Vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”
Nghị định 153/2020/CP-NĐ ngày 31/12/2020 chỉ sau một năm đi vào thực hiện (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) đã được Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung tới 5 lần. Động thái này thể hiện quyết tâm cao của cơ quan quản lý nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường TPDN còn non trẻ, hướng tới phát triển TPDN thành kênh huy động vốn trung - dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.
Thời gian qua, sau hàng loạt vi phạm của doanh nghiệp phát hành TPDN, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về việc tăng cường các biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm, sớm ổn định và phát triển thị trường TPDN. Đối với Dự thảo sửa đổi Nghị định 153 lần thứ 5 (gọi tắt là Dự thảo), mới đây Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính sẽ sớm hoàn thiện để báo cáo Chính phủ thông qua.
Sau gần nửa năm được đưa ra lấy ý kiến, đến nay Nghị định 153 “phiên bản 5” với hơn 10 nội dung sửa đổi vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó phần lớn ý kiến cho rằng, Dự thảo thiên về “siết chặt” và e ngại có thể kiềm chế sự phát triển của thị trường TPDN.
Theo đó, Dự thảo quy định doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu riêng lẻ để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và theo thông lệ quốc tế thì góp vốn, cho vay là quyền của doanh nghiệp; việc một công ty mẹ có đủ tiềm lực, uy tín đứng ra phát hành trái phiếu rồi “bơm vốn” cho công ty con là hợp pháp; nếu bị hạn chế quyền này, năng lực của doanh nghiệp sẽ yếu đi.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định này sẽ hạn chế quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp, cản trở hoạt động M&A (mua bán - sáp nhập) và không phù hợp với nguyên tắc quản trị của các tập đoàn kinh tế.
Ngoài ra, Dự thảo cũng yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng dư nợ vay trái phiếu từ tất cả các hình thức tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá ba lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất; có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành có lãi và không có lỗ lũy kế theo báo cáo tài chính được kiểm toán về tài sản bảo đảm với trái phiếu… Quy định này, theo quan điểm của nhiều chuyên gia là “đánh đố” những doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) vì hầu hết những doanh nghiệp này không thể có lãi ngay do đầu tư ban đầu quá lớn.
Đối với nhà đầu tư trái phiếu, Dự thảo quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp phải đầu tư, nắm giữ và duy trì khoản đầu tư chứng khoán niêm yết trong vòng hai năm liên tục, có giá trị tối thiểu là hai tỷ đồng. Tiêu chí khắt khe này rất ít nhà đầu tư đáp ứng được.
“Các quy định này có thể sẽ tạo ra nguy cơ khóa chặt kênh huy động vốn bằng trái phiếu riêng lẻ. Cùng với đó, nhà đầu tư có thể phải chuyển sang các hình thức khác chưa có quy định chặt chẽ như kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ vay vốn… hoặc các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với tổ chức”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Dự thảo còn quy định, nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành và phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, không có yếu tố nào bảo đảm rằng công ty đại chúng có khả năng trả nợ tốt hơn công ty chưa đại chúng. Ngoài ra, công ty đại chúng hiện nay chỉ chiếm số lượng nhỏ do đó nếu được thông qua, Dự thảo sẽ làm giảm thanh khoản thị trường do bị “thắt chặt” sức mua. Mặt khác, hiện nay chỉ có các ngân hàng có nghiệp vụ bảo lãnh thanh toán và hầu hết ngân hàng không chấp nhận rủi ro để bảo lãnh thanh toán cho các TPDN.
Đó là chưa kể, Dự thảo này mặc dù đã là lần thứ 5 sửa đổi của Nghị định 153 nhưng vẫn còn nhiều chi tiết thiếu chặt chẽ, thí dụ như chưa đề cập đến trách nhiệm của tổ chức trung gian tư vấn phát hành TPDN (ngân hàng, công ty chứng khoán), có đề cập đến trách nhiệm phải mua lại TPDN trước hạn của nhà phát hành nhưng không nói rõ mua lại với giá nào, lãi suất ra sao…
Nâng cao giám sát nhưng không “bóp nghẹt” thị trường
Phần lớn các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thị trường TPDN ổn định và phát triển hiệu quả, bền vững, cơ quan quản lý nên tập trung vào các giải pháp nhằm minh bạch thông tin thị trường như công khai tình hình sử dụng vốn trái phiếu, công khai tình hình kinh doanh của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, khuyến khích xếp hạng tín nhiệm… Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích các quỹ đầu tư trái phiếu phát triển, nâng cao sự chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư cá nhân, nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp…
Khi đã được nâng cao năng lực về cả phía cung (doanh nghiệp phát hành) và cầu (nhà đầu tư trái phiếu), nhà đầu tư được cung cấp thông tin minh bạch để nhận diện “vàng-thau” trên thị trường, họ sẽ lựa chọn trái phiếu theo từng khẩu vị rủi ro và chấp nhận “lời ăn, lỗ chịu” theo đúng nguyên tắc thị trường.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, hãy công khai, minh bạch mọi thông tin liên quan rồi để cho thị trường quyết định. Cơ hội đi đôi với rủi ro, sự an nguy đi liền với lãi suất. Vì vậy, thay vì siết đầu vào thì nên yêu cầu chào bán trên phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan quản lý chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu hiểm.
“Doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng phải công khai thông tin này cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp cũng có thể phát hành trái phiếu khi doanh nghiệp thua lỗ, nhưng phải thông báo cho nhà đầu tư đang lỗ bao nhiêu. Hay có thể phát hành trái phiếu để đảo nợ, miễn là công khai minh bạch”, ông Đức nói.
Đối với quy định tổ chức phát hành nếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán thì bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, không nên áp đặt tiêu chí này mà chỉ nên khuyến khích là chính. Lý do là vì hiện nay Việt Nam mới có hai công ty xếp hạng tín nhiệm, không đủ năng lực cung cấp dịch vụ cho tất cả doanh nghiệp phát hành TPDN hiện nay. Ngoài ra, theo ông Hiếu, nếu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm thì cần có sự phân biệt chứ không nên cào bằng, thí dụ nhóm ngành nào rủi ro cao hơn thì tiêu chí xếp hạng phải khắt khe hơn.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia cho biết, nên khuyến khích hay bắt buộc xếp hạng tín nhiệm thì cần phải cân nhắc. Chẳng hạn, thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên thì giãn dần ra, những doanh nghiệp đã được xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức quốc tế như Moody’s, S&P, Fitch,... thì sẽ không cần thiết phải xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.
Về dài hạn, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần nâng cao chất lượng của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cụ thể là nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp. Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực khuyến nghị, cần chú trọng giáo dục tài chính cho nhà đầu tư; thậm chí, Chính phủ nên có chương trình hành động quốc gia về giáo dục tài chính cho mọi công dân.