“Cơn địa chấn” toàn cầu

Các quốc gia và nhà sản xuất xe hơi trên thế giới đang bày tỏ quan ngại sâu sắc trước kế hoạch áp thuế 25% đối với ô-tô nhập khẩu của Mỹ, cảnh báo động thái này có thể tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, gia tăng rủi ro lạm phát và gây bất ổn trên thị trường tài chính.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: RAMÓN DÍAZ YANES
Biếm họa: RAMÓN DÍAZ YANES

Ngày 26/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch áp thuế nhập khẩu 25% với ô-tô và phụ tùng ô-tô nhập khẩu, cao gấp 10 lần hiện tại. Thuế mới sẽ có hiệu lực ngày 3/4 tới, sẽ đánh thuế vào các mặt hàng quan trọng như động cơ, hộp số, hệ thống truyền động và linh kiện điện tử. CNN dẫn lời Thư ký Nhà trắng Will Scharf cho hay, chính sách thuế mới sẽ giúp ngân sách Mỹ thu thêm hơn 100 tỷ USD mỗi năm.

Ngay lập tức, ngành công nghiệp ô-tô và thị trường tài chính toàn cầu đã rung chuyển sau quyết định áp thuế mới của chính quyền Mỹ. Động thái này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các đối tác thương mại lớn, với các biện pháp trả đũa đang được cân nhắc.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba khẳng định kế hoạch thuế quan của Mỹ sẽ gây "tác động cực kỳ lớn" đối với nền kinh tế nước này, do xuất khẩu ô-tô là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Phát biểu ý kiến trước Quốc hội ngày 28/3, ông Ishiba nhấn mạnh Nhật Bản sẽ tìm ra phương thức hiệu quả để thuyết phục Washington rằng chính sách này không mang lại lợi ích cho nền kinh tế “đầu tàu” thế giới, đồng thời bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đàm phán để tìm kiếm giải pháp.

Còn tại Hàn Quốc, Viện Chính sách kinh tế quốc tế (KIEP) nhận định, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng có thể gây áp lực lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, khiến lạm phát tăng cao và tỷ giá hối đoái bất ổn. Trong cuộc họp do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng cuộc chiến thuế quan không thể giải quyết căn bản tình trạng dư cung và tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới, mà còn gây thêm bất ổn cho thị trường tài chính.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại thương Brazil Tatiana Prazeres cảnh báo, thương mại toàn cầu đang có nguy cơ bị "vũ khí hóa" sau những chính sách thuế gây tranh cãi của Mỹ. Phát biểu ý kiến tại một hội nghị thương mại ở London (Anh), bà Prazeres nhận định, thương mại đang bị sử dụng như một công cụ quyền lực, dẫn đến nhiều rủi ro khó lường. Chính phủ Brazil khẳng định sẽ duy trì hệ thống thương mại đa phương và bảo vệ lợi ích quốc gia thông qua Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, nước này đang tìm cách mở rộng hợp tác thương mại với các đối tác quốc tế, đặc biệt thông qua các thỏa thuận như hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).

Về phần mình, Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô châu Âu (ACEA) cảnh báo rằng, thuế quan mới của Mỹ có thể gây tổn hại đến ngành công nghiệp toàn cầu và làm gián đoạn sản xuất ngay tại Mỹ. Tổng Giám đốc ACEA Sigrid de Vries kêu gọi chính quyền Mỹ xem xét lại quyết định này, nhấn mạnh tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và các nhà sản xuất phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu. Theo ACEA, xuất khẩu ô-tô của EU sang Mỹ đã giảm 4,6% vào năm ngoái, xuống còn 38,46 tỷ euro (41,4 tỷ USD), nhưng Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của EU.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô-tô Đức cảnh báo rằng, thuế quan của Mỹ có thể là "đòn chí mạng" cho thương mại tự do. Liên đoàn các nhà sản xuất ô-tô Đức cho biết, mức thuế 25% đối với xe nước ngoài "gây ra gánh nặng đáng kể cho các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu" trong ngành công nghiệp ô-tô, với "hậu quả tiêu cực, đặc biệt là đối với người tiêu dùng, kể cả ở Bắc Mỹ".

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho rằng mức thuế này vi phạm Hiệp định Thương mại tự do Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Bà nhấn mạnh, nếu Mỹ tiếp tục duy trì thuế cao, Mexico phải được hưởng ưu đãi để bảo vệ nền kinh tế. Mexico dự kiến sẽ đưa ra "phản ứng toàn diện" vào đầu tháng 4, khi ông Trump cam kết sẽ áp dụng mức thuế quan đối ứng phù hợp với từng đối tác thương mại của Mỹ, nhưng vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Washington. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Marcelo Ebrard cho biết, Nhà trắng đã cam kết các sản phẩm ô-tô có linh kiện sản xuất tại Mỹ sẽ được hưởng mức thuế thấp hơn và không bị đánh thuế nhiều lần khi qua biên giới.

Quyết định áp thuế mới của Mỹ, nếu duy trì trong thời gian dài, sẽ đẩy giá xe trung bình tại Mỹ tăng thêm hàng nghìn USD, đồng thời gây xáo trộn chuỗi sản xuất liên kết chặt chẽ giữa Canada, Mexico và Mỹ trong suốt 30 năm qua. Các chuyên gia dự báo, sau khi chính sách thuế có hiệu lực, giá ô-tô tại Mỹ sẽ tăng từ 4.000 đến 5.300 USD mỗi xe. Hãng xe Ferrari của Italy đã thông báo tăng giá xe tại Mỹ lên tới 10%, và đó mới chỉ là những hệ quả đầu tiên trước khi chính sách thuế mới được áp dụng, dự báo sẽ gây “cơn địa chấn” toàn cầu khi chính thức được áp dụng.