Trước đây, khi việc tiếp xúc các nguồn thông tin còn hạn chế, những điều bịa đặt, xằng bậy mà họ đưa ra còn có người tin, hoặc nửa tin nửa ngờ, nhưng tới khi nguồn thông tin tiếp xúc trở nên thuận lợi, phong phú và có thể dễ dàng kiểm chứng thì dù rất nhiều lần bị phê phán, bóc mẽ về lối làm báo sai sự thật mà những người làm báo ở mấy địa chỉ này vẫn không xấu hổ, hằng ngày tiếp tục chăm chăm đưa ra các thông tin, bài viết sai sự thật, xấu độc.
Tuy nhiên mới đây, một trang mạng của người Việt ở nước ngoài đăng tải một bài viết đề cập “cuộc khủng hoảng chưa thấy lối ra” của BBC, VOA, RFA… Trong bài, dù vẫn giữ cái nhìn thù nghịch với Việt Nam thì tác giả vẫn phải thừa nhận “truyền thông bằng tiếng Việt ở hải ngoại lâm vào một cuộc khủng hoảng, tê liệt, chưa thấy lối thoát, trên cả hai phương diện, từ nội dung cho tới ngôn ngữ dùng để chuyển tải nội dung”. Theo tác giả, tình trạng đó có nguyên nhân như “các cơ quan truyền thông trong nước tự do hơn”, các “cơ quan truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại không thể tiếp cận được với môi trường Việt Nam”… Từ đó tác giả nhận xét: BBC “phải xào đi nấu lại những tin tức được báo chí trong nước loan tải”, tin dịch từ tiếng Anh thì “cẩu thả, ghép từ, bỏ từ, vô tội vạ”. Tin tức về Việt Nam của VOA cũng chỉ “xào nấu lại”. Với RFA - địa chỉ thường xuyên có các tin, bài chống phá Việt Nam, được tác giả dành khá nhiều chữ, như: RFA “phải duy trì công việc của họ bằng cách sao chép báo chí trong nước”, và “nét đặc trưng của RFA” là tạo diễn đàn cho mấy người được gọi là “bất đồng chính kiến”, nhưng do “không theo sát được tình hình trong nước, đưa đến việc đề cao những nhân vật không thực sự là bất đồng chính kiến... Tác giả coi việc RFA vừa “tự kiểm duyệt” vừa “cổ võ cho tự do báo chí trong nước” là “điều trớ trêu đến mức khôi hài”. Đặc biệt tác giả đặt các câu hỏi khá thú vị, có thể thấp thoáng nhận ra phía sau đó không chỉ là diện mạo mà cả bản chất của RFA: “hiện tượng tin vịt QAnon ảnh hưởng rất lớn đến công chúng trong nước, nhưng RFA tuyệt nhiên không có bài nào về việc này. Họ không có khả năng viết hay không muốn viết? Hay không nhận ra vấn đề?”. Với tờ báo vốn nổi tiếng chống cộng của người Mỹ gốc Việt, tác giả chỉ rõ tình trạng “liên quan quá nhiều những sự kiện vô bổ của thế hệ người Việt già nua tại hải ngoại”, “độc giả người Việt các thế hệ sau không còn rành tiếng Việt nữa”…
Vì thế rốt cuộc, những ai còn mơ hồ hoặc tin theo BBC, VOA, RFA,… và báo chí chống cộng của người Việt ở nước ngoài nên chú ý và có suy nghĩ nghiêm túc về điều tác giả bài viết kể trên đã kết luận: trong tình trạng khủng hoảng hiện nay, người nói và đọc tiếng Việt trên thế giới sẽ ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với thông tin chính thống ở trong nước, hoặc “rơi vào mê hồn trận tin vịt của mạng xã hội”, qua đó tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin để phân biệt đúng - sai, và điều chỉnh nhận thức, hành vi.