Ngược thượng nguồn

Cô Hai trên dòng Châu Đốc

Sông Châu Đốc (An Giang) chạy tới đình Dung Thăng gặp sông Nhơn Hội  tạo thành ngã ba Dung Thăng. Từ ngã ba Dung Thăng sông Châu Đốc chạy tiếp một đỗi, qua khỏi ngọn Cả Hàn chưa đầy một cây số là qua đất bạn. 

Đời sống dân chài trên dòng sông biên giới. Ảnh: TRUNG KIÊN
Đời sống dân chài trên dòng sông biên giới. Ảnh: TRUNG KIÊN

Người con quê lúa An Giang

Theo câu hát “có ai về An Giang xem cây lúa trổ bông”, chúng tôi về An Giang nhưng nghĩ rằng, xem cây lúa trổ bông chắc là mắc mệt. Lúa trổ  thì dài ngày mà tụi tui đi hối như người chạy hôi cá tát đìa. Vì vậy, cả nhóm đi theo hành trình khác, khám phá dòng Châu Đốc qua câu chuyện của người phụ nữ sống ở miền biên giới An Giang.

Đó là cô Trương Thị Lan (bí danh Hai A) xã Vĩnh Hội Đông (An Phú, An Giang). Vừa dẫn chúng tôi theo dòng chảy, cô vừa nhìn con nước như nhìn lại những năm tháng khi xưa. Cô kể, người dân hai bên bờ đoạn sông đó không gọi sông Châu Đốc mà gọi là sông Dung Thăng. Một khúc sông ngắn mang một cái tên khác biệt và lịch sử đi qua nó cũng khác biệt của vùng đất biên cương An Phú (An Giang).

Cô Hai A, từng giữ các chức vụ: Phó Bí thư Huyện đoàn, Trưởng Công an xã Vĩnh Hội Đông. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng không biết mệt mỏi, lập nhiều chiến công xuất sắc, bà Trương Thị Lan đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì và ba. Được Bộ Công an tặng 3 danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp... 

Gặp cô, cô không kể về thành tích mà chỉ thì thầm kể chuyện dòng sông trong mênh mang mùa lũ, trong ngày đầu đông chờ gió lạnh về để cây sầu đâu trổ bông cho cô ngắm. Cuộc đời của cô gắn với dòng sông. Cô Hai A nhờ người đồng đội già của mình lái xuồng máy chở chúng tôi từ bến đò Bùng Binh. Lúc cô nói chuyện với mấy đứa cháu trong nhà thấy cô giống như bao nhiêu bà già khác, rất đỗi bình thường. Nhưng tuổi trẻ của cô Hai từng đứng trên xuồng máy đang chạy, dáng sừng sững, mắt nhìn đăm đăm vào từng mảng nước, mảng cây, đi qua bao nhiêu trận đánh.

Ghe tới đình Dung Thăng, cô chỉ tay về phía đình tọa lạc ngay ngã ba sông Dung Thăng: “Đình thần xứ mình linh lắm. Hồi xưa, hay báo mộng cho tôi hoài à”. Nói xong, cô Hai cười, hẳn hồi đó có nhiều chuyện cô nghĩ, cô nằm lòng, rồi trong mơ nó lại hiện về, đình làng chỉ là cái cớ, cái bóng trong giấc mơ năm cũ.

Xuồng chúng tôi ghé vào một ngôi nhà đầu ngọn sông.  Cô Hai bước lên bến nhìn ngược về phía sông. Cô Hai A giải thích: “Chỗ này, vô thêm khoảng hơn hai cây số là tới biên giới. Mùa ni là sông, mùa lũ về, ngập đồng trắng bãi, hổng nhận ra sông, ra đồng luôn đối với người mới. Chứ người ở đây quen thuộc, không khó chi mà không biết dòng chảy của con sông”.

Cô Hai trên dòng Châu Đốc -0
Một đoạn sông Châu Đốc. Ảnh: VÕ DIỆU THANH 

Tay chèo vẫn vững...

