Lời nhắn từ những người con xa xứ

Đại dịch Covid-19 như khoảng không gian vô định khiến đường về nhà rất xa. Trong tâm thức người Việt sống ở Lào, nỗi nhớ người thân càng trở nên day dứt.

Gia đình anh Trần Thế Đại vẫn bám trụ ở nước bạn Lào.
Gia đình anh Trần Thế Đại vẫn bám trụ ở nước bạn Lào.

Tâm sự gửi từ nước Lào

Bình quân chung chừng 200 km từ nơi làm ăn sinh sống về nhà mình. Nhưng hai năm nay, người Việt sống ở huyện Sa Muội (tỉnh Salavan - Lào) và một số tỉnh lân cận chưa thể một lần về thăm quê hương. 

Anh Trần Thế Đại, sinh năm 1970, quê ở thôn Phượng Cội, xã Cam Thành (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) qua Lào đã 20 năm. Từ đây trở về nhà ở Việt Nam chỉ non hai giờ đồng hồ nên cứ một tháng anh Đại về nhà ít nhất một lần. Ngoài việc mua hàng hóa, một số thứ cần thiết không có trên đất bạn Lào, anh Đại còn muốn thăm người thân và hàng xóm. Đó là một nhu cầu tình cảm. Từ năm 2020 - 2021, dịch bệnh liên miên nên anh không thể về thăm quê. Anh nhắn với chúng tôi rằng, nhiều lúc ngồi nhớ con đường từ Sa Muội - Salavan về Cam Lộ - Quảng Trị mà ao ước. Ngày trước cứ thấy nhớ nhớ là phóng xe đi, vài giờ sau là có mặt ở nhà. Tuyến đường này tốt, chỉ mất làm chút thủ tục ở cửa khẩu là có thể từ Lào trở về Việt Nam.

Kinh doanh hàng tạp hóa, mua bán nông sản trên địa bàn huyện Sa Muội nên điều kiện kinh tế gia đình anh Trần Thế Đại cũng khấm khá. Hai năm trở lại đây do dịch bệnh nên có khó khăn do lượng tiêu thụ của người dân ít, mặt khác hàng hóa không lưu thông thường lệ nên cái cần thì không có, cái có không ai mua là chuyện thường tình. Anh tâm sự với chúng tôi, dù khó khăn mấy thì cũng cố gắng bám trụ, trước là vì gia đình, sau vì quê hương. Người Việt làm ăn sinh sống ở Lào cũng nhiều. Tình cảm hai nước rất tốt nên công việc làm ăn cũng thuận lợi.

Chị Lê Thị Thu Hiền, sinh năm 1972, vợ anh Đại ngồi trông đứa cháu gái ở cửa hàng tạp hóa. Chị Hiền cùng quê với anh Đại. Sau khi kết hôn, anh chị thấy một số người Việt sang Lào làm ăn được nên vợ chồng chị sang đây làm ăn. Chị Hiền bảo, hồi đầu dễ làm ăn buôn bán hơn bây giờ do ít người kinh doanh, giờ khó hơn nhưng cũng sống được. Hai năm gần đây do dịch Covid-19 nên ảnh hưởng lớn đến kinh doanh. Một số người Việt gặp khó khăn được anh em đồng hương người Việt ở Lào hỗ trợ. Nói đến ước nguyện về quê, chị tâm sự: Ảnh hưởng đại dịch Covid-19 gia đình không có ai về Việt Nam, chúng tôi chấp hành nghiêm chủ trương của chính quyền nước bạn Lào và công việc làm ăn, buôn bán. Mọi thứ đã đầu tư ở đây. Về Việt Nam không có điều kiện để kinh doanh, không có nghề nghiệp ổn định, không có thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. 

Nghiêm túc chấp hành những quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của nước bạn vừa bảo đảm sức khỏe cho mình và cộng đồng, nhằm đẩy lùi Covid. Tất cả chỉ mong khống chế được dịch để được về thăm quê.

Hẹn ngày trở về

Người Việt sống ở Lào họ có thể về quê. Nhưng vì nhiều lý do nên họ ở lại. Nếu chỉ để về thăm quê phải trải qua thời gian cách ly y tế thì công việc kinh doanh buôn bán sẽ bị ngưng trệ. Một số người không chịu về quê ngay lúc này vì vừa tốn thời gian mà công việc sẽ bấp bênh, sẽ rất khó tìm một công việc mới giữa những ngày dịch bệnh. Nên việc trở về Việt Nam lúc này họ sẽ gặp khó khăn.

Mường Phìn là huyện nằm phía đông của tỉnh Savanakhet, vùng đất nổi tiếng, là cái nôi cách mạng của nước CHDCND Lào. Chị Nguyễn Thị Liễu, sinh 1992, quê ở Triệu Thuận, Triệu Phong, Quảng Trị sang Lào từ năm 2018. Chị Liễu làm công nhân Công ty Cao-su Quasa geruco thuộc Hiệp hội Cao-su Việt Nam. Còn chồng chị, anh Đoàn Quang Hiếu, sinh 1990, sinh sống bằng nghề sửa chữa điện lạnh tại huyện Sê Pôn, Savanakhet. 

