Thời điểm cần sự tỉnh táo

Thị trường chứng khoán liên tục có nhiều phiên giảm điểm sâu, thậm chí đã rơi xuống dưới mốc 1.400 điểm trong tuần qua, khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia thì đây cũng là thời điểm cần sự tỉnh táo của nhà đầu tư để có thể lựa chọn được những cổ phiếu có giá trị.

Nhà đầu tư cần tỉnh táo để có thể lựa chọn được những cổ phiếu có giá trị. Ảnh: NG.NAM
Nhà đầu tư cần tỉnh táo để có thể lựa chọn được những cổ phiếu có giá trị. Ảnh: NG.NAM

Cơ hội tốt cơ cấu danh mục

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (trú tại Hà Đông, Hà Nội) trăn trở nhiều ngày nay về việc có nên cắt lỗ danh mục chứng khoán đang nắm giữ hay không. Anh Hùng cho biết, danh mục cũ đã được anh bán gần hết thời điểm trước Tết Nguyên đán, chỉ giữ hai mã “trà đá” được anh sàng lọc và đánh giá có tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Sau Tết, anh Hùng tiếp tục cơ cấu danh mục khi mua thêm một số mã cổ phiếu nữa. “Một phần ba số tiền vốn của gia đình đang được anh đầu tư chứng khoán. Nhưng nay hầu hết các mã đều giảm, nhất là sau thông tin từ vụ FLC, rồi Tân Hoàng Minh và tuần này là nhóm Louis thì cả danh mục đỏ lòe”, anh Hùng cho biết.

Theo tiết lộ của anh Hùng, mã giảm mạnh nhất trong danh mục của anh là DRH, đã giảm hơn 40%, xuống còn hơn 15.000 đồng/cổ phiếu. Bốn mã còn lại đều giảm 20-30%.
Không chỉ anh Hùng mà rất nhiều nhà đầu tư đang lo lắng khi thị trường giảm mạnh liên tục những phiên vừa qua giữa loạt thông tin tiêu cực về một số doanh nghiệp, siết tín dụng… và nhất là thông tin giải chấp cổ phiếu. Trong Talkshow chủ đề “Hành động trong vòng xoáy thông tin” do báo Đầu tư tổ chức mới đây, chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường, người từng có nhiều năm làm việc tại APS Asset Management, Singapore cho biết, thị trường đang trong giai đoạn thiếu định hướng từ bất ổn, từ các yếu tố mới phát sinh của thị trường mà không phản ánh câu chuyện của kinh tế vĩ mô và thông tin nội tại của các doanh nghiệp. “Đây là cơ hội tốt để nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư F0 nhìn lại mình, từ đó xác định cho mình mục tiêu, chiến lược, chiến thuật đầu tư”, ông Tường đưa ra lời khuyên. Đối với câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đang rất đau đầu, chuyên gia này cho rằng: “Nếu cầm cổ phiếu mà hiểu được giá trị nội tại thì tìm hiểu xem mình chịu lỗ được bao nhiêu, có chờ được cơn bão đi qua. Nhà đầu tư phải biết mình cầm cổ phiếu gì, tại sao cầm cổ phiếu đó, từ đó mới quyết định có nên cắt lỗ hay không”.

Quyết tâm “thanh” lọc, tạo niềm tin với thị trường

Thời gian gần đây, bên cạnh nỗ lực thanh tra, kiểm tra, bắt và truy tố các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, cơ quan chức năng cũng liên tục đưa ra các thông điệp trấn an tâm lý nhà đầu tư. Không chỉ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính mà Thủ tướng Chính phủ cũng quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về thị trường chứng khoán, quyết tâm thanh lọc thị trường, lấy lại niềm tin đối với nhà đầu tư. Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra chiều 22/4 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Một điểm nữa được Thủ tướng nhấn mạnh là ổn định môi trường đầu tư, đặc biệt là sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm.

Trong tuần qua, trước diễn biến giá các cổ phiếu liên tục giảm mạnh, lãnh đạo một số doanh nghiệp đã công bố chi cả trăm tỷ đồng đăng ký mua vào hàng chục triệu đơn vị để đỡ giá cổ phiếu.