Cuối chuyến đi chúng tôi về nhà cô Hai A ăn bữa cơm mắm kho nhúng bông điên điển ở nhà sau của cô bên bờ sông. Mắm do cô Hai A ủ buổi ăn do con gái cô Hai A nấu. Mọi người thán phục cô làm mắm ngon.

Cô con gái đã ngoài năm mươi ngồi ăn cơm chung vừa gắp thức ăn cho khách vừa nói: “Má làm đủ nghề, nghề nào cũng giỏi. Nhờ vậy mà giữa thời đói khổ tụi tôi no ấm!”.

Nói tới đó tự nhiên chị bỏ chén cơm xuống rồi khóc. Mọi người nói hễ kể về má mình hồi xưa là chị khóc. Chị đã cố kiềm chế nhưng tiếng nói vẫn cứ nghèn nghẹn không nên lời. Nhiều khi con người ta đẻ ra mà người ta thương còn thua má thương tụi em. Hồi đó nhà nghèo, má dành dụm cho em cái mền, em cũng giữ tới bây giờ. Chồng em nói cũ rồi bỏ đi. Nhưng em nói của má cho, rách em cũng giữ.

Chị lại khóc. Tới lúc này chúng tôi mới biết, rời chiến tranh, khi cô Hai A thèm làm mẹ thì chẳng thể sinh con. Vậy là cô gá nghĩa với người đàn ông góa vợ rồi nuôi gần chục đứa con chồng bằng tất cả nhọc nhằn lẫn cái tình bao la của người mẹ ruột. 

Cô Hai A khẽ đáp vậy nè, con người ta mang nặng đẻ đau, mình không đẻ mà có con, không thương sao được mấy cháu.

Nhìn cách cô dịu dàng trong nhà bếp, bên cạnh bầy con, bầy cháu tôi đùa: “Chắc hồi xưa nhiều người thương cô lắm?”. Cô Hai A cười hiền, xấu hoắc mà thương gì, đầu tóc suốt ngày rối bù còn không chải. 

Bữa cơm dường như lắng lại, chắc mọi người đang nghĩ gì đó về những ngày cô Hai A, người nhỏ nhắn quăng mình giữa mênh mông trời nước. Cô lường hết những con đường thành bại, nhưng cô không lường được mình đã để tuột đi những năm tháng xuân xanh đẹp nhất của đời con gái. 

Có hề gì, người mẹ kế lại tiếp tục bám nước để nuôi dưỡng những đứa con chồng. Bây giờ quả ngọt cô hái được là lòng hiếu thảo của những người không ruột rà máu mủ. 

Xuồng đưa chúng tôi trở lại bến đò Bùng Binh ra về. Ngồi trên xuồng nhìn con nước từng thấm đẫm tuổi trẻ tưng bừng của cô Hai, tôi nghe trong lòng mình tràn ngập cảm giác biết ơn. Cô không đơn thuần giữ yên bình cho một khúc sông Vĩnh Hội Đông mà hình ảnh của cô, mọi người đều tin rằng, dân tộc mình trường tồn, ai cũng có thể giống cô khi hạ tất cả tư lợi xuống thì sẽ  làm được gì đó cho đất nước cho quê hương dẫu thời bình hay thời loạn. Sức mạnh ở ý chí, ở lương tâm và ở phía những chân tình nhẹ như sương, mềm như nước.

Sông Châu Đốc có chiều dài 15km, là dòng chảy song song biên giới giữa An Giang (Việt Nam) và tỉnh Takeo (Campuchia). Sông Châu Đốc gắn với thành phố cùng tên Châu Đốc là một trong những thành phố biên cương phía tây nam Tổ quốc. Dòng sông Châu Đốc còn làm nên thương hiệu các món ăn mà ai tới đây cũng đều muốn thử, đó là món bún cá Châu Đốc, gỏi sầu đâu. Món bún cá Châu Đốc ngon bởi nước lèo nấu với nghệ tươi, cá lóc thái lát luộc chín chắc nịch ăn với rau sống có bông điên điển. Món gỏi sầu đâu gồm thịt heo ba chỉ luộc chín, dưa leo thái mỏng, cùi thốt nốt... ăn kèm với lá cóc xanh. Một số món ăn ở đây có sự giao thoa thẩm thấu ẩm thực với nước bạn.