Cổ phiếu năng lượng gia tăng sức “nóng”

Trong bối cảnh thiếu vắng kênh đầu tư cùng môi trường lãi suất ngân hàng (NH) thấp, thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn là nơi trú chân lý tưởng của dòng tiền và tìm kiếm cơ hội tại các nhóm ngành chưa tăng nhiều như: phân đạm, logistics, cảng biển, vật liệu xây dựng, bất động sản, hay nổi bật nhất là các dòng cổ phiếu (CP) thuộc lĩnh vực năng lượng như than hay dầu khí (DK).

Giá dầu thế giới tăng cao là động lực nâng đỡ giá cổ phiếu ngành dầu khí.
Giá dầu thế giới tăng cao là động lực nâng đỡ giá cổ phiếu ngành dầu khí.

Liên tục bứt phá

Sau giai đoạn bùng nổ những tháng đầu năm 2021, nhiều nhóm CP tăng “nóng” như: NH, CK... đã không còn hấp dẫn về định giá trong ngắn hạn và bước vào nhịp điều chỉnh.

Kể từ đầu tháng 6 đến nay, nhóm CP ngành than đã thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư (NĐT) khi liên tiếp bứt phá lên tầm giá mới sau một thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đà tăng này là thiếu sự chắc chắn, bởi yếu tố hỗ trợ chỉ là “ăn theo” giá than thế giới, chứ không đến từ yếu tố nội tại.

Sự quan tâm của dòng tiền giúp nhiều CP ngành than chỉ trong một thời gian ngắn đã vượt mệnh giá, thậm chí cả những mã vốn được xếp vào hàng “trà đá” trong nhiều năm trước cũng gặp được thời. Cụ thể như: mã TVD đã ghi nhận mức tăng 151,4% từ vùng giá 7.000 đồng/CP hồi đầu tháng 6 lên hơn 18.000 đồng/CP như thời điểm chốt phiên ngày 28/9. Thanh khoản của TVD cũng cải thiện rõ rệt, lên trung bình hơn 750.000 đơn vị/phiên, trong khi trước đó chỉ duy trì ở mức dưới 300.000 đơn vị. Tương tự, mã TDN cũng tăng một mạch từ vùng giá hơn 7.000 đồng/CP hồi tháng 6 lên 18.000 đồng/CP như hiện nay. Trước đó, tại phiên giao dịch ngày 16/9, TDN thậm chí còn vươn lên mức 19.900 đồng/CP, tương đương mức tăng 176,4% chỉ trong hơn ba tháng.

Đặc biệt, sau nhiều năm “tàng hình” trên TTCK, mã MDC đã bắt kịp những “đồng nghiệp” khi tăng gần 143% kể từ đầu tháng 6 đến nay. Tăng giá cũng là diễn biến chung của NBC, HLC, MVB… với mức tăng trung bình khoảng 100%.

Các yếu tố tác động

Theo giới phân tích, nguyên nhân “vụt sáng” của nhóm CP ngành than chủ yếu đến từ biến động giá than trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế. Từ khoảng tháng 6, giá than thế giới bắt đầu tăng mạnh từ mức 90 USD/tấn lên đến nay đã xấp xỉ 180 USD/tấn. Cùng chiều với giá than quốc tế, giá than trong nước cũng đã tăng lên mức bình quân hơn hai triệu đồng/tấn, tăng khoảng 20% so thời điểm cuối quý II. Dự kiến đà tăng giá của giá than vẫn sẽ tiếp tục do Trung Quốc và Ấn Độ đẩy mạnh đặt hàng để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng từ các nhà máy sản xuất công nghiệp…

Việc giá than tăng mạnh cũng giúp các NĐT đã đặt niềm tin vào nhóm CP “vàng đen” kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt, việc duy trì vị trí khá quan trọng, chưa thể thay thế trong ngắn hạn của nhiệt điện than trong dự thảo Quy hoạch điện VIII mới được Bộ Công thương công bố và lấy ý kiến mới đây. Đây được coi là những yếu tố hỗ trợ sự tăng trưởng của giá CP.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, giá than tăng mạnh trong thời gian qua chưa thể giúp DN trong ngành bứt phá do nhu cầu sử dụng than trong nước sụt giảm, những DN hoạt động trong ngành dù có doanh thu nghìn tỷ nhưng lãi ròng thu về lại không cao như kỳ vọng. Thí dụ như, dù đạt mức doanh thu lên tới 2.545 tỷ đồng nhưng TVD cũng chỉ thu về được 21,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 31% so cùng kỳ do giá vốn chiếm tới hơn 93% tổng doanh thu, cùng với đó là “gánh nặng” chi phí, chủ yếu là lãi vay và chi phí quản lý DN. Diễn biến này cũng là mẫu số chung của DN ngành than khác như: CLM, TMB, MDC…

Do đó, cũng như những dòng CP hay có đà tăng trưởng nhờ “ăn theo” giá nguyên vật liệu thế giới thường chỉ là “bước sóng ngắn”, khó được đánh giá là tiềm năng, bởi yếu tố nội tại không phải là mấu chốt.

Với dòng CPDK, mới đây, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) đưa ra dự báo, giá dầu Brent có thể đạt mốc 90 USD/thùng nếu thời tiết ở Bắc bán cầu trở nên lạnh hơn bình thường trong mùa đông, cao hơn 10 USD/thùng so dự báo hiện tại... Giá dầu Brent đạt 79 USD/thùng trong tháng 9, đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, tăng 52,5% so đầu năm và tăng gần 88% so mức giá trung bình năm 2020. Đà tăng giá ấn tượng này đến từ sự phục hồi nhu cầu dầu thô trên thế giới sau đại dịch, trong bối cảnh nguồn cung phản ứng chậm trong chín tháng năm 2021.

Trong báo cáo triển vọng nhóm CPDK mới đây, Công ty CK VNDirect cho rằng, giá dầu Brent có khả năng tiếp tục xu hướng tăng trong năm nay nhờ nhu cầu thế giới phục hồi. 

Trong bối cảnh nguồn cung khí tự nhiên đang thiếu hụt như hiện nay dẫn đến giá khí tăng cao, dầu thô sẽ được lựa chọn như một trong những giải pháp thay thế khả thi nhất. VNDirect kỳ vọng đây sẽ là động lực tăng giá đối với TT dầu thô trong mùa đông này, lớn hơn rủi ro giảm nhu cầu toàn cầu đến từ một làn sóng dịch Covid-19 tương tự như biến chủng Delta.

Còn theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong tháng 9, kho dự trữ của Mỹ giảm 3,5 triệu thùng xuống 414 triệu thùng, gần chạm mức thấp nhất trong ba năm. Nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng 5 triệu thùng/ngày trong năm 2021, lên mức trung bình 97,4 triệu thùng/ngày so mức giảm mạnh 8,6 triệu thùng/ngày trong năm 2020, trước khi đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày vào năm 2022.

Phân tích các dữ liệu chung, VNDirect cho rằng, trước sự tương quan cao với giá dầu Brent, giá dầu sẽ vẫn là động lực dẫn dắt nhóm CPDK trong thời gian tới. Bất chấp những khó khăn trong hoạt động của ngành này trong năm 2021, đà tăng mạnh của giá dầu hiện nay sẽ không chỉ thúc đẩy giá CP trong ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành trong những năm tới dựa trên các kịch bản phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.