Dù đã được dự đoán trước, song chính sách thuế quan được Tổng thống Trump công bố hôm 3/4 vẫn tạo nên “cơn sốt” lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Mức thuế cơ sở 10% được áp đặt với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ (từ ngày 5/4) và “thuế đối ứng” được áp dụng với hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ (từ ngày 9/4), tùy theo mức thâm hụt thương mại với Mỹ, trong đó mức thuế cao nhất tới gần 50%. Trong danh sách áp thuế có tên hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ, ở khắp các châu lục, từ những “đối thủ” cạnh tranh thương mại tới các nước láng giềng ở Bắc Mỹ, các đồng minh châu Âu bên kia bờ Đại Tây Dương và cả những đối tác truyền thống ở châu Á...
Giới chức Nhà trắng giải thích rằng, việc áp thuế là nhằm giảm thâm hụt thương mại và bảo vệ ngành công nghiệp của Mỹ. Chính sách thuế quan mới sẽ mang đến “cú huých lớn” cho nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn, bởi đây là công cụ tạo nguồn thu, bù đắp cho việc giảm thuế thu nhập và thúc đẩy sản xuất trong nước. Theo Cố vấn Thương mại Mỹ Peter Navarro, thuế quan có thể mang lại cho ngân sách Mỹ mỗi năm 600 tỷ USD và đây là khoản tiền rất lớn.
Công bố một loạt mức thuế mới, Mỹ cũng kêu gọi các đối tác không gia tăng căng thẳng bằng biện pháp áp thuế đáp trả. Nhà trắng tuyên bố sẽ đàm phán với tất cả các đối tác thương mại nhằm giảm tác động của chính sách thuế quan của Mỹ.
Tuy nhiên, các nước bị áp thuế đã phản đối mạnh mẽ, cảnh báo biện pháp đơn phương của Mỹ gây xáo trộn và phá vỡ những nguyên tắc chung được thống nhất trong thương mại quốc tế. Khẳng định mức thuế của Mỹ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế thế giới, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi hành động thống nhất toàn khối để đáp trả bằng “các biện pháp pháp lý, chính đáng và tương xứng”. Tuy nhiên, EU vẫn ưu tiên đàm phán khi tuyên bố “chưa quá muộn để giải quyết các mối quan ngại thông qua đối thoại”.
Trung Quốc chỉ trích động thái áp thuế của Mỹ vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), gây tổn hại hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và khẳng định “chiến tranh thương mại không có bên thắng cuộc” và chủ nghĩa bảo hộ không phải giải pháp. Song, thực hiện biện pháp cần thiết bảo vệ lợi ích chính đáng, Trung Quốc tuyên bố áp mức thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, tương đương “thuế đối ứng” Mỹ áp dụng với hàng hóa Trung Quốc. Tương tự, tuyên bố không áp dụng mức thuế trả đũa lớn hơn, song Canada áp dụng cách tiếp cận của Mỹ và phản ứng bằng tuyên bố áp thuế 25% đối với các loại xe nhập khẩu từ Mỹ không tuân thủ Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (UNMCA)…
WTO phát đi cảnh báo về “tác động đáng kể” từ biện pháp thuế quan của Mỹ đối với triển vọng tăng trưởng thương mại và kinh tế toàn cầu. Theo Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala, mức thuế Mỹ áp dụng có thể khiến tổng khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu giảm 1% trong năm nay. Căng thẳng nếu leo thang thành cuộc chiến thuế quan với các biện pháp trả đũa lẫn nhau sẽ khiến thương mại toàn cầu còn suy giảm mạnh hơn nữa.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nêu bật những “rủi ro đáng kể” đối với kinh tế thế giới, xuất phát từ biện pháp “thuế đối ứng” của Mỹ. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh, bước đi của Mỹ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại, làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và đẩy lạm phát lên cao.
Theo đánh giá của ngân hàng, mức thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Trump đã khiến tổng thuế suất tích lũy của Mỹ tăng lên 22% và là mức lớn nhất kể từ năm 1968. Lo ngại về khả năng các đối tác của Mỹ tung đòn trả đũa thương mại, cũng như nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và tâm lý bất ổn trên thị trường, JPMorgan đã nâng dự báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu từ mức 40% lên 60%.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng nêu quan ngại về tác động tiêu cực của thuế quan đối với nền kinh tế Mỹ. Theo giới chức FED, do ảnh hưởng của thuế quan và thay đổi chính sách, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại, ở mức vừa phải trong năm nay, trong khi lạm phát duy trì ở mức cao. Việc đánh thuế nguyên liệu sản xuất, như nhôm và thép, sẽ đẩy chi phí đầu vào lên cao, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều ngành công nghiệp, nhất là sản xuất ô-tô. Qua đó, giá xe có thể tăng đáng kể, chi phí trong các lĩnh vực liên quan như bảo hiểm, cho thuê và sửa chữa xe tăng theo.
Một số chuyên gia chỉ rõ, biện pháp thuế quan như “dao hai lưỡi” với chính nền kinh tế Mỹ. Mục tiêu giảm thâm hụt thương mại, tạo động lực mới cho nền kinh tế Mỹ còn chưa rõ, nhưng trên thực tế, thuế quan đã làm rung chuyển thị trường, đẩy người tiêu dùng Mỹ vào tình cảnh khó khăn do giá cả leo thang. Mức thuế mới nhằm vào nhiều mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, như thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ điện tử. Vì thế, giá hàng hóa cao do thuế nhập khẩu và chuỗi cung ứng gián đoạn sẽ làm giảm sức mua và ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách các gia đình tại Mỹ.