Triển vọng thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh

Thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam đạt giá trị 0,71 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến ​​đạt 4,88 tỷ USD vào năm 2030, đạt tỷ lệ tăng trưởng hằng năm kép là 24,1% từ năm 2022 đến năm 2030. Sau đại dịch Covid-19, thị trường này sẽ phát triển hơn nữa do thương mại điện tử tăng trưởng nhanh, hoạt động thương mại xuyên biên giới được khôi phục và các dịch vụ giá trị gia tăng hấp dẫn của các công ty chuyển phát nhanh.

Thương mại điện tử phát triển sẽ cung cấp cơ hội tăng trưởng trong tương lai cho các dịch vụ giao vận. Ảnh: HẢI NAM
Thương mại điện tử phát triển sẽ cung cấp cơ hội tăng trưởng trong tương lai cho các dịch vụ giao vận. Ảnh: HẢI NAM

Chuyển phát nhanh là hình thức vận chuyển nhanh nhất liên quan việc vận chuyển nhiều loại hàng hóa và sản phẩm thông qua các phương tiện khác nhau như đường hàng không, đường thủy và đường bộ. Khách hàng sử dụng dịch vụ này phải trả thêm phí vận chuyển, vì lô hàng sẽ được vận chuyển đến bất kỳ nơi nào từ 24 đến 72 giờ tùy thuộc vào khoảng cách của lô hàng. Ở hình thức vận chuyển hỏa tốc, giá cả và cước phí cũng cao hơn so với các hình thức vận chuyển khác. 

Thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam được phân khúc trên cơ sở ứng dụng, mục đích sử dụng cuối và điểm đến. Dựa trên ứng dụng, nó được phân chia thành B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) và B2C (doanh nghiệp tới khách hàng). Theo mục đích sử dụng cuối cùng, nó được chia thành nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truyền thông xã hội, dịch vụ tài liệu và các nền tảng khác. Trên cơ sở điểm đến, nó được phân loại thành nội địa và quốc tế. Các công ty chủ chốt hoạt động trên thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam là GHN (Giao hàng nhanh), BEST Express Việt Nam (BEST Inc.), GHTK, J&T Express, Kerry Express, Nasco Logistics JSC, Nhất Tín Logistics, Công ty TNHH Tiếp vận Nin Sing (Ninja Van), Swift247, Viettel Post và VNPost.

Hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát đã dẫn đến việc hủy chuyến bay, giãn cách, cấm đi lại khiến các hoạt động dịch vụ chuyển phát nhanh trên toàn thế giới bị chững lại. Covid-19 đã có những tác động kinh tế nghiêm trọng đến ngành dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam. Đại dịch đã gây ra sự sụt giảm của dịch vụ chuyển thư, bưu kiện tài liệu, khiến dịch vụ chuyển phát nhanh B2B bị ảnh hưởng và ngừng hoạt động, nhưng nó cũng giúp B2C nổi lên, do sự phát triển nhanh chóng của ngành bán lẻ trực tuyến và thương mại điện tử.

Trong đại dịch Covid-19, thương mại điện tử trong nước phát triển nhanh hơn cùng với sự gia tăng trong giao hàng B2C. Thị trường thương mại điện tử trong nước phát triển thần tốc do các yếu tố như dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet cao và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tăng. Theo nhiều báo cáo, Việt Nam là một trong những nước có người mua sắm trực tuyến thường xuyên nhất ở khu vực Đông Nam Á. Số lượng người mua sắm trực tuyến trong nước dự kiến ​​sẽ đạt khoảng 55% dân số với mức chi tiêu trung bình 600 USD/năm vào năm 2025. 

Ngoài ra, ngành thương mại điện tử đang phát triển dự kiến ​​sẽ cung cấp cơ hội tăng trưởng trong tương lai cho các dịch vụ giao vận trong và ngoài nước, đặc biệt là dịch vụ chuyển phát nhanh. Theo ước tính của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt 23 tỷ USD vào năm 2025. Hơn nữa, việc người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hình thức giao hàng nhanh đã khiến dịch vụ chuyển phát nhanh trở thành một chìa khóa quan trọng giữa những sàn thương mại điện tử lớn cũng như các công ty khởi nghiệp mới nổi.

Tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới cũng là yếu tố then chốt cho sự phát triển thương mại quốc tế trong nước, phụ thuộc vào các yếu tố, chẳng hạn như sản phẩm không có sẵn trong thị trường nội địa, khả năng chi trả của người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, mọi người có xu hướng thích mua hàng từ các trang web quốc tế. Do đó, tăng trưởng doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới dẫn đến lượng nhập khẩu bưu kiện quốc tế tăng. Từ đó, thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước. Ngoài ra, sự phát triển của thị trường nước ngoài cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam.

Sự phát triển của các dịch vụ giá trị gia tăng trong chuyển phát nhanh là một yếu tố khác cũng góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường. Các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh đang ngày càng tập trung vào việc cung cấp các loại hình dịch vụ riêng biệt như phân loại sản phẩm, đóng gói, dán nhãn, theo dõi bưu kiện trực tuyến, ứng dụng di động, e-mail và cảnh báo SMS. Họ đang đi theo xu hướng hấp dẫn khách hàng bằng cách cung cấp một loạt các dịch vụ giá trị gia tăng đa dạng tại điểm xuất phát và điểm đến, bao gồm dán nhãn, đóng gói, đóng gói quà tặng, gắn thẻ bảo mật, trả lại hàng, có tổng đài hỗ trợ khách hàng để mang lại sự thuận tiện cho khách hàng. Việc các nhà cung cấp tập trung ngày càng nhiều vào việc cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng như vậy được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam.

Tuy nhiên, chi phí hoạt động cao hơn đang là yếu tố cản trở sự phát triển của thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh. Hiện tại, vẫn có rất nhiều người quen tiêu tiền mặt, nên thu tiền khi nhận hàng (COD) là phương thức thanh toán ưa thích nhất của những người mua sắm trực tuyến. Hiện tại, COD là một tiêu chí quan trọng đối với các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh. COD đang ở mức hơn 80% với tỷ lệ trả hàng tại các trang web B2C là từ 10-15%. Chi phí cho các công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh để vận hành dịch vụ COD là rất cao vì nó làm cho quá trình giao hàng tốn nhiều nhân lực, manh mún và khó quản lý. 

Ngoài ra, hạ tầng giao thông và ứng dụng công nghệ thông tin kém hiệu quả cũng làm tăng giá thành dịch vụ chuyển phát nhanh. Theo ước tính, tổng chi phí logistics chiếm 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chi phí vận tải chiếm từ 30 đến 40% giá thành sản phẩm. Tỷ lệ này ở các quốc gia khác chỉ lên tới mức 15%. Do đó, yếu tố này làm tăng tổng chi phí hoạt động của các dịch vụ chuyển phát nhanh tại Việt Nam, từ đó cản trở sự tăng trưởng của thị trường.