Điểm sáng trong bức tranh nhân lực…
Kết quả khảo sát nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022 do Công ty tư vấn tiên phong về giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc hạnh phúc (Anphabe) thực hiện mới đây tại hơn 500 công ty với sự tham gia của gần 58 nghìn người đi làm; cùng với đó, khảo sát, phỏng vấn chuyên sâu khoảng 150 lãnh đạo và quản lý nhân sự ở 20 ngành nghề chính…, cho thấy nhiều thực trạng đáng báo động.
Bà Thanh Nguyễn, CEO Anphabe cho biết, dù thị trường còn nhiều biến động, chỉ số niềm tin của người lao động vào tầm nhìn, chiến lược của công ty vẫn tăng lên đáng kể. Theo đó, so năm 2021, mặc dù tình hình kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã cải thiện thu nhập của nhân viên tốt hơn. Tính đến tháng 9/2022, có 56% người lao động được tăng lương, 38% giữ nguyên, chỉ có 6% bị giảm lương hoặc thu nhập không ổn định. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hậu Covid khi mà năm 2021 chỉ có 35% người lao động được tăng lương còn số lao động bị giảm lương, lương không ổn định lên tới 15%. Trong năm 2023, giám đốc nhân sự nhiều công ty cũng dự báo mức tăng lương trung bình là 12%. Ngoài ra, khảo sát cũng ghi nhận các doanh nghiệp đã cố gắng để 9/10 người lao động được nhận khoản thưởng thành tích họ đạt được trong năm 2021, trong đó gần 70% số lao động nhận mức thưởng cao hoặc bằng số đã công bố.
Một “nốt nhạc” tích cực khác là xu hướng nghỉ việc hậu Covid-19 đã “bớt ồ ạt” và có dấu hiệu chững lại. Trong khoảng một năm tới, tỷ lệ này sẽ còn khoảng 17%. Đây là dấu hiệu tích cực bởi sau đại dịch, tỷ lệ lao động nghỉ việc lên đến 23%.
… đừng vui mừng quá sớm
Anh Nguyễn Ngọc Dũng, nhân viên một công ty logistics tại TP Hồ Chí Minh sau hơn hai tháng đi làm đã có dấu hiệu mệt mỏi, căng thẳng. Nhiều ngày nay, thỉnh thoảng anh có ý định xin nghỉ việc do khối lượng công việc phải làm quá lớn, tới mức anh gần như không có ngày cuối tuần để nghỉ ngơi. Nhiều hôm, sau giờ làm, máy tính của anh còn mở đến tận 1-2 giờ sáng để hoàn tất công việc.
Tình trạng như đối với anh Dũng không phải hiếm trong môi trường làm việc văn phòng hiện nay. Theo Anphabe, dù thị trường nhân lực của Việt Nam cuối năm 2022 - đầu 2023 có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa thể vui mừng quá sớm vì thực tế công việc ghi nhận những cảnh báo về tình trạng stress ở nhân viên đang khá trầm trọng và ngày càng gia tăng.
Khảo sát của Anphabe ghi nhận, có tới 42% người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên. Trong đó, nhóm quản lý cấp trung, nhóm nhân viên có thâm niên từ 2-5 năm đang thấy áp lực nhất. Các ngành nghề có lượng nhân viên bị quá tải công việc xảy ra chủ yếu ở một số ngành sản xuất, vật liệu xây dựng, ngân hàng… Xét theo phòng ban, stress nhiều nhất là phòng quản lý chất lượng. Cứ 2 người sẽ có 1 người stress từ thường xuyên tới rất thường xuyên. Ngoài ra, nhóm nhân viên bán hàng và chăm sóc khách hàng cũng có tỷ lệ stress khá cao.
Sự quá tải đang diễn ra như “sát thủ vô hình” giết chết động lực cũng như sự gắn kết của người đi làm với doanh nghiệp. Vì tần suất stress càng cao, nỗ lực tự nguyện cống hiến cho công việc và cam kết gắn bó với công ty càng suy giảm. Cụ thể, trong nhóm nhân viên có dự định nghỉ việc trong vòng sáu tháng tới, tỷ lệ stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên cao hơn 250% so nhóm thỉnh thoảng mới bị stress. Đáng chú ý, sau đại dịch, xu hướng người lao động phản kháng bằng cách nói không hoặc từ bỏ trong im lặng, hay nói cách khác là “nghỉ việc trong yên lặng” ngày càng phổ biến.
Thực tế này cho thấy, chính sách chăm lo an sinh cho nhân viên là vấn đề rất cần được lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, các khảo sát tại gần 100 doanh nghiệp lớn đại diện 20 ngành nghề chính cho thấy, mới chỉ có 15% số doanh nghiệp “coi trọng” vấn đề an sinh và đưa vào nhóm ưu tiên chiến lược hàng đầu trong năm 2023. Tiêu chí này chỉ đứng thứ 9 sau nhiều ưu tiên chiến lược khác. Cần hiểu rằng, an sinh không đơn giản là cung cấp vài phúc lợi nhỏ mà đã trở thành chiến lược nhân tài trụ cột, định hướng cho rất nhiều chính sách nhân sự đa dạng tại doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng, để giữ chân, tạo môi trường tích cực cho nhân viên, các doanh nghiệp nên tìm cách tiếp cận xu hướng an sinh toàn diện với năm trụ cột chính bao gồm: sức khỏe thể chất, sức khỏe cảm xúc, sức khỏe tinh thần, sức khỏe tài chính và sức khỏe sự nghiệp.
Tôi tin rằng công ty nào thể hiện rõ sự quan tâm chân thành tới người lao động, họ sẽ là thỏi nam châm hút về những tinh hoa của nguồn nhân lực và tới lượt mình, nhân viên cũng sẽ “chăm lo” tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp đó”, bà Thanh Nguyễn nhấn mạnh.