Đánh giá về tình hình thị trường hiện nay, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển “nóng” giai đoạn vừa rồi. Tuy nhiên, đây không phải diễn biến mới mà chứng khoán thế giới và Việt Nam cũng đều có những giai đoạn phát triển “nóng” như vậy bất chấp rủi ro. Tuy nhiên, ông Nghĩa vẫn tin tưởng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn tiến lên cùng với đà tăng trưởng của thị trường thế giới. TS Lê Xuân Nghĩa phân tích, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh, nền tảng kinh tế vĩ mô khá ổn định. “Đây là điểm tựa vô cùng quan trọng với thị trường chứng khoán. Thị trường vẫn sẽ rất tiềm năng nếu kinh tế phục hồi với tốc độ nhanh và mạnh, nhất là ở các ngành dịch vụ công nghiệp chế biến, chế tạo”, TS Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Để củng cố niềm tin trên thị trường, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần giải quyết vấn đề bất cân xứng giữa các nhà đầu tư khi tiếp cận và xử lý thông tin. “Hiện, thị trường bức xúc khi các nhóm “thổi giá”, các nhóm thường được gọi là “tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp” đang hoạt động mạnh mẽ mà chúng ta không có động thái giám sát, cảnh báo”, ông Nghĩa nêu và cho rằng phải có biện pháp giám sát, xử lý để tạo niềm tin thị trường. “Yếu kém nhất của thị trường Việt Nam là minh bạch. Nếu minh bạch ngay được từ báo cáo tài chính khi phát hành thì trong tương lai số người tham gia thị trường sẽ còn nhiều hơn”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nói.

Trong các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển, ông Nghĩa nhắc lại một kiến nghị để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ chứ không phải thuộc Bộ Tài chính như lâu nay. Bởi theo ông Nghĩa, thị trường chứng khoán - có tính rủi ro cao - không thể để cùng dưới sự quản lý với một bên là ngân sách - vốn có rủi ro thấp nhất, an toàn nhất. “Trong tương lai, nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được độc lập, có đủ tài lực, nhân lực, cơ sở vật chất mới có thể tạo được nền tảng thị trường chứng khoán minh bạch. Việc này sẽ diễn ra nhanh chóng hơn nếu có sự thay đổi về tổ chức”, ông Nghĩa đề xuất.

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng kiến nghị một cơ chế bình ổn thị trường. “Hiện nay, chúng ta rơi vào tình trạng khi chứng khoán giảm không có ai mua, khi tăng không ai bán. Trong khi Mỹ có 11 công ty, Nhật Bản có bốn công ty chuyên làm nhiệm vụ để bình ổn thị trường chứng khoán”, ông Nghĩa phân tích.

Tuần giao dịch đáng nhớ vừa qua, chỉ số VN-Index giảm 76 điểm, tương đương 5% về 1.379 điểm. Cá biệt trong một số phiên áp lực xả hàng dữ dội đã khiến chỉ số về sát mốc 1.350 điểm. Đáng chú ý, tuần qua có sự thay đổi về dòng tiền khi VN-Index mỗi phiên khớp lệnh giá trị trung bình gần 25.000 tỷ đồng, cao hơn tuần trước là 22.000 tỷ. Điểm đáng lưu ý nữa là phiên giao dịch cuối tuần khối ngoại tiếp tục mua ròng 923 tỷ đồng, nâng giao dịch của nhóm này lên 2.700 tỷ đồng mua ròng cổ phiếu trên toàn bộ ba sàn chứng khoán Việt Nam tuần qua.

Bên cạnh đó, tổ chức trong nước gồm tự doanh cũng ghi nhận 2.700 tỷ đồng mua ròng. Chỉ riêng tuần giao dịch vừa qua, khối ngoại và tổ chức trong nước gồm tự doanh đã mua ròng 5.400 tỷ đồng trên ba sàn chứng khoán Việt Nam. Riêng với khối ngoại, trong năm tuần gần đây, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ với giá trị 3.589 tỷ đồng, khoảng 155 triệu USD. Đây là những số liệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.