Bí ẩn về ngôi mộ cổ Ấu Xam Hang

Nằm giữa khoảng ruộng bậc thang bản Eo Kén, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, Thanh Hóa có một số cột đá lô nhô, dấu tích của khu mộ cổ đã bị khai phá thành ruộng lúa dạng bậc thang. Trong số các cột đá đó, có một cột cao khoảng ba mét, vươn hẳn lên so các cột đá khác, trồng bên cạnh một mô đất rộng hơn bờ ruộng. Người trong bản gọi là mả Mụ Pa Hang (theo tiếng Mường) và Ấu Xam Hang (theo tiếng Thái), có nghĩa là mộ bà Ba Hang. 

Chiếc cột đá được coi là dấu tích ngôi mộ cổ.
Chiếc cột đá được coi là dấu tích ngôi mộ cổ.

Những cột đá bí ẩn

Nhiều người không còn biết nguồn gốc, sự tích của người nằm dưới mộ là ai. Người già cũng chỉ nghe nói, đó là một người quyền quý, có quan hệ thân thích với vua chúa, đã từng sống trong nhiều hang đá. Cách đây vài chục năm, khu đất này còn là một nghĩa địa cổ, trong rừng cổ thụ rất uy nghiêm.

Vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào khai hoang, sản xuất lương thực diễn ra sôi nổi, bà con xã viên HTX Eo Kén đã cải biến vùng đất xưa là nghĩa địa cổ thành khu ruộng bậc thang để cấy lúa, trồng hoa màu. Trong quá trình khai khẩn, các cột đá chôn bị chuyển đi, chỉ còn những cột đá trùng hợp với vị trí bờ ruộng được giữ lại.

Theo lời kể của người cao tuổi trong bản, ngôi mộ  Mụ Pa Hang to, rộng hơn hẳn các ngôi mộ khác. Chung quanh có các cột đá chôn cao ngất. Cột đá ở phía đầu cao mười bốn thước tây. Cột đá còn lại bây giờ, chôn bên sườn phải, bị một thân cây lớn đổ sập xuống, làm gãy mất một đoạn, khoảng một phần ba, thế mà hiện nay vẫn còn cao như thế. Thấy hiện tượng lạ, đã nhiều người tò mò, tìm hiểu nguồn gốc. Tuy nhiên, đến khi chúng tôi phát hiện ra các văn bản chữ Thái cổ lưu giữ tại gia đình ông Ngân Văn Quẹt, hậu duệ của ông quan Kén - ông tổ khai sinh ra bản Kén, bí mật này mới được làm sáng tỏ.

Đi tìm chủ nhân ngôi mộ cổ bằng sử Thái

Trong sách chữ Thái cổ lưu giữ ở bản Eo Kén, có hai tài liệu quan trọng, liên quan đến lịch sử. Một là “Kể chuyện Mường Khoòng”, nói về ông quan Dộc nuôi mẹ con vua Chổm trong hang đá và có công giúp sức với ông Mường Khoòng phò tá vua Lê, chúa Trịnh (báo Thời Nay đã có bài viết về câu chuyện này). Hai là biên bản ghi chép về việc ông Mường Ánh Phạm Bá Tiến, tặng phần đất vùng nguồn suối Pứng cho ông quan Dộc đến khai phá, lập ra bản Kén. Hai tài liệu này có liên quan đến nhau, đều nói về nhân vật quan Dộc và nằm trong chuỗi các sự kiện về thời vua Lê Trang Tông mở đầu công cuộc trung hưng nhà hậu Lê. 

Sách “Kể chuyện Mường Khoòng”, bắt đầu từ chuyện kể về việc quan Dộc che giấu, trộm nuôi hai mẹ con vua Chù Chốm trong hang đá. Đoạn kể tóm tắt như sau: Bản Dộc xưa vốn thuộc vào đất cai quản của ông Mường Khoòng Hà Thọ Tường. Ở đây có một người giỏi giang, trung hậu, nên được tôn làm tạo bản, còn gọi là quan bản Dộc (chưa rõ họ tên). Một hôm ông quan Dộc đang cày ruộng thì thấy có người đàn bà chửa tìm đến, xin được cứu giúp vì gia đình bị kẻ gian hãm hại, chỉ còn sót lại giọt máu trong bụng. Thấy người phụ nữ có phong thái đoan trang, cao quý, ông bèn sai người nhà đưa giấu vào một hang núi, chăm sóc chu đáo.

