PV: Thưa TS Nguyễn Quốc Việt, ông bình luận thế nào về chỉ số tăng trưởng GDP 2,58% năm 2021 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố?
TS Nguyễn Quốc Việt: Một số báo cáo và nhận định trước đó đã dự báo GDP năm 2021 có thể tăng trưởng khoảng 3% nhưng tôi và các chuyên gia của VEPR vẫn cho rằng chỉ có thể đạt tối đa khoảng 2,5%.
Trong Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III/2021 do VEPR công bố đã đưa ra hai kịch bản cụ thể. Theo đó, tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức 1-1,5% đối với kịch bản xấu hoặc 2-2,5% đối với kịch bản tốt.
Cụ thể, VERP cho rằng, tăng trưởng kinh tế cả năm ở mức 2-2,5% với kịch bản tốt là cả nước thống nhất được các biện pháp thích ứng với bệnh dịch với tinh thần chống dịch nhưng vẫn bảo đảm sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy; các hoạt động sản xuất và tiêu dùng được hồi phục một cách chậm chạp nhưng chắc chắn; các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng ngay trong nửa đầu quý IV; tình trạng phong tỏa như trong quý III không lặp lại.
Con số GDP 2,58% là mức thấp nhất của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, song là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh hiện nay.
PV: Từ con số GDP 5,22% của quý IV và 2,58% cả năm 2021, có thể kỳ vọng năm 2022 nền kinh tế sẽ hồi phục rõ nét hơn và tăng trưởng tốt hơn hay không, thưa ông?
TS Nguyễn Quốc Việt: Số liệu báo cáo kinh tế-xã hội quý IV/2021 do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, năm vừa qua chúng ta ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước, vượt 14-15% so với chỉ tiêu Chính phủ giao là 4-5%.
Trong bối cảnh làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 hoành hành từ tháng 4/2021, gây đứt gãy chuỗi cung ứng ở nhiều nơi, nhiều nhà máy phải đóng cửa trong thời gian dài, công nhân mất việc… thì xuất khẩu nổi lên là một điểm sáng, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu sáu năm liên tiếp.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (tính đến ngày 20/12/2021) đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 15,25 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm trước, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với triển vọng kinh tế Việt Nam. Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa ra mới đây, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư trực tiếp hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, bối cảnh vĩ mô ổn định, chỉ số CPI bình quân cả năm 2021 tăng 1,84% so với năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát và tỷ giá trong giới hạn kiểm soát… là những điểm nhấn của nền kinh tế năm 2021. Từ năm 2015 đến nay, nền kinh tế Việt Nam có động lực đến từ các cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh và hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới.
Vì vậy, tôi tin rằng, mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng của những năm 2018-2019 (6,5-7%) sẽ quay trở lại nếu đại dịch Covid-19 thật sự được khống chế.
PV: Theo ông, nền kinh tế năm 2022 có thể dựa vào những động lực nào là chính?
TS Nguyễn Quốc Việt: Trong năm tới, tôi cho rằng khi kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn khả quan, đặc biệt nhóm sản xuất, lắp ráp điện tử, viễn thông gắn với đầu tư FDI vẫn là nhân tố chính đóng góp cho lĩnh vực xuất khẩu. Bên cạnh đó, các lĩnh vực y tế, tài chính-ngân hàng, thương mại điện tử sẽ được hưởng lợi nhờ các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Nhóm bất động sản, xây dựng và chứng khoán thì tốt lên do kỳ vọng từ các chính sách phục hồi tăng trưởng và đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.
PV: Để có thể đạt được con số tăng trưởng như ông vừa dự báo, chúng ta phải đối mặt với những áp lực nào? Theo ông, nhóm chính sách nào cần lưu ý trong giai đoạn sắp tới?
TS Nguyễn Quốc Việt: Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư vẫn còn để lại nhiều hậu quả cho nền kinh tế. Động lực phục hồi của một số ngành như du lịch, dịch vụ, hàng không… còn khá bấp bênh; sức cầu trong nước còn rất thấp; nguy cơ lạm phát do chi phí đẩy tăng cùng với nguy cơ “bong bóng” tài sản. Hai yếu tố trên dẫn đến nguy cơ đình lạm (nền kinh tế đình trệ nhưng lạm phát tăng) trong năm 2022.
Xu thế giải thể, phá sản doanh nghiệp vẫn có chiều hướng tăng (bình quân mỗi tháng của năm 2021, hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường) và những hệ lụy của nó cần phải được tính toán cẩn trọng. Phần lớn họ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, và do người Việt lập ra và làm chủ, việc mất đi các doanh nghiệp này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam, dẫn đến hệ lụy là tăng trưởng GDP sẽ ngày càng lệ thuộc vào doanh nghiệp FDI và thương mại quốc tế.
Việc mất đi quá nhiều doanh nghiệp nội cũng làm tăng nguy cơ đứt gãy các liên kết và chuỗi cung ứng sản xuất/xuất khẩu, gây thiếu hụt các nguồn cung dịch vụ hỗ trợ và thuê ngoài ở thị trường trong nước; làm sụt giảm cầu lao động và tổng cầu trong nước; làm gia tăng nợ xấu và các tranh chấp đầu tư, kinh doanh…
Ngoài ra, nền kinh tế còn phải đối mặt một số thách thức khác như: Biến thể Omicron vẫn đang đe dọa trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; thách thức chuyển đổi mô hình kinh tế hậu Covid-19 như chuyển đổi số, nền kinh tế chia sẻ; quá trình cạnh tranh quốc tế để thu hút thương mại, đầu tư ngày càng khắc nghiệt hơn…
Tất cả những áp lực tăng trưởng này đòi hỏi Chính phủ cần mạnh tay hơn nữa trong các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội. Trước hết, cần phát huy nội lực bằng cách giải phóng các nguồn lực đầu tư tư nhân, triển khai và phân bổ một cách có trọng tâm và các gói hỗ trợ hậu Covid-19 và sử dụng đầu tư công hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt theo hướng dỡ bỏ các rào cản thúc đẩy đầu tư và liên kết đầu tư giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tự do hóa mạnh mẽ hơn các lĩnh vực dịch vụ trong nước, kể cả những lĩnh vực được coi là nhiều yếu tố nhạy cảm như y tế, giáo dục.
Việc triển khai các gói hỗ trợ tài khóa và nguồn lực đầu tư công là nguồn nội lực quan trọng nhưng phải thận trọng do các giới hạn nguồn lực và kỷ luật ngân sách, do vậy, phải tính toán các lĩnh vực ưu tiên và đối tượng ưu tiên một cách phù hợp. Theo tôi, trong năm 2022, cần ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chứ không phải vào các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI), tập trung hỗ trợ lĩnh vực có khả năng tăng trưởng sáng tạo và bền vững (hướng tới kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế xanh), các mô hình kết nối vùng, chuỗi sản xuất, dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ (cho các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI), có khả năng duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo nhiều công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Cuối cùng, bên cạnh các chính sách, giải pháp về kinh tế thì việc thực hiện đồng bộ công tác ngoại giao (thí dụ ngoại giao vacxin) cũng cần được quan tâm và là một giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đóng góp vào tăng trưởng.
PV: Xin cảm ơn ông!