Ngõ không “cụt”

Mắc bệnh hiểm nghèo, ai nấy đều tặc lưỡi: “Số phận coi như đã đi vào ngõ cụt!”. Ở xóm Ung thư, nơi ngoắt ngoéo những ngõ nhỏ với nhiều phòng trọ của người bệnh, điều tệ hại nhất không phải những tiêu cực do bệnh tật, mà là sự thiếu nghị lực để vượt qua số phận. Vì thế, những con ngõ dường như không “cụt” vì ý chí chiến thắng bệnh tật và sự sẻ chia, nhân ái của cộng đồng.

Anh Trịnh Văn Hà hằng ngày bán hàng và điều trị bệnh.
Anh Trịnh Văn Hà hằng ngày bán hàng và điều trị bệnh.

Kỳ 1: Day dứt xóm Ung thư

Bệnh viện (BV) K T.Ư cơ sở 2 (thôn Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) còn có tên dễ gọi là K2. Bao quanh nó là xóm Ung thư, bởi những cư dân thuê trọ ở đây đều là bệnh nhân hay người nhà đi theo để điều trị căn bệnh ác tính này. Xóm vì thế mà rất đặc biệt. 

Quay quắt với bệnh tật 

Trưa hè đầu tháng 7, tại một góc của buồng bệnh chật chội trong BV K2, ông bà Trần Thị Nhu (quê ở Hà Nam) mồ hôi như tắm đang “đánh vật” cho hai người con trai bị tâm thần ăn bữa trưa. Ông là cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị những năm chiến tranh ác liệt nhất. May mắn trở về từ chiến trường, người lính ấy lập gia đình và sinh được ba người con, nhưng điều không ai ngờ là những di chứng của chất độc da cam ông nhiễm phải đã di truyền vào các con. Hai người con trai lớn mắc bệnh thần kinh không ổn định, dù đã ngoài 40 tuổi nhưng vẫn chỉ như những đứa trẻ lên ba, còn cô con gái út thì bị liệt nửa người. Thế nên, dù sức khỏe đã yếu nhưng ông bà vẫn phải tự lao động để lo cho bản thân và kiếm tiền chữa bệnh cho các con. Buồn một nỗi, hơn một năm nay, hai người con trai lại mắc thêm căn bệnh ác tính: Ung thư (K) vùng ổ bụng. 

Hằng tháng, BV K2, xóm Ung thư bỗng trở thành nhà của hai vợ chồng già. Cuối tháng 4, ông bà đưa hai con đến BV K2 tái khám. Tưởng xạ trị xong thì được về nhà, nào ngờ phải ở đây luôn. Hôm đi, bà gom góp được mấy triệu, giờ trong túi chỉ còn vài trăm tiền lẻ nên bà không dám tiêu pha. Ban ngày, hai ông bà đi xin cơm từ thiện để cả nhà có thể no lòng qua bữa. Tối đến, ông rải chiếc giường gấp ra hành lang BV. Bà thì loanh quanh xóm trọ, nay tá túc cùng người này, mai người khác ới cho ngủ cùng. “Dù già, dù khổ nhưng chúng tôi vẫn luôn ở bên các con, mong muốn các con chữa bệnh!”, bà Nhu giấu những giọt nước mắt của  mình.

Trong phòng trọ kê hai dãy giường đơn tại xóm Ung thư, vợ chồng anh Trần Văn Tuấn (quê Xuân Trường, Nam Định) chia nhau mỗi người một nửa. Chiếc quạt nhỏ đặt ở đầu giường chạy hết công suất khi Hà Nội bắt đầu bước vào những ngày nắng nóng cực điểm. Vợ chồng anh lên Hà Nội để điều trị khối u vòm họng từ tháng 3/2021. Trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, anh mới bước vào đợt xạ trị lần đầu, nhưng khi chưa kịp sang đợt kế tiếp thì BV K bị phong tỏa. Biết dịch Covid-19 là ngoài ý muốn, nhưng trong lòng anh vẫn nóng như lửa đốt khi mạng sống chỉ còn trông chờ vào những đợt xạ trị. “Ung thư tiến triển nhanh lắm, chậm xạ trị ngày nào thì thời gian sống rút ngắn đi ngày đó”, anh chia sẻ.

Trong những ngày BV K2 bị phong tỏa, chị Hương, vợ anh thường xuyên gọi điện thoại cho bác sĩ để hỏi thăm tình hình. “Về quê cũng vẫn phải chờ đợi, mà đi lại mùa dịch bệnh cũng khó khăn nên chúng tôi chọn cách ở lại biết đâu được xạ trị sớm”, chị nói.

Hơn 8 giờ sáng, anh Tuấn rời căn phòng trọ chuẩn bị vào khám bệnh. Vợ anh lững thững theo sau, chờ đến lượt đưa chồng vào xạ trị. “Hôm ở nhà đi tôi mang theo 70 triệu đồng, trong đó có 30 triệu đồng là tiền vay, ngoài tiền trả cho mũi xạ, mỗi ngày vợ chồng hết hơn 100 nghìn đồng tiền trọ, tiền thuốc mua ngoài không tính được, sang tuần xạ trị xong lại truyền hóa chất. Biết lấy đâu ra”, chị Hương lo lắng.