Có lần, quan Dộc bí mật kể chuyện với ông tạo Mường Khoòng. Ông Mường Khoòng lại mật báo lên ông Liêm Quốc công là một quan lớn của triều đình đang mộ binh trong vùng. Ông Liêm Quốc công khuyên: “Hãy tiếp tục nuôi giấu, chờ đứa bé được sinh ra. Nếu mang thai 12 tháng, sinh ban ngày và là bé trai, có thể ứng với điềm lạ về sao Thái vương tỏa sáng gần đây chăng?”. 

Quả nhiên, người phụ nữ sinh hạ một bé trai khôi ngô tuấn tú vào cuối ngày nhưng mặt trời vẫn rực sáng. Cậu bé được đặt tên là Lê Duy Ninh, dân bản gọi là Chù Chốm (hay Chúa Chổm), sau này là vua Lê Trang Tông. 

Khoảng năm Lê triều thứ 8 (1541), quan tạo Mường Ánh (xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa) bị phạt vạ rất nặng vì tội làm chết con voi của triều đình. Nguyên do là con voi của nhà vua trên đường đánh giặc phải chở quá nặng, leo qua dốc Chạng Háy đã khó nhọc đến chảy nước mắt, mà quản tượng vẫn thúc đi. Đến dốc Kéo Đó thì voi già kiệt sức, ngã xuống vực mà chết. Voi bị chết trên đất Mường Ánh, nên viên quản tượng mượn cớ vu họa cho ông tạo mường này đi săn rồi bắn chết voi của nhà vua. 

Dân Mường Ánh bị phạt vạ, phải đền một con voi to như voi thật, thân bằng đồng, vòi bằng bạc, ngà bằng vàng. Lấy tre nứa đan hình nộm voi, đem hết của cải trong mường ra để phủ lên, nhưng chiếc ngà voi bằng vàng thì cả mường không thể kham nổi. Ông tạo Mường Khoòng khuyên nên cầu cứu bố nuôi của nhà vua. Ông quan Dộc bằng lòng, dặn quan tạo Mường Ánh sắm sửa quà cáp, rồi đi. 

Đến hành dinh Yên Trường (huyện Thọ Xuân), hai người xin vào gặp vua thì bị quân lính ngăn lại. Ông quan Dộc bèn đứng ngoài gọi toáng lên: “Chù Chốm ơi, Chù Chốm ơi! Bố đến tìm mày đây này”. Quân lính ùa ra bắt lại. Quan Dộc bảo: “Bắt cũng được, nhưng hãy đem mấy thứ này vào cho nhà vua đi, kẻo hỏng hết”. Rồi ông chỉ vào một con hon, một đôi sóc, hai cái hoa chuối rừng, hai bó gừng, hai gói chẻo tời đã chuẩn bị sẵn, vốn là những món ăn ưa thích của Chúa Chổm khi xưa. Quân lính đem quà vào, nhà vua nhận ra ngay bố nuôi mình, bèn chạy ra ngoài đón rước vào. Vua nghe bố kể chuyện, bèn minh oan cho tạo Mường Ánh, rồi tặng hai người rất nhiều quà, đưa trở về quê cũ. 

Tạo Mường Ánh mang ơn, định trả công cho quan Dộc rất nhiều thứ quý giá, nhưng quan Dộc không nhận gì cả, mà nói: “Chỉ muốn thứ gì ăn không hết, làm không xong”. Tạo Mường Ánh hiểu ý là quan Dộc muốn lấy đất, liền đồng ý cho quan Dộc tự đi kén chọn lấy vùng đất thuộc nguồn suối Pưng. Tạo Mường Ánh Phạm Bá Tiến làm biên bản bàn giao, có in bàn tay của tạo bản Xại, bản Khoa và tạo Ca Da làm chứng. Quan Dộc đưa người nhà đến khai phá vùng đất mới, lập nên bản, đặt tên là bản Kén.

