm trên Temu có thể giảm giá tới 80% so với sản phẩm cùng loại trên các sàn TMĐT bán lẻ khác.
Đây là mức rất cao so với các sàn TMĐT khác ở Việt Nam đang chi trả. Tuy nhiên, mô hình quảng cáo dạng này có thể khiến nhiều người mua phải hàng hóa kém chất lượng, gia tăng hiện tượng "link bẩn" trên mạng xã hội.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) ước tính, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này tăng hơn 25% so với năm 2022 và đạt 25 tỷ USD. Đây là tốc độ phát triển TMĐT cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.
Tới nay, Temu đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện, cáo buộc vi phạm bản quyền, gian lận và rò rỉ thông tin khách hàng. Đáng chú ý nhất là vụ kiện của Shein, một nhà bán lẻ thời trang lớn cũng có xuất xứ Trung Quốc. Vụ kiện được khởi động vào cuối tháng 8/2024 tại tòa án liên bang Washington, D.C. Trong đơn khiếu nại, Shein cáo buộc Temu, thuộc sở hữu của tập đoàn PDD Holdings, đang "ngụy trang" thành một thị trường trực tuyến hợp pháp, khuyến khích người bán trên sàn đánh cắp thiết kế từ các thương hiệu khác. Ngoài ra, Shein còn tố cáo Temu giả mạo trang TMĐT này trên mạng xã hội X nhằm mục đích "lôi kéo khách hàng". Temu đã kiện ngược lại Shein, cáo buộc rằng Shein sử dụng các biện pháp không công bằng để ngăn cản các nhà sản xuất hợp tác với Temu, bao gồm việc ép buộc các nhà sản xuất ký cam kết không làm việc với Temu.
Temu cũng phải đối mặt với một số vụ kiện tập thể từ người tiêu dùng, cáo buộc vi phạm quyền riêng tư và sử dụng các hoạt động lừa dối để thu thập dữ liệu cá nhân. Vụ kiện đầu tiên được đệ trình tại tòa án quận Đông New York vào tháng 9/2023. Nguyên đơn là Eric Hu thay mặt cho những người khác đã đưa ra đề xuất khởi kiện tập thể, cáo buộc Temu thu thập thông tin cá nhân của khách hàng và không bảo đảm an toàn thông tin người tiêu dùng. Eric Hu cáo buộc Temu "không tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn bảo mật và để thông tin tài chính của khách hàng bị xâm phạm. Tất cả đều vì mục đích tiết kiệm tiền của Temu khi sàn TMĐT này cắt giảm các biện pháp bảo mật có thể ngăn ngừa hoặc giảm thiểu vi phạm".
Vụ kiện tập thể thứ hai bắt đầu vào tháng 11/2023, đơn kiện được đệ trình tại tiểu bang Illinois (Mỹ) bởi công ty luật Hagens Berman, thay mặt cho 7 nguyên đơn được nêu tên từ các tiểu bang Illinois, California, Massachusetts và Virginia - và những người khác nhưng không nêu tên. Vụ kiện cáo buộc Temu vi phạm quyền riêng tư của khách hàng bằng cách thu thập dữ liệu cá nhân và sử dụng các hoạt động "lừa dối" và "vô đạo đức" để truy cập dữ liệu đó.
Các luật sư của nguyên đơn trong vụ kiện tuyên bố phát hiện ra ứng dụng này cố tình và có chủ đích tải các công cụ để thực hiện các hoạt động phần mềm độc hại, phần mềm gián điệp nguy hiểm trên thiết bị của người dùng. Các luật sư quy kết Temu đánh lừa người dùng về cách sử dụng dữ liệu. Ngoài ra, Temu còn có một số tai tiếng khác như không có các biện pháp kiểm tra và tuân thủ luật pháp để ngăn chặn và loại bỏ các sản phẩm có được do lao động cưỡng bức, chất lượng dịch vụ kém, văn hóa làm việc khắc nghiệt...
Những yếu tố trên phơi bày sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường TMĐT bán lẻ, đặc biệt là khi tốc độ phát triển của ngành này tại Việt Nam đang được đánh giá đứng tốp 5 thế giới. Việc cạnh tranh là tất yếu để phát triển, để tạo ra một môi trường tiêu dùng mở rộng hơn, tốt hơn, nhiều lựa chọn hơn cho người dân. Tuy nhiên, nếu thiếu các biện pháp quản lý sát sao, nếu không xử lý chặt chẽ ngay từ đầu thì thương mại điện tử có thể đang dần trở thành một quả bom, một vấn đề lớn khó gỡ...
