Nhiều điểm bất hợp lý
Nguyễn Hương (quê Hà Tĩnh), nhân viên văn phòng một công ty truyền thông ở Hà Nội, có tổng thu nhập năm 2021 là 317 triệu đồng, trừ tiền bảo hiểm xã hội 4,8 triệu đồng và giảm trừ người nộp thuế là 132 triệu đồng, thu nhập còn lại phải tính thuế của Hương là 180 triệu đồng (trong đó, thu nhập bình quân hằng tháng khoảng 15 triệu đồng).
Vì đang độc thân, bố mẹ trong độ tuổi lao động, nên Hương không được giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc. Với thuế suất 15% (bậc 3), tổng thuế phải nộp theo quyết toán là hơn 18 triệu đồng, chưa kể thuế đã nộp qua lương tháng. Số thuế phải nộp theo Hương là “quá cao, bất hợp lý”.
“Bình thường, tôi không để ý đến số thuế phải nộp, nhưng nay nhìn lại thì một năm tổng cộng cũng gần 40 triệu đồng là không ít. Trong khi đó, tiền thuê nhà, ăn uống, học hành, xăng xe đi lại, điện nước… phải tính toán rất kỹ mới đủ”, Hương nói.
Anh Nguyễn Anh Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội), một nhân viên ngân hàng cũng cho hay, hai năm trước khi chưa lập gia đình, mức giảm trừ người phụ thuộc được nâng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng. Từ khi có con nhỏ cách đây một năm, anh cho rằng, mức 4,4 triệu đồng này quá thấp để nuôi con nhỏ dưới một tuổi.
“Mức phụ thuộc là 4,4 triệu đồng mỗi người một tháng không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản, bởi mức chi tiêu của người phụ thuộc không quá khác biệt so với người nộp thuế trong cùng gia đình”, anh Tuấn nói và nhẩm tính, thu nhập của anh khoảng 20 triệu đồng. Mỗi tháng, chi cho con gái hơn 1 tuổi không dưới 6 triệu đồng, trong khi anh phải trả tiền nhà trả góp 8 triệu đồng/tháng.
“Đủ thứ phải chi tiêu, từ tiền ăn, bỉm, sữa cho con, giúp việc theo giờ, trả nợ ngân hàng, chưa kể lúc con ốm đau… nên tôi luôn phải tính toán chi li, nhưng đến cuối tháng cũng không để ra được đồng nào. Mỗi tháng, sau khi trừ tiền nộp bảo hiểm bắt buộc, giảm trừ gia cảnh, tôi vẫn phải đóng thuế thu nhập”, anh Tuấn cho hay.
Cũng theo anh Tuấn: “Biểu thuế suất quá dày với các bước thuế ngắn gây áp lực không nhỏ cho người nộp thuế, bởi thu nhập vừa mới nhích lên đã rơi vào bậc thuế cao hơn. Tôi thấy mức thu thuế suất thu nhập cá nhân cần phải sửa đổi cho phù hợp với tình hình mức sống hiện nay”.
Không chỉ người dân mà những hộ kinh doanh cá thể cũng cảm thấy thiệt thòi khi phải “gánh” nhiều sắc thuế, chi phí. Theo quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ nộp các loại thuế, phí như lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (nếu có).
Ngưỡng xác định chịu thuế 100 triệu đồng từ nhiều năm nay được xem là quá thấp. Bởi như vậy, doanh thu mỗi ngày chỉ cần đạt 273.000 đồng là phải đóng thuế. Thực tế, với mức ngưỡng này các hộ kinh doanh đều vượt xa. Thậm chí, có những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, những người bán bánh mì, bán phở dạo cũng đã vượt.
Tuấn Nguyên (28 tuổi), kinh doanh quán game trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) được bốn năm nay, nhưng mất gần hai năm quán phải đóng cửa để thực hiện quy định phòng, chống dịch. Quán game của Tuấn Nguyên có doanh thu kê khai khoảng 110 triệu đồng mỗi năm (trung bình gần 10 triệu đồng mỗi tháng). Trong đó, tiền giờ mất khoảng 8 triệu đồng/tháng và gần 2 triệu đồng tiền ăn uống, dịch vụ khác.
Theo Tuấn Nguyên, trong tiền giờ, thì tiền điện chiếm khoảng 2 triệu đồng, tiền dịch vụ chi vốn khoảng 1,6 triệu đồng. Lợi nhuận thực tế mà Tuấn Nguyên đạt được mỗi tháng khoảng 5,6 triệu đồng; chưa tính chi phí khấu hao máy, dụng cụ hư hỏng phải sửa chữa. Dù vậy, mức thuế khoán với hộ kinh doanh cá thể mà mỗi tháng Tuấn Nguyên phải đóng là 1 triệu đồng.
“Tuy thu nhập chưa bằng công nhân đi làm nhà máy tại khu công nghiệp, nhưng gia đình đành chấp nhận vì kinh doanh quán game không phải xa nhà, không gò bó thời gian, có điều kiện chăm sóc con nhỏ”, Tuấn Nguyên nói và cho biết, do đăng ký diện hộ kinh doanh nên gia đình anh đóng thuế và lệ phí môn bài đầy đủ.
