Ngược thượng nguồn

Du khảo trên dòng Bồ giang

Những ngày tháng 5, dòng sông Bồ lẳng lặng uốn lượn qua những bãi bồi, các làng quê xứ Huế. Con sông như đứng yên, không chịu thả mình trôi về với biển cả mà có một chút vương vấn như còn lỡ hẹn một điều gì đó. Cuộc thăm thú con sông Bồ trong mùi hương thơm ngát của lúa đang chín ngoài cánh đồng Hương Trà như một chuyến đi về với ký ức xa xăm.

Một góc làng Thủy Tú ngay ngã ba Sình.
Một góc làng Thủy Tú ngay ngã ba Sình.

Chùng chình con nước

Đứng từ vị trí cầu An Lỗ, phóng tầm mắt ra một vùng rộng lớn huyện Quảng Điền, sông Bồ ôm trọn lấy mảnh đất ấy trong vẻ dùng dằng, lưỡng lự như không muốn rời xa. Giữa trưa đầu hè, vài cơn gió thổi trên mặt nước, đu đưa với rặng tre, tàu dừa ven bờ nhưng lại không tạo ra các gợn sóng. Một vẻ tĩnh lặng lạ kỳ của Bồ giang. Dòng nước đứng yên tĩnh cả một đoạn dài tít tắp. Sông lặng thinh. Chạy theo con đường bê-tông đi dọc bờ sông, vẻ đẹp Huế xưa hiện ra rõ nét. Nhờ sự trong xanh của dòng sông mà tán cây cổ thụ ven bờ được phản chiếu in bóng rõ nét. Một điều độc đáo ở đôi bờ sông Bồ là hàng trăm lối đi bậc thềm bằng đất hoặc bê-tông dẫn xuống mép nước được người dân xây nên. Đó là nơi lũ trẻ ghé rửa tay chân, hay là nơi neo chiếc ghe nhỏ. Không gian “cây đa, bến nước, sân đình” biểu tượng của làng quê truyền thống Việt Nam vẫn còn thể hiện rõ ở đôi bờ sông Bồ cho đến ngày nay. Bức tranh miền quê bao la với đồng ruộng, nhà cửa, rặng dừa… hòa với nét mềm mại, thướt tha dòng Bồ giang gợi nên cảm giác là lạ, thoáng đãng. 

Bờ nam sông Bồ đi qua những ngôi làng còn tồn tại đến hôm nay như làng Lại Bằng, Phú Ốc, Văn Xá, Thanh Lương… Bờ bắc con sông giáp với làng Bác Vọng (huyện Quảng Điền). Với hình dáng uốn lượn liên tục, sông Bồ có nhiều khúc quanh co trên địa bàn hai huyện Quảng Điền và Hương Trà, đoạn quanh co nhiều nhất là nơi làng Hương Cần. Chứa đựng bao lớp phù sa từ thượng nguồn, con sông Bồ chầm chậm chảy qua làng La Vân, Phước Yên, Niêm Phò, Thanh Hà ở bờ bắc, làng An Thuận ở bờ nam; rồi uốn quanh về phía đông nam gặp sông Hương ở ngã ba Sình. Sông Bồ trước kia đã từng có các chi lưu chảy quanh thành Hóa Châu, cũng như một đoạn phía trên đổ ra vùng đầm phá Tam Giang ở vịnh Sịa (nay là thị trấn Sịa). Nghỉ chân bên tán cây ven sông Bồ mới hiểu được con sông này như tính cách người thiếu nữ vừa e thẹn, nhẹ nhàng lại lưỡng lự muốn níu giữ chân người lữ khách ở lại vùng quê xứ Huế. Hành trình về với dòng sông Bồ đưa con người dần rời xa chốn ồn ào phố thị, mà thay vào đó là nét hoài niệm, chất phác một miền quê. 

Du khảo trên dòng Bồ giang -0
Bên bờ Bồ giang. 

Đôi bờ chứng tích

Dòng sông Bồ uốn khúc mềm mại, trải dài trên vùng đất lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tồn tại cho đến hiện tại. Đôi bờ Bồ giang là nơi sinh sống của cư dân hàng thế kỷ qua, hầu hết là nhóm cư dân từ các vùng Thanh Hóa, Nghệ An di cư vào đây khai hoang, lập làng. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết: “Làng cổ có mặt sớm nhất ven sông Bồ là làng Hiền Lương (tên cũ là làng Hoa Lang), đến nay đã trải qua 23, 24 thế hệ cư dân sinh sống tại làng. Vì làng Hoa Lang đã bành trướng, mở rộng ở vùng đất trung du, gò đồi vì thế làng có đông dân nhất. Ngôi làng ra đời trong thời gian năm 1445 dưới triều vua Lê Nhân Tông thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, các làng khác thành lập muộn hơn”. 

