Khi margin sát ngưỡng chạm trần

Con số chính thức về dư nợ cho vay ký quỹ (margin) vừa được công bố, tăng tới 53% so cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) lo ngại và cho rằng, đây có thể là tín hiệu của một cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Theo số liệu vừa được công bố của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), dư nợ margin tính đến cuối quý I - 2021 đã đạt mức 101.400 tỷ đồng, tăng 53% so cùng kỳ năm 2020 và còn có thể tiếp tục tăng.

Margin là một hoạt động tài trợ vốn cho các NĐT CK, đặc biệt chỉ dành cho các NĐT trong nước. Cơ chế quản lý được UBCKNN đưa ra gồm danh mục được phép ký quỹ và tỷ trọng margin/vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán (CTCK) là hai lần.

Theo đó, với số liệu về dư nợ margin như trên, đại diện UBCKNN cho biết, một số CTCK đã chạm mức trần đối với hoạt động kinh doanh này.

Trong một báo cáo mới đây, CTCK VNDirect đã chỉ ra rằng, tính đến ngày 31-3-2021, hơn 30 CTCK trên thị trường đã cho NĐT vay hơn 110.000 tỷ đồng, là mức cao kỷ lục của TTCK Việt Nam.

Tại thời điểm cuối quý I - 2021, giữ vị trí quán quân về dư nợ cho vay margin là SSI với 10.878 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu đang là 11.167 tỷ đồng. Với 8.876 tỷ đồng, CTCK HSC xếp thứ hai. Ở vị trí tiếp theo là CTCK TCBS với danh mục dư nợ margin 5.664 tỷ đồng. Tiếp theo đó là: KIS là 4.921 tỷ đồng; VCSC cho vay 4.573 tỷ đồng; MBS là 4.072 tỷ đồng…

Theo tính toán của một nhà phân tích, nếu theo báo cáo kiểm toán năm 2020 của các CTCK, lượng margin có thể tăng thêm 10.000 - 15.000 tỷ đồng. Lý do vì đang có nhu cầu mở rộng lượng cho vay tuyệt đối lên bằng cách đưa lợi nhuận của năm 2020 vào vốn chủ sở hữu, hoặc tăng vốn điều lệ thì tổng lượng margin của TT có thể lên tới 200.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hồi cuối tháng 1 vừa qua, UBCKNN cũng đã công bố lượng margin toàn TTCK đã đạt khoảng 85.000 tỷ đồng. Do đó, giai đoạn hiện tại chỉ có thể tăng lên khoảng 10 - 15% (dưới 100.000 tỷ), trong khi con số hiện nay đã vượt ước tính này.

Thực tế, lượng cho vay margin tăng nhanh chủ yếu do sự tăng trưởng nóng của TTCK suốt từ đầu năm 2021 đến nay. Nhất là khi chỉ số VN Index đã có được những phiên giao dịch “tỷ đô”, thanh khoản tăng vọt trên cả ba sàn.

Cũng phải nhắc lại, trên TTCK, việc sử dụng đòn bẩy tài chính là margin khá phổ biến với các NĐT. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc chỉ số CK biến động rất mạnh trong năm 2009 và sau đó lao dốc trong năm 2010 và 2011.

Bởi lẽ, tính rủi ro hệ thống của TT thường tăng tương ứng với mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính trung bình của NĐT. Khi TT đi xuống, NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ lập tức bán ra khi đã chạm ngưỡng cắt lỗ của mình nhằm giảm thiểu rủi ro. Điều này tạo ra một lượng cung áp đảo lực cầu và khiến chỉ số tiếp tục đi xuống sâu hơn. Ngược lại, sau khi tạo đáy và đi lên, TT cũng sẽ gặp những lực cản mạnh từ những người sử dụng margin và chưa cắt lỗ khi TT đi xuống.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, quy mô của TT đã đi vào tầm cao mới, đặc biệt trong hơn bốn tháng qua, chỉ số VN Index đã vượt đỉnh 1.200 điểm. Thanh khoản TT tiếp tục duy trì ở mức cao nhất từ khi thành lập đến nay. Điều này cho thấy, có nhiều dòng tiền mới vào TT, không chỉ từ margin. 

Nhìn chung, ký quỹ là nhu cầu tất yếu của NĐT và hơn ai hết họ hiểu được cốt lõi vấn đề là “lợi nhuận cao đồng nghĩa với rủi ro cao”. 

Vì vậy, trước tình trạng sắp báo động của margin như hiện nay, nhiều khả năng sẽ bị siết lại, cần xem lại việc cấp margin của các CTCK gần đây.