“Việc đóng thuế là nghĩa vụ của mỗi người dân, nhưng nhiều khi cũng nghĩ thu nhập chẳng được là bao mà đã phải đóng thuế. Còn chưa kể kinh doanh tự do như tôi không có bảo hiểm y tế, hay bảo hiểm xã hội để hưởng đồng hưu như người làm công ăn lương. Chính vì vậy, anh mong muốn nhà chức trách cần thiết phải nâng ngưỡng chịu thuế với hộ, cá nhân kinh doanh”, Tuấn Nguyên nói.
Theo quy định, hiện nay đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn hạn; cho thuê dài hạn không phải căn hộ với sinh viên, công nhân sẽ phải đóng thuế 7% trên tổng doanh thu. Trong đó, 5% là thuế thu nhập cá nhân, 2% là thuế giá trị gia tăng (VAT). Tuy nhiên, hiện nay, một số trường hợp kinh doanh nhà trọ cho thuê cho biết, thu nhập thực tế chỉ đôi ba triệu.
Cần xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động
Dù nhiều người thấy rõ sự bất cập trong việc tính thuế thu nhập cá nhân cũng như mức giảm trừ gia cảnh hiện nay, tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, mức giảm trừ bản thân và giảm trừ người phụ thuộc hiện nay đã hợp lý. Bộ này cho biết, các mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân này đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp đã giảm cho mọi đối tượng nộp thuế.
Ngoài ra, theo tính toán của bộ, với mức giảm trừ hiện nay, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu/tháng (nếu có một người phụ thuộc) hay 22 triệu/tháng (nếu có hai người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức trên (17 triệu và 22 triệu đồng/tháng), nếu có ít nhất một người phụ thuộc, số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập.
Theo biểu thuế thu nhập cá nhân, người có thu nhập dưới 100 triệu đồng/tháng, số thuế phải nộp hiện chiếm chưa đến 20% tổng thu nhập. Trong đó, cá nhân có thu nhập 40 triệu/tháng thì số thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 6,61%/thu nhập (2,44 triệu đồng); người có thu nhập 60 triệu/tháng thì số thuế phải nộp là 11,86%/thu nhập (7,1 triệu đồng); thu nhập 80 triệu/tháng thì nộp thuế 15,74%/thu nhập (12,6 triệu đồng).
Đối với cá nhân có thu nhập ở mức hơn 100 triệu đồng mỗi tháng, số thuế phải nộp mới ở tỷ lệ cao hơn 20%/thu nhập, lần lượt ở mức 20,15% với thu nhập 110 triệu đồng/tháng; 24,11% với người có thu nhập 150 triệu đồng/tháng… Bộ Tài chính cho hay, trường hợp cá nhân có nhiều hơn một người phụ thuộc, số thuế phải nộp cũng thấp hơn đáng kể so với các mức tính toán trên.
Tuy nhiên, theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đời sống, thu nhập của người dân giảm đáng kể do thất nghiệp, mất việc, giãn việc ở diện rộng.
Bên cạnh đó, trong ba tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng ngót 2%, xăng dầu liên tiếp lập kỷ lục kéo theo giá cả hàng hóa đồng loạt tăng theo thì tổng số tiền thu thế từ thu nhập cá nhân vẫn tăng khủng là một nghịch lý.
Theo ông Thịnh, thuế thu nhập cá nhân vẫn đến chủ yếu từ người làm công ăn lương, bởi tỷ lệ từ tiền công, tiền lương vẫn chiếm rất lớn. Những khoản đóng góp khác như chứng khoán, bất động sản dù có tăng mạnh nhưng nếu tính theo số tuyệt đối thì cũng không nhiều.
“Nhà nước cần xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động. Điều này là cần thiết và nên làm vì nó giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho phục hồi sản xuất, kinh doanh”, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc quá lạc hậu
Trao đổi ý kiến với Thời Nay, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, lương của người lao động được phân chia rất cụ thể, thành bốn vùng khác nhau, với mức chênh lệch khá tương đối; giả thiết là với cùng một mức thu nhập nhưng ở các địa bàn khác nhau thì mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cũng nên khác nhau.
“Ở vùng sâu, vùng xa, mức giảm trừ gia cảnh với người lao động là 11 triệu, người phụ thuộc là 4,4 triệu, tôi cho rằng rất dư giả, nhưng ở vùng thành thị-nơi có mức sống cao, mọi thứ đều đắt đỏ thì mức giảm trừ gia cảnh như vậy là không đủ sống. Trên thực tế, chính sách thuế tại nhiều quốc gia cũng không cào bằng mức giảm trừ gia cảnh, một phần do họ xác định và khấu trừ được chi phí đầu vào của người dân nhờ thanh toán không tiền mặt phát triển.
Mặt khác, tuy không áp dụng giảm trừ theo vùng nhưng nhiều nước có các mức giảm trừ gia cảnh khác nhau cho những đối tượng là người phụ thuộc thay vì cào bằng. Chính sách thuế cho thấy họ “thật sự quan tâm tới gia cảnh” của mỗi người nộp thuế”, ông Đức nói.