Bạo lực gia tăng ở Haiti

Bạo lực băng nhóm gia tăng không ngừng ở Haiti những ngày qua khiến chính quyền quốc gia vùng Caribe phải áp đặt một số biện pháp cứng rắn, như gia hạn lệnh giới nghiêm và duy trì tình trạng khẩn cấp.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát Haiti nỗ lực tấn công các nhóm tội phạm tại Thủ đô Port-au-Prince. Ảnh: CNN
Cảnh sát Haiti nỗ lực tấn công các nhóm tội phạm tại Thủ đô Port-au-Prince. Ảnh: CNN

Bạo lực băng nhóm

Bạo lực băng nhóm gia tăng chóng mặt thời gian qua, đẩy Haiti vào tình trạng bất ổn, mất an ninh nghiêm trọng. Điển hình nhất là vụ các băng nhóm tội phạm đã liều lĩnh tấn công hai khu dân cư thượng lưu ở Thủ đô Port-au-Prince, Haiti rạng sáng 18/3. Những khu dân cư giàu có này trước đây được đánh giá là “pháo đài” bất khả xâm phạm, biệt lập và khá an toàn trước tình trạng bạo lực băng nhóm.

Một phóng viên ảnh của hãng tin AP đã phát hiện thi thể của ít nhất 12 người nằm rải rác trên một khu phố sầm uất thuộc khu vực nêu trên sau vụ tấn công. Chưa có thông tin về danh tính của các thi thể cũng như nguyên nhân dẫn đến việc các nạn nhân này thiệt mạng. Không loại trừ khả năng họ là thành viên băng nhóm có vũ trang hoặc tù vượt ngục bị cảnh sát quốc gia tiêu diệt. Nhà riêng của một quan chức tòa án cấp cao cũng bị băng nhóm tội phạm tấn công. Quan chức này may mắn sống sót nhờ các vệ sĩ riêng can thiệp kịp thời.

Trong khi đó, Công ty điện lực Haiti thông báo bốn trạm biến áp ở Thủ đô và các khu vực khác đã bị phá hủy và hư hỏng hoàn toàn, dẫn đến việc phần lớn Thủ đô Port-au-Prince bị mất điện, bao gồm cả một bệnh viện. Băng nhóm vũ trang đã phá hoại các cơ sở này và lấy đi nhiều tài liệu, dây cáp, bộ chuyển đổi, pin và các thiết bị khác. Các cuộc tấn công không ngừng gia tăng gần đây làm dấy lên lo ngại bạo lực băng nhóm sẽ không giảm, kể cả khi Hội đồng chuyển tiếp được thành lập ở Haiti nhằm tiến tới bầu ra một chính phủ hòa giải dân tộc.

Trước tình hình phức tạp đó, Chính phủ Haiti tiếp tục gia hạn lệnh giới nghiêm ở khu vực phía tây Thủ đô Port-au-Prince đến ngày 20/3 vừa qua, đồng thời duy trì tình trạng khẩn cấp kéo dài đến ngày 3/4. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, không ảnh hưởng đến các thành viên của lực lượng công đang làm nhiệm vụ như lính cứu hỏa, tài xế xe cứu thương, nhân viên y tế và nhà báo được cấp phép. Thông báo do Bộ trưởng Tài chính Michel Patrick Boisvert, người đang giữ chức Thủ tướng lâm thời của Haiti khi Thủ tướng Ariel Henry từ chức, ký ngày 17/3 nhấn mạnh các cuộc biểu tình bị cấm cả ngày lẫn đêm trong khu vực nêu trên.

Nhiều nước sơ tán công dân

CH Dominicana tuyên bố tiếp tục sơ tán 27 công dân cư trú tại Haiti do lo ngại tình trạng bạo lực và bất ổn. Đây là những công dân yêu cầu chính phủ bảo hộ do gặp khó khăn khi rời Haiti bằng những tuyến đường thông thường. Bộ Ngoại giao CH Dominicana cho biết, nước này đã điều ba trực thăng không quân và lực lượng đặc nhiệm liên ngành tham gia chiến dịch sơ tán những công dân trên.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, 30 công dân nước này đã được sơ tán an toàn khỏi Haiti và tới thành phố Miami, bang Florida. Bộ này cũng đang xem xét các phương án giải cứu những công dân Mỹ còn lại, đồng thời kêu gọi các công dân đang tìm cách rời khỏi Haiti liên lạc qua trang mạng của họ. Khoảng 1.000 công dân Mỹ đã yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này hỗ trợ để rời Haiti. Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel thừa nhận đây là một tình huống khó khăn, đồng thời cho biết, Washington tiếp tục theo dõi tình hình, đánh giá nhu cầu của công dân, tình hình an ninh chung và nghiên cứu các phương án vận chuyển thương mại khác nhau.

Cuối tuần trước, Mỹ đã sơ tán các nhân viên ngoại giao không thiết yếu từ Đại sứ quán ở Port-au-Prince về nước, đồng thời đưa thêm lực lượng an ninh tới quốc gia vùng Caribe để bảo vệ cơ quan đại diện ngoại giao. Một số nước và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã sơ tán các nhân viên ngoại giao do lo ngại cuộc khủng hoảng tại Haiti. LHQ cũng công bố kế hoạch sơ tán các nhân viên không thiết yếu, trong khi phái bộ LHQ ở Haiti thông báo triển khai cầu hàng không từ quốc gia láng giềng CH Dominica để vận chuyển hàng cứu trợ tới Haiti.