Ngược thượng nguồn

Đi cùng mùa trong xanh

Sông Vệ chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, len lỏi qua các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành. Sông là ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Mộ Đức và Tư Nghĩa trước khi đổ ra biển ở cửa Lở.  

Sông Vệ lững thững ngày hè.
Sông Vệ lững thững ngày hè.

Làng nổi trên sông

Sông Vệ bắt đầu dòng chảy từ vùng núi phía nam huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Từ nguồn về xuôi, sông đổi hướng liên hồi. Đến chân núi Nứa, huyện Nghĩa Hành, từ đây con sông gắn liền với ngôi làng cổ Thiên Xuân - ngôi làng “nổi” trên sông Vệ. 

Nói làng Thiên Xuân “nổi” trên dòng sông Vệ bởi vị trí làng bây giờ chính là lòng sông, là khúc quanh của con sông Vệ trăm năm trước. Trong trí nhớ của dân làng, ngày trước, nước sông ăn sâu vào chân núi Nứa. Thuở còn cọp, beo trên núi, sông ngày ấy hiền hòa, lững thững trôi. Mùa lũ kéo về, bao nhiêu phù sa, đất cát đều bồi tụ vào chân núi. Ông Hồ Xuân Mỹ, 65 tuổi nhớ như in cha mẹ ông thời điểm năm, sáu mươi năm trước bắt đầu lấn ra bãi bồi làm nhà chòi để canh tác hoa màu bởi đất phía ngoài màu mỡ hơn trong chân núi. 

Một vùng rừng núi còn hoang vu được khai hoang mở rộng ra. Bãi bồi nhỏ bé năm nào đến nay đã rộng gần 50 ha. Ngày trước, cả làng chỉ khoảng 40 hộ dân sống tách biệt, còn nay đã gần 300 hộ. Con nít, phụ nữ làng Thiên Xuân vẫn mừng vui hết độ mỗi khi nghe có ghe chở con mắm dưới miền xuôi lên bán. Củi núi Nứa chặt xuống, don sông Vệ xúc lên đổi lấy mắm cá cơm dưới biển ăn trong ngày mưa. Ngày xưa lòng sông còn loài don, bây giờ chỉ đâu đó sót lại vài bãi có hến.

Mưa lũ trên sông Vệ lên rất nhanh và cạn cũng nhanh. Là bãi đất bồi nên mùa mưa như xối nước, hầu hết nhà ven sông Vệ đều bị ngập sâu, cá biệt có ngôi nhà bị ngập không còn thấy nóc. Vậy nên mới có đặc điểm ở làng Thiên Xuân, từ trước đến nay, mỗi hộ dân phải có hai căn nhà, một căn để ở quanh năm, một căn chỉ ở… dăm ba ngày. 

Nhà làm bằng khung cây gỗ lợp mái tranh. Vách phên đan khung tre trát đất ngăn gió lùa. Nghe người già trong làng bảo, “thủy thần” năm nào cũng ghé thăm Thiên Xuân. Cứ đến khoảng tháng 8, tháng 9, bao nhiêu nông sản thu hoạch được, đồ đạc gói ghém đều đưa lên căn nhà tạm trên đoạn Trường Lũy bằng đá ở đỉnh núi. “Hễ nghe lụt là lại ớn. Nước lên cũng thức canh dọn đồ, nước xuống cũng thức để múc nước dọn bùn non cho sạch”, ông Mỹ nói như than trách dòng sông.

Ngày hè, nước sông Vệ cứ bình thản trôi. Bức tranh bản sắc cộng đồng giữa người Kinh và đồng bào H’rê pha trộn lẫn nhau. Bài học giữ đất, giữ làng tránh bị sạt lở của đồng bào như dùng tre chắn đất hoặc cách xếp đá tạo nên Trường Lũy, người Kinh đã học được. Chỉ tay ra bến sông trước nhà, ông Mỹ cho biết “cụ tre” hơn trăm tuổi kéo dài mấy chục mét ngoài bờ sông không ai được chặt. Xóm làng được rặng tre che chở tránh bị sụt lún, bảo vệ mỗi khi lũ về nên tre ở Thiên Xuân được gìn giữ rất nghiêm ngặt. 

Mấy nhịp cầu qua sông

Về Quảng Ngãi, từ quốc lộ 1A, rẽ sang đường DT624B, men theo dòng sông Vệ lên đầu nguồn, những đồi núi mơ màng, đám bắp xanh ngắt hiện ra. Sông Vệ, tiếng gọi thân thương nhưng chẳng ai biết sông bao nhiêu tuổi. Thân thương làm sao tính bằng năm tháng!

Bây giờ, cây cầu bê-tông Hành Tín bắc qua sông nối liền hai xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành). Con đò, cây cầu tre năm xưa đã lùi vào dĩ vãng. Ông Lê On và ông Võ Nghi (người ở làng trên) ban đầu tự bỏ tiền ra mua ván, cây gỗ để làm chiếc cầu đi tạm nối đôi bờ sông Vệ. Cầu tạm ọp ẹp cũng chỉ dùng được trong mùa nước cạn. Ngày nước nguồn đổ về, lai láng mặt sông rộng thênh thang, cây cầu bị ngập. Người dân muốn sang bờ bên kia thu hoạch mấy nà bắp, nà đậu đành bám vào con đò nhỏ của ông On, rồi gửi cho ông vài đồng lẻ gọi là “tiền đò”. 

