Xây công trình làm hư hại nhiều nhà dân

Nhiều nhà dân bị nứt tường, lún nền, thậm chí hư hại nặng đến mức có nguy cơ đổ sập. Đó là thực trạng ở khu vực các tổ dân phố số 12 và 13, phường Ngô Quyền, TP Nam Định (tỉnh Nam Định).

Công trình trụ sở Agribank chi nhánh TP Nam Định được xây dựng trên diện tích khoảng 400 m² ở mặt đường Tô Hiệu (phường Ngô Quyền, TP Nam Định).
Công trình trụ sở Agribank chi nhánh TP Nam Định được xây dựng trên diện tích khoảng 400 m² ở mặt đường Tô Hiệu (phường Ngô Quyền, TP Nam Định).

Đi ở thuê vì sợ nhà sập

Có mặt tại công trường, phóng viên ghi nhận hình ảnh công trình trụ sở Agribank chi nhánh TP Nam Định hướng ra mặt đường Tô Hiệu, đã xây thô đến tầng ba. Công trình do Agribank tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư; Trung tâm giám định chất lượng xây dựng (thuộc Sở Xây dựng tỉnh Nam Định) là đơn vị tư vấn quản lý dự án; Công ty CP Tư vấn kiến trúc xây dựng là đơn vị tư vấn thiết kế; Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và kiểm định công trình là tư vấn giám sát; đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng và phát triển nhà Vạn Xuân.

Công trình được xây dựng trên một khoảng đất 400 m² có ba mặt giáp nhà dân và đây cũng chính là khu vực có nhà bị hư hại do quá trình thi công.

Ông Nguyễn Minh Nguyên, chủ nhà số 34 đường Tô Hiệu, nằm sát công trình cho biết: Tháng 1-2020, khi chuẩn bị thi công, đơn vị tư vấn quản lý dự án đã khảo sát, chụp lại hiện trạng nhà dân chung quanh, kết quả không có gì bất thường. Tuy nhiên ít lâu sau, khi công trình đào móng, đóng cọc, đặc biệt từ lúc rút cừ thép, các nhà liền kề bắt đầu xuất hiện tình trạng nứt ở nhiều vị trí. 

Công trình xây lên càng cao, hư hại càng nặng. Ghi nhận hiện tại cho thấy nhà ông Nguyên không chỉ bị nứt tường, trụ; vênh, vỡ sàn đá hoa mà còn lún, nghiêng hẳn về phía công trình trụ sở ngân hàng. Ông Nguyên bức xúc: “Nhà tôi rộng 90 m² mặt sàn, xây ba tầng kiên cố mới chục năm nay. Đợt mưa bão vừa rồi, nước mưa theo các vết nứt từ trên xuống chảy vào trong nhà, ngập hết về phía bị lún, xô chậu hứng không xuể. Nhìn mắt thường cũng thấy”.

Phía sau công trình, nhà bà Vũ Thị Thìn (số 13/19 phố Cửa Trường, thuộc tổ dân phố số 13, phường Ngô Quyền), lâu nay phải đun nấu ở một góc nhà vì các khu vực bếp và vệ sinh bị vỡ trần, nứt tường nghiêm trọng. Cũng như nhiều hộ dân khác, nhà bị nước mưa chảy vào.

Hư hại nặng nhất phải kể đến nhà ông Trần Quang Thoại (số 2/42 phố Tô Hiệu, thuộc tổ dân phố 12, phường Ngô Quyền). Ngôi nhà cũ lợp mái fibro xi-măng bị nứt, vỡ khắp nơi; các góc trần tách rời ra, nghiêng hẳn về một phía; nhiều đoạn nứt dài đến hàng mét, rộng 1 - 2 cm; tường nhiều chỗ vỡ trơ gạch, thò được cả tay ra ngoài. 

Giữa năm 2020, nhận được phản ánh của các hộ dân, chủ đầu tư công trình, Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định đã thuê đơn vị tư vấn quản lý dự án khảo sát hiện trạng. Tiếp đó, 14 hộ dân có nhà bị hư hại, mỗi hộ dân được phát một quyển “Hồ sơ khảo sát hiện trạng, lập phương án xử lý và dự toán sửa chữa”. Theo đó, cả 14 hộ dân đều được xác nhận hư hại và lên phương án đền bù, thấp nhất là 2,9 triệu đồng, cao nhất là 144,5 triệu đồng (nhà ông Thoại, có con trai là Trần Hoàng Anh đứng tên chủ hộ).