Bà Ba Hang có phải là mẹ của vua Chổm?

Mặc dù con làm vua, nhưng mẹ vua Chổm không theo con ra mà vẫn ở lại đất cũ. Khi chuyển sang bản Kén, người ta cũng không biết rõ thân phận và tên thật của bà, chỉ biết rằng, bà này đã từng sống trong nhiều hang đá, nên người ta gọi là bà Ba Hang (tiếng mường bản Kén gọi là Mụ Pa Hang, tiếng Thái Mường Khoòng gọi là Ấu Xam Hang). Do uy tín của nhà quan Dộc đối với mường, với nước rất lớn, nên khi bà mất, người ta làm lễ mai táng rất trọng thể và chôn các cột đá chung quanh mộ thật cao. Nghe nói, các phiến đá mộ này phải khiêng, kéo, lấy từ bản Dộc sang. 

Khu ruộng bậc thang có dấu tích các ngôi mộ cổ tại bản Eo Kén Do đã lâu đời, nghĩa địa cổ trở thành vô chủ. Các ngôi mộ không còn người chăm sóc. Câu chuyện kể theo phong cách dân gian, nhưng lại có chứng tích rất ấn tượng và được ghi chép trong một cuốn sách quý, bảo bối của một gia tộc. Cuốn sách này đã được sao ra thành nhiều bản để lưu giữ cho đời sau (chúng tôi đã phát hiện ra ba bản chép giống nhau). Điều đó có cơ sở để đưa ra phỏng đoán: Vua Chù Chốm hay vua Chổm là tên gọi dân gian của vua Lê Trang Tông, người khởi đầu thời kỳ Lê Trung hưng, đã được quan Dộc nuôi dưỡng trong hang đá.

Thời điểm đó, tạo Mường Khoòng là ông Khun Ha (tên thật là Hà Nhâm Chính, sử sách chép là Hà Thọ Tường). Ông được phong tước Thụy Quận công, chức Tư đồ nội dinh, vì có công chiêu mộ và liên kết nhân dân ở Mường Hạ, Mường Mộc, Mường Sang, Mường Xôi, Mường Thàng… Ông vốn người Phú Thọ, rất có thể, được các trung thần nhà Lê sai phái trở về Pù Luông lập căn cứ, mộ quân và tích lương từ trước khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi. Sử Thái ghi nhận ông có công nuôi giấu vua Lê Trang Tông từ thuở hàn vi, lại giúp tìm được ấn ngọc tỉ ở suối Nủa để nhà vua lên ngôi. 

Cũng có thể, sau khi tập hợp lực lượng tại Mường Khoòng dưới sự nâng đỡ của Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm, Hà Nhâm Chính..., Lê Trang Tông chuyển sang Lào để củng cố lực lượng rồi mới chuyển về vùng Thọ Xuân. Hoặc giả, thời ấy, người ta quan niệm vùng rừng núi phía Tây có tộc người Lào - Thái đang sinh sống, gộp chung lại là Ai Lao, thì căn cứ vua Lê Trang Tông dựng nghiệp rồi kéo thẳng về vùng bán sơn địa Thọ Xuân chính là Mường Khoòng (thuộc huyện Bá Thước ngày nay).

Hiện nay, dòng họ Phạm ở Mường Chẹ (Ngọc Lặc), hậu duệ của Phạm Sát (được phong quốc tính là Lê Sát) vẫn đang còn thờ bà cố tổ Phạm Thị Ngọc Quỳnh, nhưng không biết mộ của bà ở đâu. Sau 500 năm, ngôi mộ của mẹ vua Lê Trang Tông vẫn còn đó, trên mảnh đất Eo Kén của đại ngàn Pù Luông.