Hải trình tìm kiếm vinh quang

... “Mạn trái 70, cự ly 8.500, ngành 2 tự động tiêu diệt mục tiêu!”... Uỳnh, uỳnh, uỳnh, uỳnh...! Một loạt tiếng nổ chát chúa, đinh tai vang lên rền rã. “Đạn chụm trước mục tiêu!”. Từ hệ thống phát thanh nội bộ trên tàu, tiếng thuyền trưởng dõng dạc phát khẩu lệnh: “Ngành 2 tiếp tục bắn!”... 

Thực hiện bài bắn mìn trôi.
Thực hiện bài bắn mìn trôi.

Vượt chướng ngại vật

Mặc dù đã chuẩn bị chụp tai chống ồn, tôi vẫn bị giật mình và hơi loạng choạng khi nghe thấy những âm thanh phát ra từ nòng pháo của khẩu AK176 trên tàu hộ vệ tên lửa 016, Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân. Đây là một buổi huấn luyện bắn đạn thật trên biển để chuẩn bị nội dung tham gia thi đấu ở Hội thao Quân sự quốc tế năm 2021 (Army Games) của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Hội thao Quân sự quốc tế là sự kiện thể thao quân sự thường niên do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức. Bắt đầu từ tháng 8-2015, đến nay Hội thao đã thu hút được hơn 30 quốc gia tham dự. Việt Nam bắt đầu tham gia Army Games từ năm 2018 với nhiều đội tuyển thuộc các quân binh chủng khác nhau, nhưng đối với chuyên ngành hải quân thì năm nay Việt Nam mới chính thức thành lập đội tuyển để tranh tài tại môn thi “Cúp biển”.

“Dừng bắn!”. “Thôi bắn!”. “Kiểm tra an toàn!”. “Ngành 1 đưa tàu về vị trí xuất phát vào tuyến bắn!”. Một loạt mệnh lệnh vang lên thông báo bài bắn mục tiêu trên biển kết thúc đợt bắn thứ nhất. Theo lệnh của thuyền trưởng, tất cả các thành phần liên quan tập trung hết về cabin chính của đài chỉ huy tàu để cùng trao đổi ý kiến, rút kinh nghiệm nhanh cho đợt bắn tiếp theo. Từ buồng hành trình, Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Army Games Quân chủng Hải quân cho biết: “Tuy là lần đầu tiên tham dự nhưng Quân chủng Hải quân sẽ thi đấu ở nhiều nội dung, trong đó có bốn nội dung thi đấu chính thức bao gồm: thi kỹ năng hàng hải; thi đấu tranh chống chìm tại cơ sở huấn luyện trên bờ; thi sử dụng phương tiện cứu hộ và thi bắn pháo. Nội dung thi bắn pháo lại chia làm ba bài thi: bắn mục tiêu trên biển; bắn mục tiêu trên không và bắn mìn trôi. Đây là nội dung tương đối khó và phức tạp, đòi hỏi phải huấn luyện nghiêm túc và nhuần nhuyễn”. Vừa nói, Chuẩn Đô đốc vừa chỉ tay lên màn hình quan sát quang điện tử: “Từ màn hình này có thể quan sát rõ mục tiêu, thế nhưng thực tế bài bắn vừa rồi, xạ thủ phải bắn trúng mục tiêu với cự ly tối thiểu là 8.000 m trong điều kiện vận tốc tàu từ 8 - 12 hải lý/giờ. Điều này không phải ngày một ngày hai là có thể làm được”.

Quả thật đúng như vậy. Điều kiện thời tiết, cấp sóng và vận tốc tàu sẽ chi phối khả năng quan sát, bắt bám, điểm xạ của xạ thủ. Ngoài việc huấn luyện thường xuyên thì sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các ngành trên một con tàu và kinh nghiệm lựa chọn thời cơ của xạ thủ sẽ quyết định đến thành tích bài bắn.

