Bắt tay nhà trường, địa phương và doanh nghiệp

Nhằm đào tạo nghề, tạo việc làm chất lượng cho lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) và các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã phối hợp với từng địa phương để triển khai. Đây là mô hình được đánh giá sẽ tạo cơ hội học tập, có kỹ năng làm việc cho người lao động tại địa phương…
0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo nghề tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Đào tạo nghề tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.

1/Theo NGƯT, TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng HHT, thông qua mô hình hợp tác ba bên: Nhà trường - Địa phương và Doanh nghiệp, nguồn lao động và con em tại địa phương sẽ được đào tạo kỹ năng nghề, phát triển kỹ năng xã hội và được giới thiệu việc làm trong và ngoài nước.

HHT phối hợp cùng Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ và Phát triển nhân lực Toàn cầu 88 ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với huyện Phú Xuyên và Mỹ Đức đào tạo các khóa học nghề (thuộc lĩnh vực Điện - Điện tử, Cơ khí, Nông nghiệp - Tài nguyên - Môi trường) dành cho học sinh và con em tại địa phương, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. HHT sẽ bố trí đội ngũ giảng viên có chuyên môn và trang thiết bị học tập để thực hiện khóa đào tạo; kết nối với doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp; cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Nam Hà Nội (HANSSIP)… Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ và Phát triển nhân lực Toàn cầu 88 hỗ trợ nhà trường trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến của giáo dục Hàn Quốc để thực hiện hiệu quả tối đa cho các khóa học. Cùng với đó, HHT là đối tác của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), N&G Group sẽ là điểm đến tạo việc làm cho người lao động…

2/Còn địa phương sẽ cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, giải quyết việc làm cho nhà trường và phía doanh nghiệp, công ty hợp tác; thông tin, tuyên truyền về khóa học tới phụ huynh, học sinh và con em tại địa phương. Về kinh phí đào tạo, sẽ theo chính sách miễn giảm của Nhà nước áp dụng cho một số nghề, cộng với nguồn kinh phí hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức, các địa phương… Đồng hành với HHT, đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết, nguồn nhân lực của Việt Nam rất tiềm năng, nên việc đào tạo thành công sẽ tạo cơ hội cho người lao động có việc làm tại các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, sẽ giới thiệu sang làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc nếu có tay nghề phù hợp.

Đánh giá về mô hình của HHT, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai cho biết, là huyện thuần nông nên thiếu việc làm và có nhu cầu đào tạo nghề rất cao để phát triển kinh tế. Vì thế, chính quyền rất quan tâm công tác đào tạo, giải quyết việc làm và đã lựa chọn hợp tác với HHT để triển khai. “Các phòng, ban chuyên môn cần quan tâm nguồn nhân lực là bộ đội, công an xuất ngũ, cũng như các đối tượng được ghi nhớ trong bản ký kết. Ký hợp tác ghi nhớ, nhưng trách nhiệm là chính. Không để dân mất tiền học nghề lại không thành nghề… Lo được cho dân chính là hoàn thành trách nhiệm và kỳ vọng mô hình khi triển khai sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”, ông Đỗ Trung Hai nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân nhìn nhận, đây là mô hình khá sát thực nhu cầu của thị trường lao động. Hiện các doanh nghiệp, hộ sản xuất đang rất “khát” nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có tay nghề, vì hiện nếu tuyển dụng đa số chủ động phải mất thời gian, chi phí đào tạo, hoặc đào tạo lại.