Vốn sống bằng nghề làm nông ở quê nhà, ngày nông nhàn anh chị đi phụ hồ hay làm thêm chút công việc phụ ở các xưởng gia công máy móc, nhưng cũng không được thêm bao nhiêu để nuôi ba đứa con ăn học. Anh nằm viện, bao nhiêu vốn liếng dành dụm trước đây mang ra cho anh chạy chữa thuốc thang. Có điều, khoản tích cóp ấy là không đủ, bởi đã nằm viện thì có bao nhiêu tiền cũng chỉ như gió vào nhà trống. Trước khi xạ trị, anh đã phải phẫu thuật, chi phí hơn 10 triệu đồng, lần này lại thêm 60 triệu đồng, hết đợt xạ trị và hóa chất này, chị định vay ngân hàng… Gia đình có thể lâm vào cảnh kiệt quệ, nhưng tính mạng của người chồng, người cha, người trụ cột gia đình là trên hết, chị vay mượn rồi cố gắng đưa anh đi chữa bệnh. “Có bệnh là phải chữa, có quyết tâm mới khỏi được bệnh!”, chị Hương khẳng khái. 

Ngõ không “cụt” -0
Những khu nhà cấp 4 là nơi ở trọ của bệnh nhân ung thư BV K2. 

Vượt lên số phận

Ngay sát cổng BV K2 là quán nước luôn tấp nập người vào ra. Khách hàng đa phần là người bệnh. Còn người bán hàng là anh Trịnh Văn Hà (quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa) cũng là một bệnh nhân, đang điều trị K trực tràng nhưng vẫn luôn chân luôn tay và vui vẻ nói cười. Anh được phát hiện K bốn năm nay. Sau giai đoạn phẫu thuật, anh thường ra đây ngồi để chờ xạ trị. Gia đình chủ quán thấy anh vui vẻ, bộc trực nên khuyên nhủ ở lại bán hàng giúp, lấy tiền mua thuốc thay phải về quê, làm việc nặng. 

Sáng sớm anh Hà dậy đun nước, dọn dẹp cửa hàng. Trong ngày, anh pha nước, bán hàng kèm theo những đồ lặt vặt. Bệnh nhân nào ra đây, anh cũng vui vẻ chuyện trò, nhớ bệnh tình và từng giai đoạn điều trị của họ. “Quen rồi, nhìn bệnh nhân, tôi đoán được họ ở giai đoạn nào. Họ đa phần là bệnh nhân nghèo, ai chưa có thẻ bảo hiểm y tế, chưa có giấy xác nhận hộ nghèo để giảm gánh nặng viện phí, tôi cố gắng hướng dẫn thủ tục để họ có được “tấm thẻ hộ mệnh” nhanh nhất!”. 

Tháng một lần, anh Hà lại vào viện để bác sĩ kiểm tra định kỳ, làm xét nghiệm, nhận phác đồ điều trị mới. Những lúc xạ trị, con cái anh ở quê ra đưa cơm, chăm sóc bố. “Có bệnh nên không khỏe rồi, nhưng tôi luôn cố gắng tuân theo cách điều trị của bác sĩ, giữ gìn, duy trì sức khỏe ổn định, sống chung bệnh tật với lối sống tích cực”, anh Hà chia sẻ.

Chị Ly, bán bún chả cũng có bốn căn nhà cấp 4 để cho thuê trọ ở xóm Ung thư, ngay bên hông BV. Một đêm ở trọ, chị lấy 30 nghìn đồng/giường/bệnh nhân. Chị cười: “Tiếng là làm chủ, nhưng người thuê trọ toàn những người khó khăn nên gia đình có lúc làm hết năm mà chưa chắc có dư đồng nào!”. Tùy từng bệnh mà họ trọ lại đây bảy - tám tháng rồi mới về quê. Có người chỉ ở hai tuần để xạ trị hay truyền hóa chất. Mỗi lần điều trị xong, họ rất yếu. Có người kêu nhạt mồm, nhạt miệng, ra gọi bát bún chả. Xong cứ ngồi vậy mà không ăn được. 

Bệnh nhân đã trọ thì nhiều, nhưng nay chị vẫn nhớ nhất trường hợp cháu Phi trên Vĩnh Phúc. Bố Phi mất sớm, người mẹ một nách nuôi ba con nhỏ. Không may Phi lại bị K xương. Xuống đây điều trị, em phải tháo khớp đùi, đau đớn quá sức chịu đựng của một cậu bé mới lên 10. Hồi ấy, chưa có nhiều tổ chức, cá nhân làm từ thiện như bây giờ nên bệnh nhân và người nhà thêm vất vả. Mẹ Phi phải đi đội cát ở bến sông Hồng, gánh hàng thuê ở chợ Long Biên để có tiền chữa bệnh cho con. Ở trọ nhà chị Ly, chị thường xuyên miễn phí tiền ở trọ. Vượt qua khó khăn, cháu Phi thoát bệnh diệu kỳ. Về quê, Phi học nghề điện tử - điện lạnh, có việc làm ổn định. Phi đã cưới vợ sinh hai con. 

Đến nay, Phi vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm cô Ly, không quên xóm Ung thư đã từng cưu mang lúc em bệnh tật, khó khăn.

(Còn nữa)