Trước đó, ngày 10-3-2021, Công an tỉnh Ninh Bình cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Quốc Khánh với tội danh tương tự. Các quyết định trên đây được tiến hành sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn, thực hiện đúng theo các quy định của Luật Tố tụng hình sự (2015).
Vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm về hành vi và bị pháp luật xử lý, đó là nguyên tắc được duy trì ở mọi quốc gia nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nhưng, sau khi Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh bị bắt tạm giam để điều tra thì các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đã lập tức thi nhau la lối, cho rằng Lê Trọng Hùng bị bắt vì “tự ứng cử vào Quốc hội”, còn Trần Quốc Khánh bị bắt vì đã “bày tỏ ý định ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập”! Trong cái “dàn đồng ca” thất thanh đó thấy nổi lên “giọng lĩnh xướng” của tổ chức khủng bố “Việt tân” và đó là điều không có gì ngạc nhiên. Bởi từ khi Việt Nam triển khai kế hoạch bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, tổ chức khủng bố “Việt tân” luôn đi đầu khởi xướng rất nhiều hoạt động có tính chất chống phá và lợi dụng internet để hằng ngày trắng trợn, trơ tráo đưa ra rất nhiều luận điệu bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo, vu khống…
Vì thế, việc ngày 1-4-2021, cái gọi là AI (Ân xá quốc tế) hòa giọng với các thế lực thù địch, thiếu thiện chí để ra thông cáo “lên án Việt Nam đàn áp các ứng cử độc lập” và “kêu gọi Hà Nội cho phép tiếng nói phản biện trong kỳ bầu cử” cũng là việc làm trắng trợn, trơ tráo. Với luận điệu này, AI đã đánh đồng hai việc hoàn toàn khác nhau về bản chất, không liên quan với nhau, đó là: quyền ứng cử được quy định tại Điều 27 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, với hành vi vi phạm pháp luật. Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh bị bắt tạm giam để điều tra vì vi phạm pháp luật, không bị bắt vì “ứng cử vào Quốc hội”, “bày tỏ ý định ra tranh cử”. Tự cấp cái “quyền” lố bịch là phán xét nhân quyền mà AI không nắm bắt (hoặc cố tình không nắm bắt) một việc đơn giản như vậy thì thử hỏi tổ chức này có khách quan, lương thiện hay không? Lố bịch hơn, trong thông cáo, E. Gil - Phó Giám đốc Khu vực của AI, còn nói rằng: “Cuộc bầu cử ban lãnh đạo mới gần đây của Đảng Cộng sản Việt Nam lẽ ra phải báo trước sự cải thiện về tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam”! Đó là phán xét tùy tiện, nếu đã tìm hiểu, E. Gil phải biết rằng Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập rất cụ thể đến nhân quyền, một trong các nhiệm vụ trung tâm được xác định là “thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”. Song tóm lại, có lẽ đòi hỏi AI cần phải khách quan, lương thiện là điều bất khả!