Hai vợ chồng gửi hai đứa con cho ông bà nội tại quê nhà để sang Lào làm ăn. Trước đây, dù bận việc nhưng hai ba tuần anh chị về quê thăm con một lần. Từ khi dịch Covid diễn ra, dù nhớ thương con nhưng cũng đành chịu. Anh chị thường nói chuyện với con qua gọi zalo, nhiều khi nhìn thấy con đó, muốn ôm con mà không được.

Dịch bệnh không từ một ai, xác định như thế nên việc về quê lúc này biết đâu mình lại mang trong người mầm bệnh đôi lúc lại gây khổ thêm cho con cái và người thân. Chị Liễu chia sẻ với chúng tôi, dịch Covid-19 hai vợ chồng không thể về Việt Nam do công việc và chấp hành đúng quy định phòng, chống Covid-19 của Việt Nam và chính quyền bạn. Dù rất nhớ nhà và người thân, đặc biệt là con cái. Nhưng mọi thứ phải đành gác lại, chờ tình hình ổn định rồi hãy tính.

Anh Nguyễn Hữu Thuần, sinh 1986, quê Lệ Thủy, Quảng Bình. Qua Lào năm 2013. Anh Thuần làm nghề sửa chữa xe máy ở huyện Mường Phìn, Savannakhet. Anh Thuần tâm sự, tôi có vợ và hai con ở quê hương, trước đây tôi có về thăm nhà, cha mẹ, vợ con, nhưng mấy năm nay vì Covid cho nên tôi không về được. Cũng lắm lúc tôi cảm thấy buồn và nhớ quê hương, nhớ gia đình nhưng đành hẹn ngày yên bình mới trở về được.

Lời nhắn từ những người con xa xứ -0
Anh Đoàn Quang Hiếu làm nghề sửa chữa điện lạnh tại huyện Sê Pôn (Savanakhet, Lào). 

Lời nhắn cho người thân

Trong khó khăn và hiểm nguy của đại dịch Covid-19, trở về là lựa chọn của số đông những người lao động từ nhiều nơi lên thành phố kiếm sống. Với người Việt ở Lào, cũng có người về, người ở. Đó cũng là sự lựa chọn của bản thân mỗi người, mỗi gia đình. Trong tình hình dịch bệnh, đất nước Lào cũng như Việt Nam, ở đâu Covid-19 cũng hoành hành. Ở lại nơi đất khách, chấp hành tốt các quy định chống dịch và ứng phó để thích nghi mới là kế sách lâu dài. Chị Lê Thị Vân, người Quảng Trị sang buôn bán áo quần ở chợ Sê Pôn, Savanakhet cho chúng tôi hay: Dịch bệnh thì ở đâu cũng có, lúc đầu tôi cũng lo lắng nhưng sau quen dần. Gia đình tôi đã thực hiện biện pháp chống dịch tốt để còn bám trụ làm ăn buôn bán ở đây. Muốn trò chuyện với người thân ở Việt Nam thì thực hiện như bấy lâu mà tôi vẫn làm là thông qua internet. Tôi mong rằng bà con mình ở Lào cũng như người Việt Nam cố gắng khắc phục khó khăn của đại dịch để còn hồi phục kinh tế.

Anh Trần Thế Đại mong mỏi mọi thứ ổn định trở lại để phát triển kinh doanh. Nếu kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì không những đời sống gia đình khó khăn mà còn cả cộng đồng người Việt ở Lào. Anh chia sẻ, nếu tình hình ổn định mình làm ăn được thì khó khăn của gia đình được khắc phục. Những người Việt làm ăn khá sẽ giúp được những hoàn cảnh người Việt khó khăn trên đất Lào và những người chung quanh mình. Tôi mong như thế và muốn nhắn nhủ với mọi người rằng, phát huy tinh thần của người Việt Nam, lá lành đùm lá rách thì mọi khó khăn sẽ được khắc phục, trở ngại sẽ vượt qua. Tôi mong gia đình tôi ở Việt Nam sức khỏe là mừng lắm rồi!

Những lời chia sẻ, những dòng tâm sự rớt nước mắt khi sống một cảnh hai quê. Đó là phút yếu lòng nhưng cũng chính là nghị lực để con người tồn tại. Chăm chỉ làm ăn, chống chọi với Covid-19 nơi đất khách, những người Việt từ Quảng Trị sang làm ăn, buôn bán ở Lào là những con người đầy nghị lực. Những người con của miền gió Lào cát trắng đã chịu khắc nghiệt của thiên nhiên giờ được tôi luyện trong hoàn cảnh khó khăn của đại dịch. Chẳng sao, trong khó khăn gian lao mới trưởng thành. Như câu ca của dân Bình - Trị - Thiên mà chị Vân hay hát: “Chớ thân phận khó ai ơi/còn da lông mọc còn chồi nảy cây”...

Chị Lê Thị Thu Hiền bùi ngùi nhắn gửi đến người thân: Tôi mong các con, các cháu hãy chấp hành nghiêm quy định của địa phương về Covid-19. Khi nào chính quyền hai nước mở cửa tạo điều kiện cho người qua lại cửa khẩu ba mẹ sẽ về. Ba mẹ nhớ các con, cháu nội nhiều…