Chuyện ở nơi “được nuôi để viết” (kỳ 2)

Mùa hè năm 1996, tôi được mời đi trại viết. Khó diễn tả hết niềm vui sướng trong lòng khi nhận được giấy mời tham gia trại viết của tạp chí Văn nghệ quân đội. Lúc bấy giờ, tôi đang ở Quảng Trị, là cán bộ thuộc một đơn vị của Binh đoàn Trường Sơn. 

Các trại viên một trại viết của tạp chí Văn nghệ quân đội thực tế tại đơn vị đặc công. Ảnh: TL
Các trại viên một trại viết của tạp chí Văn nghệ quân đội thực tế tại đơn vị đặc công. Ảnh: TL

Kỳ 2: Những ngày Đồ Sơn nhớ mãi

Điểm hẹn “khách văn chương”

Năm ấy, Văn nghệ quân đội tổ chức cuộc thi truyện ngắn và thơ. Tòa soạn muốn tổ chức trại viết để nâng cao chất lượng tác phẩm dự thi và hy vọng từ đó lựa chọn được các giải thưởng xứng đáng. Tôi được mời vì có bài thơ Bông huệ trắng (viết về liệt sĩ) được in tạp chí vào tháng 12, sau đó được tặng thưởng tác phẩm xuất sắc của năm 1995.

Cũng là lần đầu tiên tôi được đến Đồ Sơn của thành phố cảng Hải Phòng. Cả Hải Phòng và Đồ Sơn đều rất nổi tiếng, Một thành phố Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ. Và Đồ Sơn, khu du lịch lừng danh với cảnh đẹp, không gian thoáng lộng, cùng những câu chuyện mờ tỏ rì rầm, lao xao đây đó. Tuy nhiên, Đồ Sơn tôi biết chủ yếu tập trung ở trại viết của Nhà số 4 do nhà thơ Vương Trọng phụ trách và mấy chục cây bút đang được hy vọng trong cuộc thi truyện ngắn và thơ. Từ Đông Hà (Quảng Trị) ra Đồ Sơn với tôi có Trần Thanh Hà, một cô giáo dạy văn nhưng đã được giải thưởng “Tác phẩm tuổi xanh” của báo Tiền Phong. Tiền Phong thời ấy cũng oách, được coi là bệ phóng vào bầu trời văn chương Việt của những cánh bay trẻ. 

Nổi tiếng nhất trong trại viết có lẽ là một trung sĩ lái xe tăng, từng chiến đấu ở Cửa Việt thời đánh Mỹ; anh Nguyễn Thế Tường đã được giải nhì cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội lần trước với tác phẩm Hồi ức của một binh nhì. Từ Đà Nẵng về trại viết có anh Đỗ Viết Nghiệm là một cán bộ chính trị của Quân khu 5. Có một cựu chiến binh trước cũng ở Quân khu 5, bạn thân của anh Nghiệm là tác giả Tô Hoàn quê tỉnh Bắc Giang. Sàn sàn với tôi có Sương Nguyệt Minh, Lò Cao Nhum, Vũ Toàn, Phan Tùng Lưu… Trẻ hơn đôi chút có Phùng Kim Trọng, Phùng Văn Khai, Hoàng Gia Minh… Trong các cây bút nữ tham gia trại viết, có Như Bình đến từ Hà Tĩnh xinh đẹp lộng lẫy. Bình hồi ấy hình như là gái một con, nhan sắc rạng rỡ. Tôi cũng thích nhưng biết phận mình xấu trai, tài kém nên chỉ đứng xa xa mà chiêm ngắm nàng thôi chứ không dám ho he gì. 

Những nung nấu, những nỗi niềm…

Đến trại viết đương nhiên là viết. Cắm cúi viết. Hăm hở viết. Lặng lẽ viết. Viết ngày. Viết đêm. Ngồi viết ở bàn. Nằm viết trên giường. Tựa gốc cây làm thơ. Tha thẩn trong sân tìm tứ, tìm chữ. Dù không lộ ra rõ ràng nhưng có một cuộc đua ngầm giữa các tay viết. Hình như ai cũng muốn được thể hiện mình mà cái đích là các giải thưởng danh giá của tạp chí Văn nghệ quân đội nổi tiếng. 

Nhưng có lúc lại khác. Bên ấm trà Thái thoảng thơm, nước rót ra xanh mầu cốm hay khi có chai rượu gạo à ơi đưa đẩy chuyện văn, chuyện đời bỗng nhiên tưng bừng hẳn. Chuyện cười và cả chuyện “tế nhị” có lẽ chiếm tỷ lệ cao hơn trong các cuộc “sinh hoạt” ngoài luồng đó. Lạ, là mấy em xinh đẹp ít khi ngồi tán chuyện với cánh đàn ông. Tôi mơ hồ cảm thấy có gì đó ngăn cách giữa cánh cầm bút đàn ông với cánh nữ cầm bút ở trại. Tự nhiên, bùng ra một chuyện không vui. Ai đó nói rằng mấy em… chê đàn ông trại viết này “vừa già vừa xấu”. Chẳng biết có đúng là mấy em nói thế không, chả ai bỏ công tìm hiểu xác minh cả nhưng cái câu “vừa già, vừa xấu” đó hình như đã đụng chạm vào lòng tự ái, tự trọng vốn dư thừa của những người đàn ông cầm bút nên họ cứ lánh xa dần các bóng hồng. Tội nghiệp, có vài em thấy tủi thân thế nào bật khóc. Đầu tiên nước mắt ứa ra đôi giọt, nóng hôi hổi lặng lẽ lăn trên má. Nếu thế thì chẳng ai biết được các nàng khóc. Sau đó, dường như không kìm được, tiếng khóc vang lên, to dần, lớn dần và nức nở. Chuyện qua lâu rồi và cũng chẳng có gì nghiêm trọng cả nên tôi cứ thật thà kể lại như thế. Nó như một thoáng mưa bóng mây, vì sau đó không khí trong trại viết vẫn hòa thuận vui vẻ. 

