Bất đồng khó tháo gỡ

Sau tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đầy gian nan, tranh cãi về việc thực hiện Nghị định thư Bắc Ireland đã trở thành “gót chân Achilles” trong quan hệ giữa EU với Anh. Đức kêu gọi Anh và EU sớm giải quyết thỏa đáng những bất đồng về vấn đề thương mại hậu Brexit.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: LISA O’CARROLL
Biếm họa: LISA O’CARROLL

Theo BBC, phát biểu ý kiến trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Anh James Cleverly vừa diễn ra tại London, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock thúc giục cả EU và Anh sớm tìm ra “giải pháp có trách nhiệm và thực tế” cho vấn đề Nghị định thư Bắc Ireland trên cơ sở các thỏa thuận hiện có. Bà cũng thẳng thắn kêu gọi Anh không hành động vi phạm luật pháp quốc tế, cảnh báo điều này sẽ gây khó khăn hơn cho việc thúc đẩy và bảo vệ trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế tại Hội đồng Bảo an LHQ. Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Anh James Cleverly tuyên bố các vấn đề của Anh liên quan nghị định thư đã tồn tại từ lâu, nhưng ông hoan nghênh các phát biểu mang tính xây dựng giữa Anh và EU, coi đây là tiền đề để hai bên có thể đạt được một giải pháp thỏa đáng trong tương lai.

Đàm phán giữa Anh và EU liên quan Nghị định thư Bắc Ireland rơi vào bế tắc từ tháng 2/2022. Nghị định thư là một phần quan trọng của thỏa thuận Brexit, cho phép Bắc Ireland nằm trong thị trường hàng hóa chung của EU nhằm tránh một biên giới cứng trên đảo Ireland. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là hàng hóa đến từ Anh sẽ phải qua thủ tục kiểm tra hải quan. Anh cho rằng không thể thực hiện nghị định thư này vì gây ra sự chậm trễ và gián đoạn đối với vận chuyển hàng hóa giữa các vùng lãnh thổ khác của Anh và Bắc Ireland.

Việc triển khai nghị định thư vấp phải sự phản đối gay gắt từ phe ủng hộ Bắc Ireland ở lại Vương quốc Anh, do lo ngại vùng này bị chia cắt với phần còn lại của nước Anh. Mâu thuẫn khiến phe ủng hộ Vương quốc Anh từ chối tham gia mô hình chính quyền chia sẻ quyền lực tại Bắc Ireland, đẩy vùng lãnh thổ này vào cảnh không có chính quyền hoạt động đầy đủ từ tháng 2/2022.

Văn phòng Thủ tướng Anh cũng cho biết, Thủ tướng Anh Rishi Sunak quyết tâm tìm cách khôi phục mô hình nghị viện chia sẻ quyền lực tại vùng Bắc Ireland sớm nhất có thể. Cuối năm 2022, ông Sunak đã gặp gỡ các đại diện năm đảng phái chính trị lớn của vùng lãnh thổ Bắc Ireland trong chuyến thăm đầu tiên tới vùng này kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Anh. Chính phủ Anh đã quyết định lùi cuộc bầu cử nhằm khôi phục hoạt động của chính quyền vùng Bắc Ireland, vốn dự kiến tổ chức trong tháng 12/2022, sang năm 2023 và chính thức ấn định ngày 19/1 tới là hạn chót để thành lập chính quyền tại đây.

Tranh cãi về Nghị định thư Bắc Ireland không chỉ là vấn đề đã làm rối loạn đời sống chính trị tại vùng Bắc Ireland, mà còn đẩy Anh vào thế đối đầu với cả EU và CH Ireland. Trong khi EU kiên quyết yêu cầu triển khai đầy đủ nghị định thư thì phía Anh cảnh báo đơn phương điều chỉnh nghị định thư này. Quan hệ Anh - EU liên quan vấn đề Bắc Ireland có dấu hiệu tan băng khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tiếp người đồng cấp Ireland Michael Martin tại Anh tháng 11/2022 nhằm nỗ lực giải quyết mâu thuẫn trên.

Bên cạnh đó, sau nhiều tháng gián đoạn, Anh và EU cũng đã nối lại đàm phán cuối năm 2022 để tháo gỡ mâu thuẫn liên quan Nghị định thư Bắc Ireland. Dù chưa đạt nhất trí về nhiều danh mục sản phẩm, song sau nhiều vòng đàm phán, EU đã quyết định gia hạn giai đoạn miễn áp dụng quy định mới hậu Brexit để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển thuốc thú y từ Anh sang Bắc Ireland và xuất khẩu sang một số nước thành viên EU trong ba năm tiếp theo. Ủy viên châu Âu phụ trách giám sát quan hệ EU và Anh Maros Sefcovic cho biết, giai đoạn miễn quy định này sẽ được áp dụng không chỉ với các sản phẩm từ lục địa Anh sang Bắc Ireland mà còn sang các nước thành viên EU gồm Ireland, CH Cyprus và Malta.

Theo các nhà phân tích, với những bất đồng chưa thể hóa giải như trên, tranh cãi về việc thực hiện Nghị định thư Bắc Ireland trở thành “gót chân Achilles” trong quan hệ giữa EU với London. Việc thu hẹp bất đồng, sớm tìm được tiếng nói chung đang là nhiệm vụ cấp thiết của Chính phủ mới ở Anh cũng như của các nhà lãnh đạo “mái nhà chung châu Âu”.