“Toàn tàu về vị trí chiến đấu! Toàn tàu về vị trí chiến đấu!” - Mệnh lệnh của thuyền trưởng lại vang lên trong loa. Tôi liếc nhìn đồng hồ. Mới 9 giờ 30 phút sáng nhưng ánh nắng gay gắt đã bao trùm hết lên mạn tàu hướng ngắm mục tiêu. Tất cả các ngành nhanh chóng trở về vị trí. Không gian đặc quánh bởi vị muối nồng của biển và mùi mồ hôi cháy khét. Thế nhưng, tiếng bước chân vẫn dồn dập vang lên từ khắp các khoang tàu tạo nên một không khí vô cùng khẩn trương, sôi nổi. Tàu đã vào tuyến bắn. Xạ thủ súng 14,5 ly sẽ thực hiện bài bắn mìn trôi với tổng số lượng đạn cho phép là 32 viên. Bài bắn chỉ được tính là trúng khi có hình ảnh lỗ thủng từ đầu đạn trên maket mìn trôi hoặc đánh chìm nó. “Mạn trái 65, cự ly 500, ngành 2 tự động tiêu diệt mục tiêu!”... Sau vài lần hiệu chỉnh kính ngắm, ngay từ những loạt bắn đầu, xạ thủ 14,5 ly đã tiêu diệt mục tiêu. Tiếng thuyền trưởng hô vang trong loa “Mục tiêu bị tiêu diệt! Ngành 2 ngừng bắn!” truyền đi khắp tàu, tạo ra niềm phấn khởi, hân hoan cho tất cả cán bộ, chiến sĩ.

Gặp xạ thủ - Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thành Trung sau bài bắn, tôi cảm nhận rõ niềm vui của em trên khuôn mặt đỏ bừng, nhễ nhại mồ hôi. Trung nói: “Mình phải căn được độ nhấp nhô của tàu và các đợt sóng lên xuống. Khi con sóng lên thì điểm xạ loạt dài từ ba - bốn viên sẽ tăng hiệu suất bắn trúng mục tiêu. Lo nhất là đạn thối. Mình xử lý thì nhanh thôi nhưng sẽ phải lấy lại đường ngắm, dễ bỏ qua mất thời cơ”. Mang băn khoăn về chất lượng đạn hỏi Đại tá Nguyễn Văn Ngân, Phó Tham mưu trưởng phụ trách công tác huấn luyện, Vùng 4 Hải quân, tôi mới rõ: “Bản thân mỗi đội tuyển tham gia thi đấu sẽ phải tự bảo đảm về khí tài cũng như chất lượng vũ khí trang bị. Với thời gian quy định và loại vũ khí trang bị quy định, đội nào tiêu diệt được mục tiêu mới được công nhận là hoàn thành bài bắn. Trong thời gian thi đấu, nếu có bất cứ tình huống nào phát sinh về hỏng hóc như đạn thối, đạn kẹt… thì kíp bắn phải tự xử lý và nếu không nhanh sẽ mất cơ hội bắn trúng mục tiêu”.

Nói như vậy, đến với Hội thao Quân sự quốc tế 2021, đội tuyển Hải quân nhân dân Việt Nam của chúng ta sẽ phải thật sự phát huy nội lực cũng như tiềm lực quân sự của chính mình. Trong đó chúng ta sẽ chú trọng và tập trung vào yếu tố con người, không chỉ làm chủ trong sử dụng thành thạo vũ khí trang bị mà còn phải làm chủ trong xử lý, khắc phục các sự cố về kỹ thuật liên quan vũ khí trang bị.

Tăng tốc

“Toàn tàu báo động chiến đấu đối không! Toàn tàu báo động chiến đấu đối không!”. 14 giờ 30 phút. Bài bắn khó nhất trong nội dung huấn luyện bắn pháo đã bắt đầu. Khác với bài bắn mục tiêu trên biển và bắn mìn trôi là xạ thủ có mặt trực tiếp tại vị trí bắn; đối với bài bắn mục tiêu trên không, kíp trắc thủ phải có mặt tại trung tâm điều khiển bắn. Trên màn hình ra-đa điều khiển bắn pháo, trắc thủ sẽ thực hiện bắt, bám mục tiêu, sau đó truyền thông số để xạ thủ điểm hỏa. 