Quá nửa thời gian, trại viết tổ chức đêm thơ. Ngoài các thành viên dự trại có thêm một số nhà văn, nhà thơ từ tòa soạn xuống, ban tổ chức mời các cán bộ, chiến sĩ đoàn an dưỡng, nơi chúng tôi đang ở và đại diện của Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng. Buổi chiều, nhà thơ Vương Trọng đã gặp tôi bảo: “Tối nay, em đọc bài Bông huệ trắng nhé! Có thuộc không?”. Nhà thơ Vương Trọng có trí nhớ cực tốt, anh có thể nói vanh vách đường sắt từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh dài bao nhiêu cây số, có bao nhiêu ga, ga này cách ga khác bao nhiêu km. Truyện Kiều thì anh thuộc hết không hề sai một chữ, còn biết được câu ấy là thứ mấy nếu ai đó hỏi. Nên bài thơ nào làm ra nhà thơ đều thuộc cả, dù nó dài ngắn khác nhau. 

Không phải nhà thơ nào cũng thuộc được thơ mình. Có nhà thơ tài danh không thuộc trọn vẹn bài thơ nào của mình. Khi đọc thơ họ phải cầm sách, hoặc giấy. May thay, tuy Bông huệ trắng khá dài nhưng tôi vẫn thuộc. Đêm thơ diễn ra ấm áp và sôi động. Khi được giới thiệu, tôi hồi hộp bước lên và bất giác nhìn trời. Bầu trời đêm chi chít sao, từ xa xăm những chấm sáng lấp lánh vọng dội vào tôi cái cảm xúc rất khó tả. Tôi nghĩ tới những người lính đã ngã xuống trong chiến trận và rưng rưng khi cất thốt lên giấc mơ về đồng đội: Những người lính trở về têm cho mẹ miếng trầu cay/giấc mơ mẹ đỏ tươi từng giọt máu/những người lính trở về xòe tay trên bếp khói/giấc mơ mẹ mình đơm óng ả hạt mùa chiêm/những người lính trở về đánh rạ dọn rơm/giấc mơ mẹ bay la dòng sữa trắng/những người lính trở về cười ngượng nghịu/giấc mơ người bật dậy tiếng oa oa… 

Tiếng vỗ tay vang lên. Tôi biết tôi đã diễn đạt đúng cảm xúc khi đọc bài thơ. Và thật bất ngờ, Như Bình trên tay cầm một bông hoa hồng đi lên tặng tôi. Hồng hoa và em, người con gái Thành Sen cho tôi một ấn tượng thật đẹp chưa bao giờ quên về trại viết năm ấy.

Lạ lùng khoảnh khắc thiêng liêng

Và, có một đêm khác tôi cũng khắc ghi trong lòng như một kỷ niệm cảm động về trại viết năm ấy. Đêm ấy, chẳng hiểu vì sao tôi thao thức trằn trọc mãi. Trong khuya khoắt nằm lắng nghe tiếng sóng, tiếng gió, bỗng nhiên trước mắt tôi hiện về những nấm mộ ở nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Nghĩa trang này nằm ở thượng nguồn sông Bến Hải, nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng sống, chiến đấu, lao động trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại thời chống Mỹ. 

Tôi có cảm giác như đang đứng bên những ngôi nhà đồng đội, những ngôi nhà hoàn toàn giống nhau về hình dáng, kích thước và có một ngôi sao mầu đỏ trên đó, chập chờn những dòng tên. Chập chờn những con số ghi ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm các anh chị ra đi. Trai. Gái. Phần đông còn rất trẻ. Có một lớp thanh xuân đang nằm dưới cỏ trong vầng lá bồ đề bát ngát chở che. Tôi thấy mình đang đứng trước bạn gái thuở học trò cấp hai, cô gái hy sinh khi tuổi mới 18 trong một trận bom ác liệt trên Trường Sơn.

Và bên tôi văng vẳng những câu thơ chưa hề xuất hiện ở đâu cả: Nằm kề nhau/Những nấm mộ giống nhau/Mười nghìn bát hương, mười nghìn ngôi sao cháy/Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng/Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn…Tôi sững sờ, bàng hoàng ngồi dậy bật đèn chép những câu thơ ra giấy, những con chữ như muốn xô vào nhau, ào ạt và mãnh liệt. Dòng thơ tiếp tục tuôn chảy như một mạch nguồn bí ẩn tôi không giải thích được: Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn/Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/Mười nghìn con đò thương về bến đợi/Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa… Bình minh. Biển Đồ Sơn hửng sáng với những tia nắng hồng tươi đầu tiên trong ngày. Tôi cũng đã viết xong bài thơ Khát vọng Trường Sơn. Một cảm giác lâng lâng rất lạ tràn ngập lòng tôi.

Phải nói, Văn nghệ quân đội thu hoạch lớn từ trại viết tháng 5/1996. Một số tác phẩm sáng tác từ trại viết của Trần Thanh Hà, Nguyễn Hữu Quý, Sương Nguyệt Minh, Lò Cao Nhum, Như Bình, Phùng Văn Khai… đã được giải thi thơ, truyện ngắn của Văn nghệ quân đội. Bài thơ Khát vọng Trường Sơn được giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi thơ năm đó. Vui hơn, là hầu hết các tác giả dự trại trước, sau đều trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

(Còn nữa)