Sau ba quý đầu năm 2024, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 227.700 tỷ đồng, tương đương 8,9 tỷ USD mua hàng trên 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo. Cụ thể, tổng doanh số đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ 2023, với 2,43 triệu sản phẩm được bán ra, tăng 49,8% so với cùng kỳ 2023. Riêng quý III, đóng góp 84.750 tỷ đồng, tăng 15,9% so với quý III/2023 với 897 triệu sản phẩm.
Khó xác định chất lượng sản phẩm
Là người hơn 10 năm kinh doanh trên các sàn TMĐT, anh Nguyễn Văn Thắng (Xuân Đỉnh) cho Thời Nay biết: Với quy trình kiểm soát chất lượng như hiện nay thì khó có thể biết đâu là hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng khi mua hàng qua sàn TMĐT.
“Các sản phẩm bán trên sàn TMĐT thường cạnh tranh về giá rất khốc liệt, nên đa phần xu hướng chọn hàng của chủ shop là hướng đến giá rẻ. Họ chấp nhận bất cứ hàng gì miễn là giá rẻ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng sẽ không bảo đảm được chất lượng. Thậm chí cùng một loại hàng nhưng những sản phẩm được bán trên sàn TMĐT sẽ được sản xuất riêng, giảm lượng, giảm chất”, anh Thắng nói. “Trước đây lợi nhuận khoảng 15%, giờ 5% đã khó. Rồi còn đối mặt với việc trả hàng nhiều với hàng loạt các chiêu hút khách của sàn TMĐT”, anh Thắng nói và cho biết, chính những thực tế đã ép doanh nghiệp phải tự “biến chất” sản phẩm của mình khi lên sàn. Như vậy, người tiêu dùng, người làm ăn chân chính sẽ là người “lãnh đủ” mọi hậu quả từ làn sóng kinh doanh này.
Không thể phủ nhận vai trò của TMĐT trong thời đại mới, nhưng bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận, không ít doanh nghiệp đã lao đao khi ứng dụng mô hình này. Bởi lẽ, mức giá rẻ đến mức ngay cả nhà sản xuất như bà cũng chưa từng nghĩ có thể sản xuất được loại sản phẩm đó với các tiêu chuẩn đặt ra. Nếu không tỉnh táo trước những “chiêu trò” cạnh tranh không lành mạnh thì vô hình trung đang đẩy doanh nghiệp Việt xuống dốc.
Hiện tại, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, với tốc độ tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm. Cụ thể, theo số liệu từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực TMĐT tăng hơn 25% so với năm 2022, đạt 25 tỷ USD. Trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD, TMĐT chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Theo báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam dự kiến đạt 39 tỷ USD vào năm 2025.
Trao đổi với Thời Nay, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam Nguyễn Đăng Sinh khẳng định, thực tế thời gian qua cho thấy, phần lớn hàng hóa mua qua sàn là hàng kém chất lượng, thậm chí là hàng hết date, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
“Tôi cũng đã cảnh báo nhiều lần rồi, khi hiện nay chúng ta chưa kiểm soát hết được những mặt hàng bán cả trên sàn và mạng xã hội. Hàng hóa thường được cất giữ trong khu dân cư, hoặc các kho ở xa ngoại ô… máy chủ đặt ở nước ngoài, như ở Trung Quốc, Campuchia, Malaysia… khiến cho việc kiểm tra, xử lý gặp khó khăn. Đây là lỗ hổng pháp lý chưa giải quyết được nhiều năm nay”, ông Sinh nói.
Riêng với sàn TMĐT, ông Sinh cho biết, hiện đang hoạt động theo hình thức, đơn vị chủ quản của sàn đó có trách nhiệm quản lý và cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm khi thực hiện thủ tục đăng ký cấp phép với Bộ Công thương. Còn cơ quan quản lý sẽ quản lý theo các quy định được đề ra ở Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP. Đây cũng là hai căn cứ quan trọng nhất để xử lý vi phạm hành chính với các sàn TMĐT hoạt động mà không thông báo tại Việt Nam.
Việc tăng trưởng mạnh, trong bối cảnh không kiểm soát được chất lượng, theo lãnh đạo Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam, người tiêu dùng đã phải ngậm đắng nuốt cay khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí là bị lừa đảo khi tham gia giao dịch trên sàn TMĐT.
(Còn nữa)