Riêng nhà ông Thoại, đơn vị khảo sát khuyến cáo không được tiếp tục ở do có nguy cơ đổ, sập. Vợ chồng ông được phía chủ đầu tư hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng để thuê nhà. Số tiền này đến nay đã được chi trả tổng cộng sáu tháng, tương đương 30 triệu đồng. 

Tuy nhiên, đó là khoản tiền duy nhất người dân có nhà hư hại được nhận. Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định không tổ chức đối thoại với người dân xem họ có nhất trí phương án và dự toán đền bù, sửa chữa hay không. Theo các hộ dân, mức đền bù như vậy quá thấp, vì càng ngày hư hại nhà cửa càng nặng. Ông Nguyễn Minh Nguyên khẳng định: “Như nhà tôi được đền bù hơn 53 triệu đồng, chỗ này còn không đủ tiền sơn lại!”.

Cần sớm có hướng giải quyết 

Liên hệ với Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định, chúng tôi được bố trí làm việc với ông Trịnh Tiến Dũng, nhân viên Phòng tổng hợp, theo dõi xây dựng cơ bản. Ông Dũng cho biết: Sau khi khảo sát hiện trạng, đánh giá chung là các hộ dân “bị ảnh hưởng không đáng kể, không nguy hiểm”. Phía chủ đầu tư đã hết sức thiện chí lập dự toán đền bù, sửa chữa. Thậm chí, dự toán này còn được lập “rộng rãi, ưu ái cho người dân”.

Dù vậy, theo ông Dũng, do người dân không nhất trí mức đền bù, chuyện này đến đây đang “tắc”. Ông cho biết: “Nếu họ nhất quyết không chịu, xin mời cứ đưa ra tòa án thành phố!”.

Trả lời về việc người dân không được tổ chức đối thoại để đi đến thống nhất, ông Dũng cho rằng, việc này thuộc trách nhiệm của đơn vị tư vấn quản lý dự án. Về quy trình khảo sát, thiết kế, thi công công trình, ông Dũng cho biết, các đơn vị liên quan đều khẳng định làm đúng, không xảy ra sai sót. Nguyên nhân sự cố có thể do nhiều nhà đã xây quá lâu, xuống cấp, móng, tường tạm bợ nên dẫn đến nứt, lún.

Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng và phát triển nhà Vạn Xuân (đơn vị thi công) lại cho biết, trước khi khởi công, nhà thầu đã khuyến cáo đơn vị tư vấn thiết kế (Công ty CP Tư vấn kiến trúc xây dựng) việc lên bản vẽ công trình “tận dụng hết đất, quá sát nhà dân” có thể tiềm ẩn rủi ro, nhưng “bên tư vấn thiết kế bảo không ảnh hưởng gì”. Liên quan vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ ông Vũ Quốc Lập, chủ trì thiết kế kết cấu công trình, nhưng ông Lập từ chối trả lời.

Từ nhiều tháng nay, các hộ dân ở phường Ngô Quyền, TP Nam Định đã nhiều lần làm đơn gửi UBND phường và UBND thành phố mong sớm được giải quyết thiệt hại, đến nay vẫn chưa có kết quả. Được biết, UBND phường Ngô Quyền đã có thời điểm yêu cầu tạm dừng thi công công trình trụ sở Agribank chi nhánh TP Nam Định trong khoảng một tuần, nhưng sau đó lại cho xây tiếp. 

Hiện tại, các hộ dân có nhà bị hư hại vì công trình đang sống trong tâm trạng bất an, lo lắng. Ông Trần Quang Thoại chia sẻ: “Tôi 82 tuổi, vợ tôi cũng hơn 70 tuổi rồi, đi thuê nhà rất khổ, chỉ mong sớm được ổn định cuộc sống”. Các hộ dân khác cũng hy vọng được đền bù để sửa nhà, tập trung làm ăn, không phải theo đuổi vụ việc kéo dài.