Lời nói dối nguy hiểm

Djokovic đến Australia vào ngày 4/1 vừa qua sau khi được liên đoàn quần vợt nước này xác nhận miễn trừ y tế, được đánh giá bởi hội đồng y tế độc lập mà bang Victoria thông qua. Anh không có nghĩa vụ tiết lộ về những điều riêng tư, nhưng tay vợt Serbia quên rằng anh là tài liệu tham khảo của thế giới vào thời điểm khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng. Chính điều này khiến anh bị người dân Australia và đồng nghiệp phản đối mạnh mẽ vì những lời khai báo bất nhất.

Xuyên giữa những chu kỳ trong cuộc đời Djokovic là sự tranh cãi bất tận.
Xuyên giữa những chu kỳ trong cuộc đời Djokovic là sự tranh cãi bất tận.

Cuộc đời Novak Djokovic luôn trải qua những chu kỳ khác nhau với từng điểm nhấn đặc biệt. Từ những vụ đánh bom mà tuổi thơ trải qua và hình thành tính cách của anh đến những thành công về thể thao với hàng loạt kỷ lục, cho đến những lần sụp đổ, nỗi đau và sự chuộc lỗi. Xuyên giữa những chu kỳ trong cuộc đời anh là sự tranh cãi bất tận.

Sau phán quyết từ Tòa án Liên bang, Djokovic được trả tự do. Từ đây, câu chuyện tiếp tục và Djokovic bị phát hiện đã nói dối khi nhập cảnh để tham dự Australian Open. Khi thực hiện khai báo nhập cảnh hôm 4/1, Nole đánh dấu vào mục không di chuyển khỏi nơi ở trong 14 ngày trước khi đến Australia. Thực tế, ngày 25/12 năm ngoái, Djokovic tham gia một cuộc triển lãm quần vợt trên đường phố Belgrade, nơi anh chụp ảnh với cầu thủ bóng ném Petar Djordjic. Anh kết thúc năm 2021 với chuyến đi Tây Ban Nha và tập luyện ở Marbella, cụ thể là tại CLB Puente Romano. Tại đây, anh xuất hiện và ký tặng một số trẻ em hôm 31/12. 

“Người đại diện của tôi xin lỗi vì sai lầm hành chính mà anh ấy mắc phải”, Djokovic biện minh sau khi bị Cơ quan Biên phòng Australia điều tra về khai báo gian lận. “Đó không phải lỗi có chủ ý mà là sai sót rất con người. Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn, giữa đại dịch toàn cầu và những sai sót này thỉnh thoảng có thể xảy ra”. Không chỉ vậy, sau khi xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính với Covid-19 vào ngày 16/12, Djokovic vẫn xuất hiện ở nơi công cộng mà không đeo khẩu trang. Anh tham dự phỏng vấn với tạp chí L’Equipe (Pháp).

Djokovic trở thành ngọn lửa cho cuộc chiến chính trị. Mối quan hệ ngoại giao giữa Serbia và Australia đi xuống mức tối thiểu. Cha anh không ngừng kích động biểu tình, với những phát ngôn liên quan đến chính trị và cả tôn giáo. Djokovic và gia đình cố thể hiện anh chỉ là một nạn nhân trong cuộc tranh đấu này. Trong khi đó, Renata Voracova, tay vợt nữ người Cộng hòa Séc, đã bị trục xuất về nước với lỗi tương tự Nole nhưng đành chấp nhận vì không có đủ tiền để thuê luật sư kiện tụng.

Australia thất bại với chính sách “Zero Covid”. Melbourne, nơi diễn ra Australian Open, từng bị phong tỏa trong 265 ngày, hiện đang phải đối mặt với sự bùng phát các ca bệnh, gặp khó khăn trong việc cung cấp vaccine và xét nghiệm. Khi sức khỏe cộng đồng đứng trên tất cả, thì Djokovic, biểu tượng mới cho các nhóm chống vaccine đành nói dối để được tranh tài ở giải Grand Slam đầu tiên trong năm và phải gánh chịu những lời chỉ trích ngày càng nhiều từ người hâm mộ.