“Mạn trái 80, cự ly 5.500, mục tiêu bay vào! Ngành 2 bám sát mục tiêu!”. Tiếng loa nội bộ đều đều phát đi những khẩu lệnh nối tiếp nhau. Mục tiêu trên màn hình liên tục thay đổi. Ánh mắt tập trung cao độ và nét mặt có phần căng thẳng của kíp trắc thủ khiến tất cả các thành phần quan sát cũng gần như nín thở. Phải đến khi khẩu lệnh “Ngành 2 tự động bắn!”... rồi “Ngừng bắn!”, “Thôi bắn!” vang lên, khuôn mặt của tất cả mọi người mới giãn ra. Theo Thượng úy Phạm Ngọc Đạt, ngành trưởng Ngành 2 (Ngành hỏa lực) Tàu 016: “Độ khó của bài bắn là ở chỗ: mục tiêu sẽ được thả từ máy bay ở độ cao từ 4.000 m đến 1.000 m và độ cao thấp nhất là 500 m. Mục tiêu có tốc độ bay lớn, cự ly xa. Việc quan sát, bắt, bám mục tiêu đã khó, việc đồng bộ ra-đa điều khiển và pháo, công tác hiệp đồng giữa trắc thủ và xạ thủ cũng là những thách thức khiến đơn vị phải tăng cường thời gian và cường độ huấn luyện”. “Đó là chưa kể đến việc trong quá trình huấn luyện, chúng ta không có mục tiêu đối không theo đúng điều kiện bài bắn dự thi mà phải vận dụng mục tiêu bay luyện tập do ta tự sản xuất. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến thành tích của chúng ta sau này”, Thượng úy Đạt bổ sung.

Khi mặt trời đỏ lựng lừ lừ lùi xuống phía chân trời cũng là lúc thuyền trưởng hạ lệnh cho tàu về bến, kết thúc nhiệm vụ huấn luyện trong ngày. Trên boong tàu, gió biển thổi mát rượi. Tôi tiến lại mạn tàu nơi Thiếu tá Hoàng Anh, Thuyền trưởng Tàu 016 đang đăm chiêu nhìn về phía trường bắn. Khuôn mặt anh đen sạm vì nắng gió nhưng ánh mắt sáng lên vẻ cương trực. Anh trầm tư: “Được tham gia Hội thao Quân sự quốc tế là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm rất lớn đối với cán bộ, chiến sĩ Tàu 016 nói riêng và Lữ đoàn 162 nói chung. Mặc dù các bài bắn dự thi đều là những nội dung mà tàu đã thực hiện rất tốt trong các đợt huấn luyện, diễn tập hằng năm; thế nhưng điều kiện bắn ở Hội thao lại có nhiều điểm khác biệt. Khác về bia mục tiêu, khác về điều kiện khí tượng, thủy văn, địa văn trường bắn. Nếu được tập trên chính vùng biển diễn ra bài thi thì anh em mới thu được kinh nghiệm sát thực tế. Rồi trong điều kiện nắng nóng thế này, để tàu có thể đồng bộ được vũ khí, trang bị kỹ thuật với cường độ huấn luyện cao cũng là cả một vấn đề. Mình vừa huấn luyện vừa phải bảo dưỡng thật tốt để còn mang đi thi nữa”.

Thế mới biết, hành trình tìm kiếm vinh quang chưa bao giờ là dễ dàng. Nhất là lần này, việc luyện tập còn trong điều kiện phải bảo đảm các quy định phòng, chống dịch. Trực tiếp chứng kiến công tác chuẩn bị và thực hành huấn luyện nội dung thi bắn pháo tàu của Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân,  tôi mới cảm nhận được những khó khăn vất vả và tinh thần nỗ lực không ngừng của các vận động viên đội tuyển Hải quân. Mang vũ khí khí tài đi thi đấu tại chính quốc gia sản xuất ra vũ khí khí tài đó, thậm chí thi đấu cùng hải quân nước đó, thể hiện không chỉ khả năng làm chủ vũ khí trang bị mà là cả bản lĩnh và vị thế của Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Ngay khi đội tuyển Hải quân nhân dân Việt Nam bắt đầu hành trình tìm kiếm vinh quang này thì bản thân hành trình đó đã vô cùng vinh quang.