Đò nhỏ lênh đênh ra giữa sông hiểm nguy bao nhiêu thì tình làng nghĩa xóm sâu đậm bấy nhiêu. Ngày nước dâng cao, gió ùn về, ông lái đò vẫn ra bến đợi khách qua sông. Bến đò xưa nằm sát chân cầu Hành Tín bây giờ. Bến còn đó nhưng đò chỉ còn trong ký ức bao lớp cư dân sống dọc dòng sông Vệ thân thương.

Đêm bên dòng sông Vệ, hàng quán lấp lánh ánh điện. Từ ngày cầu Hành Tín được xây dựng, hai xã vốn đò giang cách trở, muốn qua chơi bên kia sông cũng khó thì nay không còn khoảng cách. Điện lưới quốc gia bắt đầu được kéo về vùng ven sông Vệ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Tuổi thơ những đứa trẻ vốn chỉ biết ánh đèn dầu hiu hắt mỗi khi đêm về đã không còn. Chiến tranh qua đi, kinh tế vùng huyện Nghĩa Hành dần ổn định. Vùng đất trên là núi, dưới sát sông này chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng cây hoa màu, rồi nay chuyển sang trồng rừng với cây keo. 

Con sông quê hương đã nuôi dưỡng, che chở biết bao thế hệ. Vui sông cũng biết, buồn sông cũng hay. Có người mong rời làng, rời sông tìm đến nơi phố thị làm ăn, sinh sống. Tuy vậy, anh Nguyễn Thanh Đường lại suy nghĩ ngược lại. Dù đã có bằng cấp đại học nhưng anh nghĩ đó là việc tìm lấy con chữ, hai tiếng quê hương lại thôi thúc anh quay về. 

Nhớ ngày còn lẽo đẽo theo cha ra ruộng, hai cha con anh nghe đồn khu vực ruộng lúa dọc sông Vệ này có nhiều hũ vàng được chôn cả mấy trăm năm trước. Tin lời, họ đi đào. Đào hết cả mươi sào đất, vàng đâu không thấy, chỉ thấy sau lưng đất đai tơi xốp. Ấy vậy mà vụ lúa năm sau, xóm anh trúng mùa. Có lẽ, câu chuyện đồn thổi kho vàng nhằm thúc giục người nông dân khai khẩn bãi bồi mà sông Vệ mang đến cho làng Thiên Xuân. Thuở nhỏ đám bạn reo hò tắm mát nơi bến sông Vệ thì bây giờ, bãi biền bồi đắp, anh Đường đang làm ăn kinh tế trên chính mảnh đất đó.   

“Bất ẩn Thiên Xuân khê”

Làng Việt ven sông nơi vùng trung du huyện Nghĩa Hành xưa, cây khoai, cây mì mọc khắp lối. Đất đai tốt tươi nhưng nơi rừng xanh núi rậm, các cụ cao niên vẫn lưu truyền câu nói “Bất ẩn Thiên Xuân khê”. Di tích Trường Lũy vẫn còn như chứng tích cho những năm tháng mùa đông giá rét, người làng bỗng sinh bệnh tật rồi mất đi. 

Dân làng nhiều lần di dời nơi ở nhưng vẫn lấy sông làm nơi cắm dùi, người lớn chỉ bày cho con cháu làm nhà, làm chuồng gia súc an toàn, tránh lũ. Thời tiết khắc nghiệt đã rèn cho cư dân người Kinh, người H’rê khả năng bền bỉ, vượt khó. Ngọn núi Nứa đổ bóng xuống dòng sông Vệ bao đời che chắn gió bão cho làng Thiên Xuân. May mắn là vậy nên ở Thiên Xuân, loài cây không nhánh - cây cau mới mạnh mẽ vươn cao.

Khung cảnh làng quê nơi triền sông thêm thơ mộng với những vạt cau xanh thẫm. Cây cau dường như hợp với khí hậu, thổ nhưỡng xứ này. Loài cây chỉ chăm sóc vài năm đầu tiên, đến độ ra quả, cây cau giúp bà con có thu nhập ổn định. Ông Mỹ nói vui, nếu ngày xưa thời các ông Lê On, ông Võ Nghi chèo đò mỗi tháng không đủ là bao mà ngày đó có cây cau, chắc họ sẽ bớt cơ cực hơn. Nay, thương lái miền xuôi tìm về thượng nguồn sông Vệ mua cau với giá 50.000 đồng/kg, đến mùa mỗi vườn cau cũng cho thu nhập gần trăm triệu đồng.

Nơi đầu nguồn, suối Chí, thác Lũng Ồ, thác Lệ Trinh hòa dòng nước mát vào con sông Vệ. Dòng chảy thân thương ấy đã nuôi nấng những dòng tộc Hồ, Nguyễn, Lê, Trần… hàng trăm năm nay. Lớp trẻ bây giờ biết lần tìm về lịch sử làng mình, họ trân trọng bến quê nhiều hơn. Thế hệ người già với bao bài học kinh nghiệm làm ăn, canh tác ở ngôi làng “nổi” trên sông đã không còn. Để rồi, lớp con cháu như anh Đường đã chọn quê hương để quay về. Sông Vệ vẫn dịu dàng che chở người làng như bao đời đã qua...

Làng cổ Thiên Xuân bên dòng sông Vệ nay đã được biết đến là một địa điểm tham quan du lịch của tỉnh Quảng Ngãi. Đoạn Trường Lũy, làng Thiên Xuân được bảo tồn khá nguyên vẹn, là nơi lưu giữ dấu ấn hành trình đi về phương Nam của người Việt xưa.