Làm sao để thu hẹp “thị trường xám”?

“Thị trường xám” hay chợ xám là tên gọi của thị trường phi chính thức hay thị trường hàng trôi nổi. Đây là thuật ngữ kinh tế chỉ các hoạt động trao đổi hàng hóa hợp pháp nhưng không chính thức, không được ủy quyền và nó nằm ngoài kênh phân phối của nhà sản xuất, ngoài ý muốn của các cơ quan quản lý nhà nước, điều tiết thị trường. 

Thị trường xám đánh trúng tâm lý sính hàng hiệu của không ít người tiêu dùng Việt Nam.
Thị trường xám đánh trúng tâm lý sính hàng hiệu của không ít người tiêu dùng Việt Nam.

Thị trường xám rất hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Vì thông qua nó, họ có thể mua những sản phẩm với giá rẻ hơn giá niêm yết của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng ẩn chứa rất nhiều bất cập về vấn đề hàng thật, hàng giả, khâu bảo hành cho sản phẩm... Và quan trọng nhất nó làm cho Nhà nước mất đi một nguồn thu quan trọng vì khó có thể thu thuế với các giao dịch trong thị trường xám.

Những mặt hàng được trao đổi ở thị trường xám thường là các mặt hàng nhập lậu để khai thác giá cao do hàng nhập chính ngạch bị đánh thuế cao như đồ xa xỉ phẩm, những mặt hàng đang được trao đổi tại thị trường khác nhưng chưa có kế hoạch phân phối trong thị trường trong nước, một số mặt hàng hiếm chưa có hoạt động nhập khẩu chính ngạch, các sản phẩm tài chính chưa có trong nước như chứng khoán chưa niêm yết... Hàng hóa trên chợ xám luôn rẻ hơn hàng hóa có sẵn trên các kênh chính thức.

Một thí dụ nổi bật để minh họa thị trường xám là hàng hóa xách tay, mà mặt hàng khiến Nhà nước thất thu thuế nhiều nhất chính là các sản phẩm xa xỉ. Những hàng hóa như đồng hồ, kính, bút, túi xách... đôi khi có giá lên tới vài chục nghìn USD, phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng né thuế khi được mang về nước với hình thức xách tay theo diện hành lý cá nhân. 

Hàng hóa mang nhãn xách tay không chỉ gây thất thu thuế cho Nhà nước, nó còn mang theo nhiều ẩn họa khác cho người tiêu dùng như việc họ có thể dính phải hàng giả, hàng nhái, gặp vấn đề về bảo hành khi sản phẩm sai, hỏng, gây áp lực cho các thương hiệu, nhà phân phối chính thức trong nước, thao túng thị trường, chèn ép hàng nội địa... Vậy phải làm sao để dẹp thị trường xám hay ít nhất là hạn chế sự bành trướng, thu hẹp nó lại?

Vấn đề khó giải quyết nhất là hành vi của người tiêu dùng. Thị trường xám đánh trúng tâm lý sính hàng hiệu của không ít người tiêu dùng Việt Nam. Các loại quảng cáo như hàng được nhập về số lượng hạn chế, có chiết khấu cao, có bao bì toàn tiếng nước ngoài đã tác động đến tâm lý của người tiêu dùng. Người mua sẽ nghĩ rằng họ mua được hàng hiệu có giá rẻ và được bảo đảm về mặt chất lượng. 

Vì thế, thay đổi tâm lý của người tiêu dùng là rất quan trọng. Các nhà quản lý, các doanh nghiệp, thương hiệu cần phải có biện pháp truyền thông để thay đổi hành vi của người mua. Phải truyền tải thông điệp làm rõ với người tiêu dùng sự cần thiết phải mua hàng chính hãng, chính ngạch cũng như những tác hại, những nguy cơ mà họ có thể gặp phải khi mua những sản phẩm không được công nhận chính thức.

Tiếp theo, câu chuyện đến từ chính các doanh nghiệp. Đôi khi, chính các nhà sản xuất lại nghĩ rằng thị trường xám mang lại lợi ích cho họ vì nó làm tăng sự nhận biết về thương hiệu và lòng trung thành với thương hiệu của người tiêu dùng. Có những nhà sản xuất đôi khi “mắt nhắm, mắt mở” mặc cho các sản phẩm của mình trôi nổi trên thị trường xám. 

Có lúc các doanh nghiệp còn tự tạo những kênh nhập hàng vào nội địa để né thuế nhằm bán sản phẩm của mình với giá rẻ hơn cho người tiêu dùng. Chính những doanh nghiệp đó phải ý thức về thương hiệu và sản phẩm của mình trên thị trường chính ngạch. Ngoài ra, họ cũng cần có một chế độ chăm sóc khách hàng tốt hơn, để khách hàng hiểu được giá trị khi mua hàng chính hãng.

Song song với vấn đề người tiêu dùng và các hãng là câu chuyện siết chặt quản lý. Cần phải hạn chế hàng xách tay, hạn chế những nguồn hàng nhập về theo hình thức hành lý cá nhân. Có thể áp dụng một mức thuế tối đa cho các hàng miễn thuế được phép mang về nước, đồng thời thanh, kiểm tra, xử phạt các cửa hàng mang nhãn “xách tay”, các mặt hàng không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là khía cạnh quan trọng khiến khó có thể thu hẹp thị trường xám. Các cơ quan quản lý cần xem xét áp dụng mức thuế thích hợp với các sản phẩm đặc thù. Không thể để cho một sản phẩm xách tay có giá rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm được nhập khẩu chính ngạch, đôi khi giá của hàng xách tay chỉ bằng một phần ba, thậm chí là một nửa so hàng chính hãng. 

Các cơ quan quản lý cũng phải coi hàng xách tay, các hàng nhập khẩu không chính ngạch chính là hàng lậu. Những người buôn bán hàng xách tay với số lượng lớn cần phải bị xử lý nghiêm. Cần phải xử lý thật mạnh tay, không để cho các mặt hàng như vậy bành trướng, thao túng thị trường, chèn ép hàng nội địa. Cũng cần có biện pháp để giảm lợi nhuận của những người buôn bán trong thị trường xám. Khi lợi nhuận không đủ cao, người bán sẽ ít có động lực, động cơ để nhập hàng không chính ngạch vào nội địa.

Nếu thực hiện được các biện pháp trên, thị trường xám sẽ bị thu hẹp, Nhà nước sẽ có được thêm nguồn thu từ các khoản thuế bị mất đi do thị trường này. Và quan trọng nhất vẫn là tư duy của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chính hãng.