Khám phá vẻ đẹp sông Bồ không chỉ chiêm ngưỡng ở một mầu trong xanh của con nước, hay những cánh đồng lúa trĩu nặng giọt phù sa mà còn nằm ở câu chuyện làng xã, sử sách ở đôi bờ. Có những ngôi làng nổi tiếng về ăn học như Thanh Lương, Văn Xá, Niêm Phò. Làng Văn Xá là quê ngoại vua Minh Mạng. Một số làng có nghề rèn như làng Hiền Lương, phục vụ trong các chi thợ cho vua chúa, như chi thợ rèn, chi thợ đúc, góp phần vào việc đóng bộ máy tàu hơi nước năm 1841. Hay ngôi làng cách mạng như Niêm Phò gắn với phong trào của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh…

Trên hành trình đi dọc Bồ giang, những câu chuyện, di tích xưa gắn với vẻ đẹp của hàng loạt huyền thoại, nhà thờ tộc họ trong vùng. Hiếm có một dòng sông nào mà đôi bờ lại có nhiều nhà thờ các dòng họ như sông Bồ. Các họ như Ngô, Đặng, Hoàng… được xem là lớp cư dân đã khai canh ra làng cổ Bác Vọng. Làng Bác Vọng cho đến nay vẫn còn giữ gìn tục thờ cúng Bà Chúa Ngọc, Thành Hoàng, Ông Mốc, Thần Nông, Tiên Sư... và đặc biệt là di tích miếu Bà Tơ. Ngày nay, đôi bờ sông Bồ không còn bị ngăn cách nhờ các cây cầu đã nối thông thương. Đoạn sông có thể xem đẹp nhất là khúc trung lưu. Ngắm nhìn dòng sông từ vị trí những cây cầu An Lỗ, cầu Tứ Phú, cầu Phước Yên, cầu Hương Cần, nét hiền hòa nên thơ khuất sau vẻ tĩnh lặng, yên bình đó. 

Ghé sang Quảng Phú, Quảng Thọ, cánh đồng lúa chín vàng đã gặt đang được phơi dưới cái nắng chang giữa trưa hè. Ruộng nằm sát mép nước sông Bồ, lúa thóc được người nông dân phơi ngay trên bờ. Nhờ dòng chảy của sông Bồ từ thượng nguồn, qua bao ghềnh thác non cao mang theo phù sa bồi đắp mà các vụ lúa bà con được bội thu. Vợ chồng cô Nguyễn Thị Thu, 42 tuổi tranh thủ chở lúa về cho kịp chạy mưa giông. Vụ lúa này may mắn gia đình trúng mùa trên ba sào đất ruộng. Vậy là dòng Bồ giang không phụ lòng người nông dân, con sông xanh biếc ấy đã nâng niu từng cây lúa đôi bờ.

Cuộc viễn du về miền xuôi

Càng về xuôi, dòng chảy sông Bồ như giảm bớt sự luyến tiếc những vùng đất sông đã đi qua. Ngã ba Sình là nơi hợp lưu đoạn cuối của sông Bồ với sông Hương. Sắc mầu con nước ở ngã ba này đã không còn mầu xanh đậm, bởi lẽ sự hòa trộn của hai dòng nước tạo nên những con sóng nhấp nhô đánh tan đi những lớp rong rêu xanh thẫm. Trầm mặc, một không gian mặt nước bao la mở ra hành trình mang phù sa về miền biển cả. Mươi chiếc thuyền nhỏ neo đậu dưới chân cầu Thanh Phước là những ghe, thuyền của cư dân xóm vạn chài Thủy Tú. Mái hiên nhà được làm nhô ra mép nước là nơi sinh hoạt của người dân xóm này. Thỉnh thoảng, tiếng động cơ chiếc thuyền máy đi đánh lưới xé sóng vươn mũi ra giữa dòng sông Hương phá đi vẻ yên tĩnh của xóm chài. 

Làng Thủy Tú còn được biết đến bởi người dân vùng này được vua ban cho đặc ân thu thuế mặt nước. Ngày xưa, những ai làm nghề đánh bắt trên sông Bồ đoạn chảy qua làng Thủy Tú đều phải đóng thuế cho làng. Ngày nay, di tích đình làng Thủy Tú cổ kính với mặt chính diện hướng ra sông Bồ như một chứng tích lịch sử cho vùng đất ngã ba sông này. Mái đình rêu phong tọa lạc tại nơi cuối dòng Bồ giang là không gian thờ tự bốn dòng họ có công khai khẩn vùng đất Thủy Tú gồm các họ Lê, Nguyễn Đăng, Nguyễn Đại, Nguyễn Quang. 

Ngã ba Sình đã kết thúc cho hành trình viễn du qua nhiều vùng đất lịch sử, văn hóa mà sông Bồ là một bức tranh tổng hợp đa sắc mầu, nhiều mảnh ghép. Để rồi từ đây, làn nước trong xanh sẽ hòa vào dòng sông Hương lang thang về với biển cả. Đứng ở cây cầu Thanh Phước ngắm nhìn dòng Bồ giang lần cuối trước khi người thiếu nữ e lệ ấy về với biển, cảm giác vừa nhẹ nhàng, nhưng có chút tiếc nuối bỗng thoáng qua.

Sông Bồ còn được gọi là sông Đan Điền. Sông có chiều dài 94km. Dòng chảy con sông bắt nguồn từ hai nhánh sông Rào Trăng và Rào Lô thuộc huyện Phong Điền và một nhánh sông A Roằng, huyện A Lưới. Từ đó, con sông chảy qua thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền rồi về gặp sông Hương nơi ngã ba Sình, kết thúc hành trình len lỏi khắp miền đất thơ mộng của xứ Huế. Trong sách “Ô châu Cận lục” của tác giả Dương Văn An có viết, sông Đan Điền là sông lớn của huyện Đan Điền (nay là huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), có nguồn rất xa và dòng rất dài. Đền Minh Uy là ngôi cổ miếu khóa chặt ở đầu nguồn, tòa thành Thuận Hóa giữ vững ở cửa sông. Còn như xóm làng đồng ruộng, đất tốt dân đông. Chợ ở tây bắc, cầu ở phía nam, người xinh, vật quý đều rải rác ở hai bờ nam bắc.